Các em HS Trường TH Lý Thái Tổ nhiều năm nay phải vui chơi ở hành lang trong giờ giải lao. Ảnh: Q.Huy |
Hiện nay ở TP.HCM vẫn còn những ngôi trường thiếu sân chơi, thiếu ánh sáng… Thực trạng này vẫn cứ tồn tại từ năm này sang năm khác.
Học và chơi một chỗ
Trường TH Lý Thái Tổ (Q.8) nằm khu vực chợ Xóm Chiếu, nổi tiếng là trường không sân. Tìm đến địa chỉ trường không khó nhưng để nhận ra trường thì chẳng dễ chút nào. Dù trường có hai bảng hiệu nhưng một bảng nằm khuất sâu bên trong cầu thang, cũng là lối đi chính của toàn trường; một bảng nằm trên cao bị Nhà sách Lý Thái Tổ che khuất. Nếu nhìn qua thì không thể thấy, mà phải nhìn sâu vào bên trong lối cầu thang lên xuống hoặc chỉ khi có HS đi ra người ta mới biết đó là trường. Mỗi giờ ra chơi hay những giờ trước khi vào lớp, HS tập trung dọc hành lang thiếu ánh sáng, hoặc lên sân thượng. Quá chật hẹp nên HS không được vui đùa thoải mái, đặc biệt không được xuống tầng trệt vì là nơi sát đường đi, xe cộ qua lại đông đúc, nguy hiểm đến tính mạng… Khi hỏi về tình trạng của trường, cô Lê Thị Thu Vân (Hiệu trưởng nhà trường) ngậm ngùi: “Chúng tôi gắn bó lâu đâm cũng quen. Chỉ thương các em, vì trường không có sân nên chơi chủ yếu ở hành lang. Em nào khỏe mạnh thì lên sân thượng ở tầng 3. Trẻ nhỏ mà bị gò bó, chúng rất khó chịu và thiệt thòi lắm nhưng chúng tôi cũng không biết làm sao. Phải cố gắng đảm bảo an toàn cho các em là trên hết”.
Được biết, trường được xây từ trước ngày 30-4-1975. Có 3 tầng thì tầng 1 dành cho nhà sách, chỉ chừa 1 lối làm cầu thang (rộng hơn 1m) di chuyển lên xuống của thầy trò và đây cũng là nơi để xe của hơn 10 CB-GV-CNV nhà trường. Nhưng nếu hôm nào có họp toàn trường thì GV phải gửi nhờ xe sang nhà sách. Mỗi lần HS ra về, các em phải đứng dọc hành lang lẫn cầu thang chờ ba mẹ tới đón.
Trường TH Bình Giã là tên mới của TH Nguyễn Viết Xuân, Q.Tân Bình, năm học này TH Nguyễn Viết Xuân nhập lại với Bình Giã và bỏ hẳn tên cũ. Cứ nghĩ có sự thay đổi sẽ tốt hơn, nào ngờ học sinh về với cơ sở này vẫn chịu cảnh sân chơi là khoảng không gian vài bước chân từ trong lớp ra tới hành lang. Bởi trường là căn nhà 3 tầng, 2 tầng trên có 10 phòng dành cho 9 lớp 5, tầng trệt là sân chơi và để xe. Nói sân chơi nghe oai lắm nhưng rộng chỉ khoảng 180m2, xen lẫn trong sân gồm nhiều cây cột trường. Tính trung bình mỗi HS có khoảng 60cm2 để vui chơi. Biết thế nên nhiều HS muốn chơi nhảy dây, nhảy lò cò, ô quan, bịt mắt… cũng đành bó tay. Thầy cô đi lại cũng phải cẩn thận kẻo va vào HS. Thế nên cứ ra chơi, một số HS ở lại hành lang chơi luôn.
Nơm nớp lo “bà hỏa” ghé thăm
Ở những trường này, không chỉ thiếu sân chơi mà công tác phòng cháy chữa cháy luôn là vấn đề quan tâm cấp bách. Cô Lê Thị Thu Vân, Hiệu trưởng Trường Lý Thái Tổ chia sẻ: “Cứ đầu năm chúng tôi phải tổ chức diễn tập “Phương án chữa cháy cứu hộ” cho CB-GV-CNV và kiểm tra thường xuyên hàng tháng. Ngoài lối đi chính nhà trường mở thêm lối thoát hiểm phía sau đề phòng trục trặc, sự cố hỏa hoạn. Nhưng chúng tôi vẫn lo ngại chẳng may nhà sách phía dưới có mệnh hệ gì thì không biết phải xử lý tình huống như thế nào. Thật sự chúng tôi luôn trong tình trạng nơm nớp lo sợ”.
Trường TH Huỳnh Mẫn Đạt (Q.5) là ngôi nhà cao 6 tầng, với khoảng 600 HS và vài chục CB-GV-CNV. Đường lên xuống chỉ là 1 cầu thang bé nhỏ, heo hút. Năm nay trường lắp thêm cầu thang thoát hiểm, hệ thống phòng cháy chữa cháy. Nhưng với không gian chật hẹp, xung quanh là nhà dân, dây điện bao quanh cũng không ít, vì thế nhiều người luôn lo ngại cho độ an toàn của trường. “Mỗi ngày con em mình và vài trăm HS khác tới trường học, thú thật chúng tôi không yên tâm chút nào. Mong cháu học nhanh hết cấp để chuyển sang trường khác…”, một phụ huynh đứng chờ đón con bày tỏ.
Ngoài Trường Lý Thái Tổ, Bình Giã, Huỳnh Mẫn Đạt còn có Trường TH Âu Cơ (Q.11) cũng chung hoàn cảnh. Đặc điểm chung của hầu hết các trường là ngôi nhà hình hộp, phòng học nhỏ, bưng bít xung quanh là nhà dân dẫn đến thiếu ánh sáng. Lên xuống bằng 1 đến 2 cầu thang. Cổng vào trường gần với các phòng, gần luôn đường đi, khuất tầm nhìn và nhiều xe lưu thông. Các trường xây đã lâu nên xuống cấp. Tất cả đều có kế hoạch được xây mới nhưng dự án vẫn nằm trên giấy. Theo chia sẻ của Ban giám hiệu Trường TH Huỳnh Mẫn Đạt và TH Lý Thái Tổ thì cả hơn chục năm nay trường vẫn cứ chờ, cứ đợi. Nguyên nhân do thiếu kinh phí, không giải tỏa được mặt bằng nên không được xây. Ông Phạm Ứng Dũng, quyền Trưởng phòng GD-ĐT Q.8 chia sẻ: “Chúng tôi đấu tranh nhiều năm nay để xây mới Trường TH Lý Thái Tổ. 3 năm trở lại đây chúng tôi phải đấu tranh quyết liệt và năm nay chúng tôi nhận được tín hiệu vui là trường có thể được xây. Tôi mong đây là sự thật để thầy trò được dạy – học trong ngôi trường đầy đủ trang thiết bị dạy học, phòng chức năng, có sân chơi, có cây xanh. Được dạy học trong môi trường tốt thì thầy trò mới làm tốt mục tiêu giáo dục”.
Nguyễn Trinh
Bình luận (0)