Trong hai ngày 9 và 10-9, đoàn khảo sát của Bộ GD-ĐT do bà Trần Thị Thắm – Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học làm Trưởng đoàn đã làm việc với TP.HCM về công tác giáo dục hòa nhập.
Theo báo cáo, TP.HCM có 58 trường chuyên biệt, trong đó công lập 18 trường, ngoài công lập 7 trường. Hiện toàn TP có khoảng 500 trường mầm non, tiểu học và phổ thông công lập tiếp nhận trẻ khuyết tật học hòa nhập. Ngoài ra, TP.HCM còn có Trung tâm Hỗ trợ giáo dục hòa nhập với chức năng can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật, hỗ trợ chuyên môn cho các trường dạy hòa nhập, trường chuyên biệt…
Ông Nguyễn Quang Vinh – Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP cho biết: “Các trường chuyên biệt ở TP.HCM không chỉ nhận trẻ khuyết tật của TP mà nhận cả trẻ ở các tỉnh lân cận. Sau một thời gian, thấy trẻ tiến bộ, có thể hòa nhập được thì chuyển sang các trường mầm non, tiểu học công lập để các em học hòa nhập. Khó khăn hiện nay của các trường dạy hòa nhập là thiếu giáo viên có chuyên môn. Hằng năm chúng tôi đều tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho các giáo viên dạy hòa nhập. Tuy nhiên sẽ tốt hơn nếu trong các trường sư phạm, giáo sinh được đào tạo một chứng chỉ dạy hòa nhập để khi ra trường đi dạy không bỡ ngỡ”.
Đại diện Sở Nội vụ TP.HCM cũng cho biết, TP cho ngành giáo dục trên 400 biên chế giáo viên dạy khuyết tật nhưng hiện nay các trường mới chỉ tuyển được trên 350 giáo viên.
Trên thực tế, không phải các trường không muốn tuyển mà tuyển không được. Bởi giáo sinh học chuyên ngành khuyết tật không nhiều…
Thêm một khó khăn của công tác giáo dục trẻ khuyết tật là công tác hướng nghiệp. Theo quy định thì qua 18 tuổi các trường sẽ không nhận học sinh khuyết tật nhưng: “Có những em 21 tuổi nhưng vẫn đòi ở lại trường chuyên biệt. Nhà trường đưa ra thì khóc lóc, thậm chí gia đình các em còn tới năn nỉ. Họ nói bây giờ mà nhà trường không nhận thì không biết cho con đi đâu. Nhưng về phía các trường, nếu giữ những học sinh lớn như vậy thì rất bất tiện”, bà Trần Thị Kim Thanh – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP tâm tư.
Cũng theo bà Kim Thanh, ngành GD-ĐT TP rất quan tâm đến công tác giáo dục khuyết tật, coi đây là một hoạt động chuyên môn. Đặc biệt, TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước có chính sách hỗ trợ cho giáo viên dạy hòa nhập…
Về vấn đề hướng nghiệp cho học sinh khuyết tật, đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết: TP.HCM có khoảng 45 ngàn người khuyết tật, sở đang cùng các sở – ngành liên quan hoàn thiện đề án tạo việc làm cho người khuyết tật. Theo đó, trong đề án nêu rõ mỗi cơ quan Nhà nước phải tiếp nhận ít nhất một người khuyết tật. Hiện tại, trung bình mỗi năm Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật của TP đào tạo nghề cho khoảng 1 ngàn người khuyết tật. Tuy nhiên chỉ những người khuyết tật nhẹ mới đi học, còn những người câm điếc, thiểu năng tâm thần thì dạy học đã khó, tạo việc làm còn khó hơn… “Chúng ta đành phải chấp nhận có một số nhóm đối tượng khuyết tật không thể hòa nhập được”, đại diện Sở Lao động – Thương bình và Xã hội TP nhấn mạnh.
Từ thực tế của TP.HCM, bà Thắm khẳng định: “Công tác giáo dục hòa nhập ở TP.HCM làm rất bài bản, nhất là việc khám sàng lọc tại Trung tâm Hỗ trợ giáo dục hòa nhập. Sau khi được bác sĩ nhi, chuyên gia tâm lý và giáo viên dạy khuyết tật thăm khám, làm các bài test, trẻ sẽ được giới thiệu tới các trường chuyên biệt (nếu bị nặng), nhẹ thì được chuyển tới các trường mầm non để học hòa nhập. Từ mô hình của TP.HCM, chúng tôi sẽ nhân rộng cho các tỉnh, thành khác trong cả nước…”.
Kim Anh
Bình luận (0)