Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

PCGDMN 5 tuổi ở Quảng Ngãi: Nhiều tiêu chí còn xa tầm với

Tạp Chí Giáo Dục

Điểm trường học tạm của Trường MN Ba Xa
Có đầy đủ cơ sở vật chất (CSVC), đội ngũ giáo viên và hạ thấp tỷ lệ suy dinh dưỡng cho trẻ là điều kiện cần phải đạt được, khi đó mới nói đến chuyện hoàn thành công tác phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) cho trẻ 5 tuổi. Nhưng hiện tại, tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa hoàn thiện được những tiêu chuẩn đó. Khó khăn và thách thức đang nằm ở phía trước khi tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2015 sẽ hoàn thành công tác này.
Tiêu chuẩn đầu tiên cần phải đạt được là CSVC trường lớp. Đối với Quảng Ngãi, điều này vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Toàn tỉnh có 14 huyện, thành phố thì đã có 6 huyện miền núi, điều kiện kinh tế xã hội gặp nhiều khó khăn. Từ khi bậc học MN được chuyển đổi từ bán công sang công lập (2010) ngành GD-ĐT và các cấp chính quyền từ tỉnh đến huyện đã quan tâm nhiều đến việc xây dựng CSVC trường lớp. Nhưng vẫn chưa thấm vào đâu bởi nhu cầu thì lớn, nguồn lực thì hạn hẹp. Từ năm 2010 đến tháng 6-2013, toàn tỉnh đã đầu tư hơn 240 tỷ đồng xây dựng CSVC và mua sắm trang thiết bị cho bậc MN. Số tiền này đã xây dựng được 359 phòng học, hơn 100 phòng chức năng, cải tạo và xây mới hơn 320 công trình vệ sinh. Con số này không thấm vào đâu so với nhu cầu thực tế. Toàn tỉnh Quảng Ngãi có gần 1.100 phòng học, nhưng phòng học tạm bằng tranh tre, nứa lá hơn 130 phòng, không có phòng phải học nhờ tại các nhà văn hóa thôn và trường tiểu học hơn 120 phòng. Đó là chưa kể số phòng xây dựng phục vụ PCGDMN cho trẻ 5 tuổi là gần 300 phòng.

Phụ huynh đón trẻ về nghỉ trưa để chiều tiếp tục đến trường
Huyện miền núi Tây Trà của Quảng Ngãi còn gần 20 phòng học tạm. Là một trong những huyện nghèo nhất cả nước, nên Tây Trà không thể gồng mình xây dựng được. Để xóa hoàn toàn lớp học tranh tre nứa lá sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi kế hoạch của tỉnh Quảng Ngãi đưa ra là phải hoàn thành công tác này đến năm 2015. Ông Đỗ Minh Lâm – Phó chủ tịch UBND huyện Tây Trà trăn trở: “Kế hoạch đề ra như vậy, khó khăn mình cũng biết, huyện thấy rõ khó khăn đó, nhưng cũng chỉ trông chờ vào Nhà nước là chính. Do vậy để đạt được kế hoạch đến 2015 thì quan trọng hơn hết là xây dựng CSVC, xây dựng lớp học và nhà bán  trú. Nếu được thì phổ cập cho trẻ mới đạt chất lượng. Huyện cũng chỉ  kiến nghị với tỉnh với Trung ương, chứ giao cho huyện là không thể làm được, vì rất khó”. 
Đến thời điểm hiện tại, 14 huyện, thành phố của Quảng Ngãi chỉ duy nhất huyện đảo Lý Sơn đạt tiêu chuẩn về CSVC cho bậc học MN.
Không xây dựng đầy đủ CSVC trường lớp sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khác, ảnh hưởng đến việc học tập, chăm sóc cho các cháu ở bậc học này. Đối với các huyện miền núi, khi thiếu phòng học, việc học 2 buổi/ngày gặp rất nhiều khó khăn. Huyện miền núi, vùng cao Sơn Tây hiện vẫn chưa tổ chức được bữa ăn bán trú cho các cháu bậc học MN. Nguyên nhân chính là thiếu phòng học, thiếu điều kiện CSVC. Toàn huyện vẫn còn thiếu 31 phòng học, chiếm gần 50% số phòng học trong toàn huyện. Các cháu phải học nhờ nhà dân, học trong phòng học tạm, học trong trường tiểu học. Ông Lê Hoài Thạnh – Trưởng phòng GD-ĐT huyện Sơn Tây, người có 20 năm gắn bó với bà con đồng bào dân tộc ở đây cho biết: “Tổ chức bữa ăn bán trú hiện nay vẫn chưa thực hiện được. Muốn tổ chức bán trú thì phải có phòng học cho học sinh, phải có nhà ăn. Vì vậy việc dạy 2 buổi/ngày rất khó thực hiện. Bởi liên quan đến việc trẻ phải được chăm sóc, nuôi dưỡng rồi mới đến giáo dục. Bắt các cháu học 2 buổi/ngày mà không ăn trưa là không thể được. Điều này không phù hợp với khoa học về GDMN”.

Một lớp MN do cô Ngô Thị Phương – giáo viên Trường MN Ba Xa (Quảng Ngãi) phụ trách

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Quảng Ngãi, số trẻ được học 2 buổi/ngày đạt hơn 93%. Nhưng đối với các huyện miền núi, tỷ lệ này đạt rất thấp. Ông Lê Hoài Thạnh thừa nhận: “Muốn thực hiện PCGDMN 5 tuổi tại Sơn Tây và cả tỉnh trong 2 năm tới thì làm sao kịp. Học 2 buổi/ngày phải tổ chức bán trú, ăn trưa tại chỗ, giữ các cháu tại chỗ để chiều các cháu học tiếp. Chưa nói đến công trình nhà bếp, công trình vệ sinh cho các cháu. Cho nên điều này rất khó khả thi”. Đây là khó khăn chung mà 6 huyện miền núi của Quảng Ngãi phải tìm hướng giải quyết trong thời gian tới. Đến thời điểm này, Quảng Ngãi vẫn còn 5/14 huyện, thành phố chưa đạt quy định về tỷ lệ trẻ 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi.
“Thách thức của chúng tôi là hiện nay phải làm thế nào để xây dựng được 276 phòng học còn thiếu cho bậc học MN. Một khó khăn khác mà ngành GD-ĐT Quảng Ngãi phải giải quyết, đó là làm thế nào hạ thấp tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, nhất là miền núi. Hiện nay, trẻ suy dinh dưỡng ở miền núi còn cao. Hơn nữa, chúng tôi còn phải giải quyết bài toán thực hiện các lớp bán trú, bữa ăn bán trú. Có như vậy mới vận động học sinh học 2 buổi/ngày. Vì hiện tại, ở các huyện vùng cao, các em học sinh ở xa điểm học, nên thường chỉ học 1 buổi, còn 1 buổi theo cha mẹ lên nương, lên rẫy. Mà để thực hiện được vấn đề này, điều đầu tiên phải có đầy đủ phòng học cho các cháu”, ông Thái Văn Đồng – Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ngãi chia sẻ.
Giải quyết được những khó khăn về CSVC, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở các huyện miền núi, tăng cường đội ngũ giáo viên, huy động mọi nguồn lực là thách thức không nhỏ để ngành GD-ĐT Quảng Ngãi thực hiện PCGDMN cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015.
Bài, ảnh: Phước Trung

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)