Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đổi mới chương trình – sách giáo khoa: Vẫn còn ngổn ngang

Tạp Chí Giáo Dục

Một tiết học môn sử tại Trường THPT Nguyễn An Ninh (Q.10, TP.HCM). Ảnh: A.Khôi
Mỗi cấp học sẽ có bao nhiêu môn bắt buộc, tự chọn, hoạt động giáo dục? Các môn học tích hợp sẽ gọi như thế nào cho hợp lý, lớp 10 là lớp “dự hướng”, cơ sở vật chất (CSVC), đội ngũ giáo viên (GV) sẽ được chuẩn bị như thế nào? Đó là hàng loạt các vấn đề liên quan đến đổi mới chương trình – sách giáo khoa (CT-SGK) sau 2015 được Bộ GD-ĐT bàn thảo tại một số hội nghị vừa qua.
CSVC: Có thực mới vực được đạo
Trong báo cáo giám sát vừa được trình Quốc hội ngày 28-10, đoàn giám sát khẳng định CSVC, trang thiết bị và đội ngũ GV thiếu đồng bộ, không đáp ứng yêu cầu dạy học theo CT-SGK mới vẫn là hạn chế lớn trong đổi mới  CT-SGK. Đây cũng là nỗi lo của rất nhiều chuyên gia giáo dục khi đứng trước Đề án đổi mới CT-SGK 2015 của Bộ GD-ĐT. Bà Phan Thị Luyến, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam ví von bài toán rất đẹp, phương án rất hay nhưng tính khả thi khó đảm bảo. CSVC và GV là hai yếu tố góp phần tạo nên thành công của đề án đều đang có vấn đề. Theo CT-SGK mới thì có một số môn sẽ là môn tự chọn, chính vì vậy, bà Luyến lo có những môn trường không đủ GV. Môn HS không chọn, thừa GV. Đồng quan điểm này, ông Tống Xuân Tám (giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho rằng cần phải tính toán có bao nhiêu tổ hợp xuất hiện kèm theo đó là tính toán được số GV. Giống mô hình đào tạo tín chỉ ở các trường ĐH, CĐ hiện nay. Ông Tám cho rằng sẽ có những năm HS nghiêng về các môn khoa học tự nhiên, vậy những GV khoa học xã hội sẽ ngồi chơi và ngược lại. Do đó, cần  cân nhắc số lượng GV cho phù hợp.
Một vấn đề nữa liên quan đến CSVC chính là tình trạng lớp có sĩ số quá đông như hiện nay sẽ giải quyết thế nào khi tiến hành học tích hợp, học phân hóa, các nhóm trong lớp sẽ chia như thế nào để hợp lý? Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng CSVC là vấn đề lâu dài, vì nước mình còn khó khăn, chưa có nguồn lực nhiều, nhưng vẫn phải đổi mới. Chúng ta sẽ đổi mới theo cách sử dụng có hiệu quả những kinh phí được đầu tư. Đồng thời phải sử dụng tiết kiệm những cái mình đang có, không dàn trải. Còn về đội ngũ nhà giáo, Thứ trưởng Hiển khẳng định đổi mới quản lý và đội ngũ nhà giáo là then chốt. Vì then chốt nên công việc rất nặng nề, lâu dài, bền bỉ và phải có giải pháp căn cơ.
Lớp 10 “dự hướng”
Theo dự kiến, lớp 10 sẽ được coi là lớp “dự hướng”, là giai đoạn chuyển giao giữa dạy kiến thức cơ bản tích hợp với bậc THCS sang dạy phân hóa hướng nghiệp ở bậc THPT, là lớp có khối lượng kiến thức nặng nhất trong 12 năm học của HS với 15 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia thì không nên coi lớp 10 như lớp bản lề mà phải phân hóa ngay tuy chưa sâu. Chương trình lớp 9 phải có phần hệ thống hóa các kiến thức đã được học trước đó. Còn theo GS. Trần Kiều (nguyên cán bộ Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) thì lớp 10 đang lơ lửng. Ông Kiều đặt câu hỏi học cái gì, học như thế nào để dự hướng cho HS? Cũng theo GS. Trần Kiều, các môn học được tích hợp suốt 9 năm, sau đó xuất hiện ở lớp 10 rồi lại được phân hóa ở lớp 11. Do đó cần phải xem xét kỹ lại dự kiến lớp 10 của ngành.
Không chỉ liên quan đến lớp 10 mà vấn đề môn học nào bắt buộc, môn học nào tự chọn cũng nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia. Ban soạn thảo CT-SGK đưa môn đạo đức, giáo dục công dân là môn bắt buộc từ lớp 3 nhưng lại chuyển thành môn tự chọn ở bậc THPT. Các chuyên gia giáo dục cho rằng như thế là không hợp lý. Giáo dục công dân, giáo dục đạo đức là môn học không thể thiếu trong quá trình đào tạo để hình thành nên năng lực, phẩm chất người học. Vì thế đây là môn học bắt buộc trong suốt quá trình học.
Bên cạnh môn giáo dục công dân, một số ý kiến cũng cho rằng nên đưa môn lịch sử, môn giáo dục an ninh quốc phòng vào chương trình phổ thông như một môn tự chọn. Vì theo các nhà giáo dục thì đây là các môn học có ý nghĩa trực tiếp trong việc hình thành nhân cách con người. Về vấn đề này, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, thành viên Ban soạn thảo Đề án CT-SGK, khẳng định không nên có ý nghĩ phân biệt môn nào quan trọng vì lĩnh vực giáo dục nào đối với chúng ta cũng quan trọng. Nhưng trong yêu cầu mới thì có những môn học phải đẩy lên, những môn nào cần củng cố gia tăng.
Nghiêm Huê
Những môn học dự kiến trong đổi mới CT-SGK
Ở bậc tiểu học, lớp 1, 2 có 3 môn học bắt buộc là toán, tiếng Việt, tìm hiểu tự nhiên và xã hội (tích hợp môn đạo đức) và có 4 hoạt động giáo dục là thể dục, âm nhạc, mỹ thuật, tập thể. Lớp 3 có thêm 2 môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc là ngoại ngữ 1 và đạo đức và vẫn có 4 hoạt động giáo dục. Lớp 4, lớp 5 có thêm 1 môn học bắt buộc là tìm hiểu xã hội. Bên cạnh đó, ở tất cả các lớp của tiểu học sẽ có các môn học, hoạt động giáo dục tự chọn.
Ở bậc THCS, HS sẽ có 7 môn học và 4 hoạt động giáo dục bắt buộc. Các môn, hoạt động giáo dục tự chọn gồm ngoại ngữ 2, một số chủ đề văn học, toán học, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, thể dục, thể thao.
Ở cấp THPT có sự phân hóa, lớp 10 được coi là lớp “dự hướng”, HS học 11 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc: Ngữ văn, toán, giáo dục công dân, ngoại ngữ 1, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, tin học, công nghệ. 4 hoạt động giáo dục gồm thể chất, hướng nghiệp, quốc phòng – an ninh, tập thể. Các môn học, hoạt động giáo dục tự chọn 2 chuyên đề tự chọn chuyên sâu thuộc các môn ngữ văn, toán, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, âm nhạc, mỹ thuật, tin học, thể dục, ngoại ngữ 2.  Lớp 11, 12 HS học 3 môn bắt buộc gồm ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1 và 4 hoạt động giáo dục bắt buộc giống lớp 10. Tuy nhiên, HS tự chọn bắt buộc 3 môn trong các môn còn lại, tự chọn tùy ý một số môn chuyên đề mở rộng chuyên sâu thuộc các lĩnh vực như lớp 10.
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)