Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nhà vệ sinh xuống cấp vì quá tải

Tạp Chí Giáo Dục

HS ở Trường THCS Ngô Tất Tố tăng gần gấp đôi làm cho hệ thống NVS của trường quá tải

Trường THCS Ngô Tất Tố (NTT), Q.Phú Nhuận, TP.HCM được xây dựng và hoàn thành năm 2000 với qui mô 1 trệt 2 lầu, gồm 75 phòng học và các phòng chức năng trên tổng diện tích gần 11.000m2. Có thể nói, đây là một ngôi trường khang trang, xinh đẹp mà vào thời gian đó bất cứ phụ huynh (PH) nào cũng mong muốn cho con em mình được theo học.
Thời gian trôi đi, một số hạng mục xuống cấp như mái ốp trần bằng thạch cao bị bong tróc do thấm nước, nhà vệ sinh (NVS) không đạt chuẩn (theo qui định của Bộ GD-ĐT)… và đây chính là nguyên nhân để một bộ phận PH của trường phản ứng, rồi gửi đơn thư phản ánh tới UBND TP.HCM.
Quá tải vì lượng HS tăng gần gấp đôi
Theo đơn phản ánh của một số PH học sinh (HS) thuộc khối lớp 6 và 7 của Trường NTT: Trước khi bước vào năm học mới, PHHS nhà trường đã đề nghị lãnh đạo Trường NTT phải đầu tư, xây mới hoặc tu sửa một số hạng mục trong NVS dành cho HS của trường. Thuê thêm người dọn dẹp trong giờ cao điểm. Nguyên nhân: Bồn cầu (dành cho HS nữ) kẹt nước; tường bong tróc các mảng vữa; vòi rửa tay bị hoen rỉ… Đặc biệt là mùi hôi bốc lên nồng nặc, khiến nhiều HS bị nôn ói, khó thở gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và tinh thần của HS. Sau lễ khai giảng đã ba tháng nhưng những đề nghị này của PHHS không được lãnh đạo trường quan tâm, khắc phục. Một vị PH (xin được không đăng tên) có con học lớp 6A1 bức xúc: “NVS dành cho HS nhỏ hẹp, các trang thiết bị trong NVS lạc hậu, rẻ tiền, sử dụng lâu ngày, cái thì gãy tay cầm, cái thì kẹt nước… tường ốp gạch men nhưng do không được cọ rửa thường xuyên nên ố vàng. PH chúng tôi đã đề nghị phải thay mới tất cả các trang thiết bị này nhưng không thấy trường động tĩnh gì? Con đi học về thì kêu nhức đầu, buồn nôn mỗi khi phải vào NVS”.
Tuy nhiên qua quan sát trong giờ ra chơi, chúng tôi nhận thấy đa số HS, khi sử dụng khu NVS nữ và nam không có tình trạng chen lấn, tranh giành chỗ, sau khi vệ sinh xong không thấy các em có biểu hiện nhăn nhó, khó chịu vì mùi hôi hoặc tay không được rửa bằng xà bông. Em Nguyễn Thu Thảo (HS lớp 7A3) cho biết: “NVS tuy có hơi cũ nhưng em thấy các cô chú nhân viên luôn dọn dẹp, xả nước sạch sẽ”. Đồng quan điểm, em Phạm Minh Hoàng khẳng định: “Nhiều khi vào NVS thấy một số bạn sau khi đi vệ sinh không chịu rửa tay bằng xà bông hoặc xả nước mà không khóa van lại, các bạn đều được các cô chú nhân viên nhắc nhở nhẹ nhàng, sau đó các cô chú xịt dung dịch để tẩy rửa NVS. Em không thấy có mùi hôi gì hết!”. Còn em Lê Thanh Thảo nhấn mạnh: “Từ ngày vào học lớp 6 tại trường, khu NVS là nơi em không thích đến. Vì nó cũ kỹ, tuy nhiên, bây giờ thì em không khó chịu nữa vì NVS được lau rửa hàng ngày nên tương đối sạch sẽ”.
Trao đổi với chúng tôi, thầy Đoàn Bá Cường – Hiệu trưởng nhà trường – cho biết: “Theo thiết kế xây dựng, các hạng mục công trình, cây xanh, NVS… chỉ đáp ứng cho khoảng 1.200 HS nhưng bây giờ HS toàn trường đã lên trên 2.260 em. Trường có 4 khu vệ sinh với 60 trang thiết bị (bồn cầu nữ và bồn tiểu dài cho HS nam, bệ rửa tay…) ở các dãy phòng học nhưng do lượng HS quá đông, vào giờ ra chơi hoặc đầu giờ bán trú buổi chiều NVS HS không thể đáp ứng nhu cầu của các em theo chuẩn của Bộ GD-ĐT qui định”.
Thầy Cường cho biết thêm: “Nhà trường rất khổ tâm về việc này, nhiều năm qua, chúng tôi đã có các giải pháp khắc phục. Thuê thêm 6 nhân viên hợp đồng làm vệ sinh với khoản tiền phải trả hàng tháng là 14 triệu đồng. Nhà trường còn mở cửa cả NVS của giáo viên cho HS dùng chung. Bên cạnh đó, trường đã lên kế hoạch xin sửa chữa lớn (sơn lại toàn bộ trường + đầu tư, sửa chữa NVS) với kinh phí dự trù trên 2 tỷ đồng hoặc xây mới thêm một khu NVS HS nhưng chưa được quận phê duyệt”.
Sẽ xây thêm NVS
Ông Trần Quý Sơn (Chuyên viên Phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận) đề xuất: “Với số HS hiện tại, trong khi diện tích tất cả 4 khu NVS chỉ có 150m2 nên vào giờ ra chơi (30 phút), số HS sử dụng NVS rất đông, gây tình trạng quá tải (bình quân: 15 HS/m2 tương ứng với 33 HS/1 bồn cầu). Bên cạnh đó, số HS học bán trú ngày càng tăng theo nhu cầu xã hội – các khu NVS HS hiện tại được xây dựng trước đây đã không tính đến số HS học bán trú. Do đó, áp lực NVS sẽ tăng! Chỉ còn một giải pháp là xây dựng thêm NVS cho HS”.
Liên quan tới vụ việc này UBND TP đã có công văn số 8517/VP-VX về việc “Giải quyết đơn phản ánh của PHHS Trường NTT”, theo đó, UBND TP nhận được đơn phản ánh của PHHS Trường NTT về tình trạng khu NVS của trường xuống cấp trầm trọng; không đạt yêu cầu vệ sinh môi trường. Phó chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận chỉ đạo như sau: Giao UBND Q.Phú Nhuận phối hợp với Sở GD-ĐT kiểm tra chỉ đạo trường có biện pháp khắc phục; báo cáo kết quả giải quyết lên thường trực UBND TP”. Sau khi nhận được công văn chỉ đạo và kiểm tra, khảo sát, Sở GD-ĐT đề nghị Q.Phú Nhuận phải chỉ đạo các phòng ban liên quan phối hợp chặt chẽ với Trường NTT để có biện pháp xử lý dứt điểm việc thiếu hụt NVS cho HS. “Ngoài phương án xây mới hoặc sửa chữa, trước mắt cần thay thế những thiết bị không còn sử dụng được và sơn lại khu NVS”, ông Lê Hoài Nam – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP yêu cầu. Trưởng phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận – TS. Ninh Văn Bình – cho biết: Trước mắt, trong khi chờ xin ý kiến UBND quận về xây dựng NVS cho HS, Trường NTT cho sơn mới lại tường NVS, chà sạch gạch men ốp tường để tạo cảnh quan sáng sạch đối với HS. “Hiện khuôn viên trường, cạnh các khu phòng học, sát với nhà dân còn một khu đất trống với diện tích khoảng 300m2. Kiến nghị UBND quận khảo sát khu đất này xem có thể xây dựng thêm NVS cho HS. Cụ thể là 30 phòng vệ sinh. Và kiến nghị quận cho thực hiện ngay trong năm học này nhằm tránh tình trạng quá tải như hiện nay”, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận đề xuất.
Chiều 1-11, thầy Đoàn Bá Cường cho biết: Sáng cùng ngày, đoàn cán bộ thuộc các phòng ban của quận đã về trường khảo sát, đánh giá hiện trạng các khu NVS cho HS của trường. Sau buổi làm việc với biên bản khảo sát được kí lúc 8 giờ 30 phút, ý kiến của tổ công tác nêu rõ: Ghi nhận và thống nhất với hiện trạng trên. Tổ khảo sát đề xuất hai phương án: Xây dựng mới 1 khu NVS (3 tầng) ở khu đất trống, phía sau khu D; cải tạo NVS khu C và xây mới lại 3 phòng này ở khu đất trống phía sau khu D”.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy

Bình luận (0)