Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Đâu phải học GDTX là… yếu kém

Tạp Chí Giáo Dục

Theo thống kê từ các trung tâm GDTX trên địa bàn TP.HCM (nay là trung tâm GDNN-GDTX), nhiều năm trở lại đây, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của học viên dao động từ 85-98%; tỷ lệ vào ĐH, CĐ đạt 20-30%. Trong số đó, có nhiều em đậu vào các trường ĐH Y dược, Bách khoa, Ngân hàng, Sư phạm, Kinh tế…

Giờ học môn lịch sử của học viên Trung tâm GDNN-GDTX Q.10

Nhiều học viên “siêu việt”

Cách đây 3 năm, trong khi các bạn cùng lớp cuống cuồng học ngày học đêm để ôn thi vào trường THPT công lập thì Lê Quốc Thống (hiện là sinh viên năm 2 Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) lại chọn rẽ theo một hướng hoàn toàn khác: GDTX, mặc dù khi đó học lực của em không hề yếu kém. “Ban đầu em cũng có suy nghĩ GDTX là môi trường chỉ dành cho học sinh cá biệt. Thế nhưng sau khi tìm hiểu, em được biết môi trường này học khá tốt, hoàn toàn có cơ hội vào ĐH. Do vậy, em quyết định lựa chọn Trung tâm GDTX Q.12 để học”, Thống nhớ lại.

Để đi đến quyết định trên, Thống cũng phải đắn đo rất nhiều. “Ngày đó khi nghe nói đến hệ GDTX, mọi người phần nhiều vẫn còn rất e dè. Thậm chí, nhiều bạn bè còn vận động em thi vào trường công lập”, Thống nói. Đến bây giờ, Thống cho biết chưa từng hối hận về sự lựa chọn ngày đó của bản thân. “Ở bất kỳ môi trường nào cũng sẽ có học sinh này, học sinh kia. Việc đậu vào ĐH là nỗ lực của mỗi học sinh chứ không thuộc hẳn về phía nhà trường”, Thống chiêm nghiệm.

Sức học vào loại xuất sắc với điểm tổng kết các năm ở bậc THCS luôn trên 9, nhưng Lê Thanh Phong (hiện là sinh viên năm cuối Trường ĐH Y dược TP.HCM) vẫn chủ động lựa chọn Trung tâm GDTX Q.10 để học. Nói về lý do, Phong cho hay ngày đó chỉ nghĩ rằng học GDTX sẽ nhẹ nhàng hơn, có nhiều thời gian ôn chuyên sâu để thi vào Y dược. “Bạn bè, thầy cô tưởng em… có vấn đề: học giỏi lại chui đầu vào GDTX. Nhưng có lẽ thời gian đã chứng minh tất cả. Ở môi trường GDTX, không có những áp lực học ngày học đêm. Vì thế, thầy cô rất quan tâm học trò, lớp học lúc nào cũng rộn tiếng cười”, Phong nhớ lại.

Trong danh sách học viên hệ GDTX đậu ĐH, CĐ năm học 2017-2018 mà các trung tâm GDTX cung cấp, chúng tôi thấy có rất nhiều em đậu vào các trường ĐH lớn như Bách khoa, Ngân hàng, Sư phạm, Kinh tế… “Không phải cứ học GDTX là quậy, là học yếu. Bằng chứng là nhiều anh chị, bạn bè học từ đây nhưng lại đậu vào những trường ĐH mà chưa chắc các bạn học trường phổ thông công lập đã dám thi vào. Xuất phát điểm là do bản thân lựa chọn, và điểm đến cũng do bản thân lựa chọn”, Nguyễn Quang Phúc (sinh viên năm 1 Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cựu học viên lớp 12B Trung tâm GDNN-GDTX Q.10) bày tỏ.

Bên cạnh số học sinh vào GDTX vì rớt cả 3 nguyện vọng thì con số chủ động lựa chọn vào GDTX học để có thêm nhiều thời gian phụ giúp gia đình cũng không phải ít. “Môi trường GDTX rất phù hợp với em. Ở GDTX, em chỉ phải học có 1 buổi, buổi còn lại em đi làm thêm phụ giúp ba mẹ”, Hoàng Oanh (học viên Trung tâm GDNN-GDTX Q.Thủ Đức) chia sẻ. Dù chỉ học một buổi nhưng Oanh cho hay, mỗi tiết học trên lớp đều được thầy cô làm mới bằng nhiều kiến thức thực tế như khi học môn lịch sử, thầy cô lồng ghép nhiều kiến thức quốc phòng, an ninh vào.

“Hệ GDTX có nhiều học viên có nỗ lực rất lớn. Do hoàn cảnh, các em vừa phải đi làm nhưng vẫn kiên trì theo đuổi việc học, theo đuổi ước mơ. Nghị lực mạnh mẽ ấy có lẽ chúng ta sẽ không dễ dàng gặp ở môi trường dân lập hay thậm chí là công lập – nơi học sinh được bảo bọc quá nhiều”, cô Dương Lệ Thúy (Phó Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX Q.7) chia sẻ.

Trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng

Nói về công tác tuyển sinh trong năm học này tại Trung tâm GDNN-GDTX Q.7, cô Lệ Thúy cho biết con số đã tăng vọt lên đến gần 200 học viên đầu cấp. Theo đó, trung tâm phải mở 4 lớp 10. Trong số đó có nhiều em là học sinh khá, giỏi. Năm học 2017-2018, phổ điểm đậu tốt nghiệp của trung tâm ở tất cả các môn đều cao hơn phổ điểm của thành phố hệ GDTX. Tỷ lệ đậu vào ĐH, CĐ mỗi năm đều tăng lên.

Sở dĩ có kết quả phấn khởi như thế, theo cô Lệ Thúy, các thầy cô tại trung tâm đã phải nỗ lực “chuyển mình” rất nhiều. “Với hệ GDTX, các em chỉ phải học có 7 môn cơ bản là toán, lý, hóa, sinh, sử, địa, văn. Do việc học không quá nặng nên phương pháp giáo dục được giáo viên đưa ra luôn áp dụng theo từng đối tượng. Nhất là bám sát với các phương pháp giáo dục mới như dạy học trải nghiệm, dạy học bằng chuyên đề để tạo sự hứng thú và khơi lên niềm say mê cho học sinh”, cô Lệ Thúy chia sẻ.

Tương tự, Trung tâm GDNN-GDTX Q.Tân Bình cũng vừa có một mùa tuyển sinh “bội thu” với gần 500 học viên lớp 10. Nếu tính cả hệ liên kết đào tạo với các trường nghề, con số này lên đến gần 1.500 em. “Mọi thứ đều tương đương với trường THPT công lập. Từ học phí công, cơ sở vật chất đầy đủ khang trang với các phòng chức năng, thí nghiệm, nghe nhìn, thư viện đến đội ngũ giáo viên có 15 thạc sĩ, còn lại đều là cử nhân ĐH luôn làm mới chuyên môn. Tỷ lệ đậu tốt nghiệp hàng năm luôn trên 87%; tỷ lệ đậu ĐH lên đến 20%…”, cô Phạm Thị Thúy Nhài (Phó Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX Q.Tân Bình) giải thích về việc vì sao trung tâm “hút” học sinh.

Thậm chí, cô Thúy Nhài cho biết môi trường GDTX còn lý tưởng hơn ở trường THPT công lập. “Ngoài 7 môn nằm trong chương trình đánh giá thì tin học, ngoại ngữ, GDCD dù không thuộc chương trình nhưng vẫn được trung tâm đưa vào giảng dạy cho học viên để trang bị cho các em một cách đầy đủ nhất những kiến thức, kỹ năng thích nghi với môi trường. Khi không phải áp lực về điểm số và học hành, các em được chú trọng phát triển kỹ năng, rèn luyện nhân cách. Trung tâm luôn quan niệm chỉ cần dạy về làm người ắt các em sẽ tốt lên về văn hóa chứ không có chủ trương nhồi nhét”, cô Thúy Nhài chia sẻ.

Một trong những “ngọn cờ đầu” của hệ GDTX thành phố phải kể đến là Trung tâm GDNN-GDTX Q.10. Tỷ lệ học viên tốt nghiệp hàng năm luôn trên 90%; tỷ lệ đậu ĐH, CĐ lên đến 30%. So với năm học trước, năm học này trung tâm phải mở thêm 1 lớp 10 (lên 5 lớp) để đáp ứng nhu cầu học của học viên. “Mục tiêu của trung tâm không phải là điểm số mà là xây dựng môi trường học thân thiện, gần gũi với người học để rèn luyện nhân cách. Các sân chơi về kỹ năng sống cũng được trung tâm mở ra, trang bị miễn phí cho các em”, thầy Trương Bá Hải (Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX Q.10) bày tỏ. Để nâng cao kiến thức cho học viên, bao gồm cả học viên yếu và giỏi, thầy Hải cho biết giáo viên của trung tâm luôn chủ động dạy các em học theo nhóm hoàn toàn miễn phí.

Nhờ sự “tăng tốc” của chính giáo viên và sự “chuyển mình” của trung tâm mà nhiều học sinh thậm chí đã “bỏ” trường THPT công lập để chuyển về học GDTX do không chịu được áp lực học tập. “Trung tâm từng dạy 3 lứa học trò đều là anh em ruột và đều đậu vào các trường ĐH lớn. GDTX đã không còn là “hệ bổ túc” theo quan niệm ngày trước mà giờ là một lựa chọn học tập đúng đắn, phù hợp với rất nhiều học sinh. Các em được học tập, vui chơi như môi trường THPT mà không chịu quá nhiều áp lực trong học tập. Khi đã có nỗ lực và ý chí thì ở môi trường nào các em cũng sẽ thành công”, thầy Bá Hải nói.

Đỗ Yến

 

Bình luận (0)