Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Dạy kỹ năng phòng chống xâm hại cho học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác của Bộ GD-ĐT vừa có chuyến công tác tại tỉnh Yên Bái, trong đó có gặp gỡ, nói chuyện, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ gặp, động viên tinh thần học tập của học sinh Yên Bái

Phải đi từ gốc

Thăm Trường PT DTNT THCS huyện Văn Yên, (Yên Bái), bên cạnh động viên học sinh luôn tự tin trong học tập, mạnh dạn trong các hoạt động tập thể; khích lệ tinh thần đổi mới của giáo viên, Bộ trưởng cũng đề cập tới vụ việc đau lòng xảy ra gần đây tại một ngôi trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Bộ trưởng cho đây là một bài học kinh nghiệm trong quản lý các trường nội trú, không chỉ là hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo phải kiên quyết đưa ra khỏi ngành mà còn là hành vi vi phạm pháp luật cần xử lý nghiêm.

Theo Bộ trưởng, hành vi ấy cần phải lên án và có thái độ rõ ràng, pháp luật xử lý, nhưng quan trọng hơn là phải đi từ gốc. Muốn đi từ gốc thì bản thân các học sinh phải được giáo dục giới tính, phải có những kỹ năng để phòng chống xâm hại.

Bộ trưởng khẳng định, Bộ GD-ĐT đã và sẽ tăng cường giáo dục giới tính, giáo dục tâm lý lứa tuổi cho học sinh, nhất là học sinh ở trường dân tộc nội trú, trang bị được những kỹ năng căn bản để có thể phòng chống bị xâm hại. Bên cạnh đó, các trường cần phát huy tính dân chủ để mỗi cán bộ, giáo viên và học sinh không ngại ngần lên tiếng khi thấy những điều bất hợp lý, có dấu hiệu vi phạm quy định, vi phạm pháp luật; từ đó ngăn chặn, không để xảy ra hậu quả quá nặng nề.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng, các trường cũng phải tăng cường phối hợp, chia sẻ với phụ huynh học sinh để tháo gỡ những khó khăn về tâm lý lứa tuổi cho các em, lựa chọn phương pháp giáo dục phù hợp nhất.

Chú trọng bồi dưỡng giáo viên

Cũng trong chuyến công tác, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đề cập nhiều nội dung quan trọng khác, nổi bật là vấn đề đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới. Người đứng đầu ngành giáo dục cho biết, chương trình giáo dục phổ thông mới sắp tới sẽ được ban hành, đồng thời với quá trình xây dựng chương trình, các điều kiện triển khai chương trình về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất đã được ngành giáo dục tích cực chuẩn bị trong thời gian qua. Bộ GD-ĐT đã ban hành kế hoạch bồi dưỡng giáo viên, các trường sư phạm đã bắt tay xây dựng những chương trình đào tạo, bồi dưỡng và đổi mới phương pháp…

Ngay sau khi có chương trình sẽ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, bắt đầu từ đội ngũ giáo viên cốt cán, sau đó làm đại trà. Năm 2019 sẽ tập trung cho đào tạo, bồi dưỡng giáo viên lớp 1. Hình thức đào tạo, bồi dưỡng cũng sẽ đổi mới, giảm bớt cách truyền thồng, tăng cường đào tạo theo hình thức trực tuyến (hình thức này rất phù hợp cho giáo viên vùng miền núi như tỉnh Yên Bái).

Bộ trưởng cho hay, việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên lần này ngoài trang bị kiến thức sẽ đặc biệt chú trọng tới bồi dưỡng kỹ năng sư phạm, có như thế giáo viên mới đáp ứng được mục tiêu của đổi mới là chuyển từ trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất năng lực người học.

Theo Bộ trưởng, đổi mới thành công hay không bắt đầu từ đội ngũ giáo viên. Nhưng chỉ đội ngũ giáo viên bắt nhịp đổi mới thôi chưa đủ, hiệu trưởng – những người có vai trò dẫn dắt – phải thay đổi để trở thành những nhà quản lý, quản trị trường học giỏi; cán bộ quản lý cấp phòng, cấp sở, cấp bộ phải thay đổi, kịp thời nắm bắt những vấn đề từ thực tiễn để có những chỉ đạo, điều hành sao cho phù hợp, sát với mong muốn của giáo viên, cơ sở giáo dục.

Trước tình trạng sa sút đạo đức của một số cán bộ giáo viên thời gian qua, Bộ trưởng đề nghị, các thầy cô giáo quán triệt sâu sắc Nghị định 80 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường. Trên thực tế có không ít giáo viên do hoàn cảnh khác nhau dễ bị áp lực, vì vậy, mỗi nhà trường cần nắm bắt tâm tư nguyện vọng của giáo viên, tháo gỡ tận gốc để tránh xảy ra những trường hợp đi ngược lại quy định.

Ngoài ra, các cơ sở giáo dục cần quan tâm xây dựng bộ quy tắc văn hóa ứng xử trong trường học nhằm triển khai đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025” của Thủ tướng Chính phú. Theo Bộ trưởng, từng bậc học thực hiện tốt đề án này văn hóa ứng xử trong trường học sẽ đi vào nề nếp.

Bộ trưởng khẳng định, chuyến làm việc lần này tại tỉnh Yên Bái sẽ là cơ sở thực tế quan trọng giúp ngành giáo dục có những rà soát, điều chỉnh, đề xuất điều chỉnh, bổ sung các chính sách trong thời gian tới, đặc biệt là những chính sách liên quan đến đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nhằm tạo ra động lực cho đội ngũ.

Thục Trân

 

Bình luận (0)