Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

“Dùng nhân cách để giáo dục nhân cách”

Tạp Chí Giáo Dục

Giảng viên cần làm mới, làm đẹp hình ảnh của mình để SV học hỏi, noi theo…
“Tôn sư trọng đạo” sẽ giảm đi khi nhân cách người thầy… có vấn đề! Sinh viên (SV) không chỉ lĩnh hội kiến thức mà còn chịu ảnh hưởng từ cách sống, đối nhân xử thế của thầy cô giáo. Vì vậy, mỗi giảng viên bên cạnh làm mới kiến thức chuyên môn còn cần “làm đẹp” hình ảnh, tác phong của mình. Việc giảng dạy SV sẽ tốt hơn nếu người thầy biết “dùng nhân cách để giáo dục nhân cách”.
Giảng viên là tấm gương
Câu chuyện về hơn 800 SV Trường ĐH Mỏ – Địa chất (Hà Nội) từng đối mặt với việc thôi học từ năm nhất (thời điểm 2009) do không được tư vấn kỹ lưỡng, kịp thời về đăng ký học phần trong đào tạo tín chỉ đã được nhắc lại tại một hội thảo bàn về vấn đề giáo dục đạo đức cho SV tổ chức cách đây ít lâu như một “bài học xương máu”. Qua sự việc này, giảng viên Nguyễn Thị Mộng Lan (Trường ĐH Phú Yên) đặt vấn đề nâng cao tính gương mẫu, trách nhiệm của cán bộ, nhân viên các phòng khoa trong việc giải quyết thấu đáo, kịp thời thủ tục hành chính liên quan tới hoạt động học tập của SV.
Theo bà Lan, qua các cuộc tiếp xúc, đối thoại còn nghe một số ý kiến phàn nàn từ phía SV về cách ứng xử chưa thân thiện và thiếu tôn trọng SV từ phía cán bộ, nhân viên. Trong khi đó, bà Lan cho rằng, SV sẽ được giáo dục đạo đức tốt thông qua sự gương mẫu, tính trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhân viên các phòng khoa. Và đây cũng được xem là một trong những nội dung quan trọng đối với việc giáo dục SV rèn luyện nhân cách.
Đặc biệt với giảng viên, bà Lan nhìn nhận, sự nghiêm túc của người thầy trên bục giảng cùng với năng lực chuyên môn sẽ ảnh hưởng lớn đến tác phong và ý thức học tập của SV. Thực tế, “theo thông tin phản hồi, đánh giá từ SV thì một số giảng viên vẫn còn trịch thượng, gây áp lực và khó khăn cho các em qua những đòi hỏi không vừa sức, cách ra đề thi, kiểm tra còn đánh đố. Nhiều giảng viên vẫn còn dọa nạt, lợi dụng quyền đánh giá SV, tự cho học phần mình dạy là “siêu đẳng”, đánh trượt nhiều em… Do vậy, tiêu cực học đường vẫn còn tồn tại. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo mà còn không tốt cho việc hình thành, phát triển nhân cách SV” – bà Lan đánh giá.
Xét đạo đức khi tuyển giảng viên
Hiện nay, đã có văn bản quy định đạo đức nhà giáo và được đưa vào luật. Việc “dạy người” được xem là lao động nghiêm túc và vô cùng gian nan. Ở bậc ĐH, giảng viên sẽ góp phần ươm mầm nhân cách cho SV, do vậy, nghề giáo đòi hỏi người thầy có phẩm chất đạo đức tốt và năng lực chuyên môn cao. ThS. Nguyễn Kim Chuyên (giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục và quản lý giáo dục Trường ĐH Đồng Tháp) nêu quan điểm như trên. ThS. Chuyên nhìn nhận, “tôn sư trọng đạo” sẽ giảm đi khi nhân cách người thầy… có vấn đề. “Xưa cũng như nay, muốn HS, SV kính mến, nể trọng thì người thầy cần có năng lực và phẩm chất đạo đức tốt, luôn làm việc bằng cái tâm và hướng thiện” – ThS. Chuyên khẳng định.
Để được như vậy, ThS. Chuyên cho rằng, giảng viên không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn phải là tấm gương để SV noi theo. Giảng viên thông qua dạy chữ hướng đến việc “dạy người”. Và việc “dạy người” sẽ thành công khi người thầy biết “dùng nhân cách để giáo dục nhân cách”.
ThS. Lê Bích Thủy (giảng viên Trường ĐH Kinh tế – Luật TP.HCM) đề cập sâu hơn đến vấn đề tuyển dụng giảng viên, bởi đây chính là những “kỹ sư tâm hồn”, tác động lớn đến SV, việc tuyển dụng do vậy không chỉ quan tâm đến chuyên môn mà còn phải chú trọng phẩm chất đạo đức. ThS. Thủy cũng chỉ ra rằng, thời gian qua, một số trường cố gắng thu hút giảng viên có kiến thức chuyên môn cao hoặc tốt nghiệp nước ngoài mà ít quan tâm đến phẩm chất đạo đức. Hoạt động tuyển dụng cần có những tiêu chí rõ ràng đánh giá tương đối được mức độ phù hợp của ứng viên đối với nghề, phỏng vấn và kiểm tra tâm lý…
Bài, ảnh: Mê Tâm
 
Tránh làm hoen ố hình ảnh người thầy
ThS. Lê Bích Thủy (giảng viên Trường ĐH Kinh tế – Luật TP.HCM) đánh giá, giảng viên có tâm huyết sẽ trực tiếp “truyền lửa”, hoài bão cho SV. Sự yêu thích môn học, lòng cảm phục giảng viên sẽ tiếp sức cho SV phát huy sáng tạo, ý thức tự rèn luyện, hướng đến tầm cao tri thức và xa rời những cám dỗ, thói xấu vô bổ… Cần loại bỏ những vấn đề tiêu cực có thể làm hoen ố hình ảnh giảng viên, vì khi SV mất lòng tin ở chính những người dạy dỗ mình dễ dẫn đến đi chệch hướng…
 
 

Bình luận (0)