Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giáo viên cần được bồi dưỡng hướng nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Đại diện các trường phát biểu tại một hội thảo về GDHN cho GV

Chương trình tập huấn “Hướng nghiệp cho giáo viên trung học” do Báo Giáo Dục TP.HCM phối hợp với Trường ĐH Quốc tế RMIT tổ chức đợt 1 ngày 30-11 sẽ giúp giáo viên (GV) tích lũy thêm kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm trong công tác giáo dục hướng nghiệp (GDHN). Xung quanh hoạt động này, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng việc bồi dưỡng hướng nghiệp cho GV – người trực tiếp truyền đạt kiến thức đến đối tượng cần được hướng nghiệp – là điều cần thiết và cấp bách.
GV chưa được đào tạo bài bản
Thầy Thái Xuân Vinh, Chuyên viên phụ trách Bộ môn công nghệ, Phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM: Từ năm 2006, Bộ GD-ĐT quy định chương trình GDHN cho HS THPT là 27 tiết/năm/lớp. Tuy nhiên, đến năm 2008 thì Bộ GD-ĐT rút lại còn 9 tiết. Với thời lượng này, GV khó có đủ thời gian để truyền tải hết nội dung mà Bộ GD-ĐT đã đưa ra. Vì vậy, Sở GD-ĐT TP.HCM giao quyền chủ động dạy các tiết hướng nghiệp cho các cơ sở, có trường dạy mỗi tháng một tiết hoặc có trường 3 tháng dạy 1 buổi/3 tiết. GV sẽ giảng dạy những ngành nghề chủ đạo mà địa phương đang cần, những ngành khác giới thiệu qua để HS nghiên cứu.
Công tác GDHN cần rất nhiều thời gian, công sức nhưng hầu hết những người làm công tác này chủ yếu là GV chủ nhiệm hoặc GV bộ môn công nghệ kiêm nhiệm. Họ chưa được đào tạo bài bản qua các trường lớp, những buổi tập huấn lại rất ít nên còn có nhiều hạn chế. Chẳng hạn, nhiều GV chỉ bám sát tài liệu của Bộ GD-ĐT (bộ tài liệu này đã được in cách đây nhiều năm) và khó mở rộng thêm để giới thiệu cho HS. Hiện nay, các cơ sở giáo dục khác có bổ sung thêm tài liệu hướng nghiệp mới. Một số tài liệu có nội dung rất hay như bộ tài liệu GDHN của Tổ chức Hợp tác phát triển và hỗ trợ kỹ thuật Flamăng, vương quốc Bỉ sẽ được tập huấn cho GV các trường THPT trên địa bàn TP.HCM tại Trường ĐH RMIT vào ngày 30-11 này. Tuy nhiên, điều chúng tôi lo lắng là sau khi tập huấn xong, thời lượng chương trình GDHN phổ thông ít, GV lại không được hỗ trợ kinh phí thêm nên khó thực hiện.
Tạo môi trường giao lưu cho GV hướng nghiệp
ThS. Phạm Đăng Khoa, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai: Hiện nay, đa số GV làm công tác GDHN là kiêm nhiệm, chưa có GV chuyên trách nên mức độ tìm hiểu chuyên sâu vẫn chưa cao, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm làm việc và vốn sống của chính thầy cô. Các thầy cô chưa được tập huấn bài bản, chưa được hỗ trợ đầy đủ tài liệu, công cụ và các thông tin cập nhật về thế giới nghề nghiệp, nhu cầu nhân lực của địa phương, phương pháp GDHN trong trường phổ thông. Do đó, tôi cho rằng nhà trường cần đẩy mạnh tạo điều kiện để GV được bồi dưỡng năng lực chuyên môn về GDHN, nghiệp vụ sư phạm cho GV làm công tác GDHN khi vẫn chưa có GV chuyên trách hướng nghiệp. Bên cạnh đó, đội ngũ làm công tác GDHN chưa có sự giao lưu trao đổi kinh nghiệm, học tập cách làm hay giữa các trường, chủ yếu là tự làm và rút kinh nghiệm trong nội bộ trường. Do đó, cần nhân rộng các buổi gặp gỡ, giao lưu dành cho GV làm công tác hướng nghiệp.
Những năm gần đây, Báo Giáo Dục TP.HCM đã hỗ trợ các trường THPT thực hiện rất tốt các chương trình hướng học, hướng nghiệp, góp phần cùng các trường thực hiện hiệu quả công tác GDHN cho HS. Bên cạnh đó, báo cũng tổ chức các hội thảo về GDHN, đây cũng là một cách tạo môi trường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm cho đội ngũ làm công tác này. Các mô hình, giải pháp hay đã được chia sẻ, tùy vào điều kiện thực tế của mình mà các trường sẽ áp dụng cách làm hay, sáng tạo riêng cho phù hợp với HS của trường mình. Tôi cho rằng các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng, hội thảo về GDHN của Báo Giáo Dục TP.HCM trong thời gian qua có hiệu quả cao, hỗ trợ cán bộ quản lý các trường THPT thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác này.
SV còn mơ hồ về nghề nghiệp
ThS. Hồ Phụng Hoàng, Chuyên viên tư vấn hướng nghiệp – Trung tâm Hướng nghiệp, Trường ĐH Quốc tế RMIT: Hoạt động hướng nghiệp không chỉ dành cho HS trung học mà ngay cả SV và người đi làm cũng cần được hướng nghiệp. Nhận thấy nhu cầu này, nhiều năm qua, Trường ĐH Quốc tế RMIT thường xuyên tổ chức các tuần lễ hướng nghiệp, mời khoảng 40 đến 50 doanh nghiệp tham gia để SV có dịp tìm hiểu doanh nghiệp cần những tố chất gì ở các em khi ra trường. Ngoài ra, các buổi hội thảo, tập huấn hướng nghiệp cũng được tổ chức thường xuyên.
Tại Trường ĐH Quốc tế RMIT, những SV học chương trình tiếng Anh trước khi vào chương trình chính thức đều được học các lớp hướng nghiệp để chọn ngành, nghề theo đúng sở thích, năng lực và nhu cầu thị trường lao động. Còn đối với những SV đã học chương trình chính thức thì trường vẫn cho các em cơ hội chuyển đổi ngành học nếu cảm thấy mình không phù hợp. Trước khi quyết định đổi ngành học, các em đến trung tâm hướng nghiệp để được tư vấn xem mình có thực sự phù hợp với lựa chọn mới hay không. Mỗi năm, chúng tôi tư vấn hướng nghiệp trực tiếp cho hơn 1.000 SV và hàng ngàn trường hợp gián tiếp khác. Qua khảo sát, chúng tôi thấy có đến 95% em chưa được hướng nghiệp kỹ nên còn nhiều băn khoăn về nghề nghiệp.
Qua nhiều năm đồng hành với 40 trường THPT trên địa bàn TP.HCM tại các chương trình tư vấn hướng nghiệp, chúng tôi thấy ban giám hiệu trường THPT đều mong muốn các trường xuống tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp phải thực sự bổ ích chứ không phải thi nhau quảng cáo. Từ vấn đề SV còn mơ hồ nghề nghiệp cũng như những mong muốn của ban giám hiệu ở trường THPT, chúng tôi quyết định phối hợp với Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức tập huấn hướng nghiệp cho GV. Chúng tôi mong muốn qua buổi tập huấn này, GV có thêm nhiều kinh nghiệm, kỹ năng trong công tác tiếp cận, phát hiện năng lực, sở thích, hoàn cảnh gia đình HS để tư vấn hiệu quả cho các em trong chọn nghề.
Bài, ảnh: D.B

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)