Chưa bao giờ vấn đề đạo đức của sinh viên (SV) lại khiến nhiều người, nhất là giảng viên cảm thấy băn khoăn và e ngại như hiện nay. Câu chuyện trọng “dạy chữ” hơn “dạy người” thời gian qua có lẽ đã bắt đầu cho thấy những hệ quả trước mắt.
Mâu thuẫn dẫn đến chém nhau, tạt axít thầy giáo vì bị điểm thấp, thiếu trung thực trong thi cử, yêu đương vụ lợi… – những “mảng tối” ít ai nghĩ có thể tồn tại ngay trong giới SV, lực lượng được xem là trí thức trẻ của đất nước, thế nhưng đáng buồn đó lại là sự thật.
Lợi dụng nhau là… bình thường?!
Mới đây nhất, sự việc nhóm SV một học viện phía Bắc bị phạt do tham gia xếp thành hình chữ “sex” tại nơi tôn nghiêm rồi chia sẻ với nhau trên mạng như một trò vui đã khiến nhiều người không khỏi giật mình. Chưa bàn đến khía cạnh ý thức, nhưng rõ ràng, có thể cảm nhận được một bộ phận giới trẻ đang có phần lúng túng, thiếu định hướng trước các giá trị sống. Thậm chí các em chưa làm chủ được những hành vi đạo đức của chính bản thân trong xã hội hiện đại.
Xa hơn một chút, những người quan tâm đến giáo dục hẳn chưa từng quên câu chuyện một cựu SV Trường ĐH Nông lâm TP.HCM lĩnh 9 năm tù vì tội tạt axít và cầm dao truy sát thầy giáo do nghi ngờ thầy “đì” nên đánh rớt 8 lần môn Anh văn chuyên ngành của mình, dẫn đến không có bằng tốt nghiệp. Qua nhiều năm, vụ việc chấn động này mỗi khi nhắc đến vẫn khiến dư luận bàng hoàng. Cái “đau” nhất là nó lại xảy ra ngay tại môi trường giáo dục, nơi mà truyền thống “tôn sư trọng đạo” luôn được đề cao và nghề giáo luôn được xem là “cao quý nhất”.
Trong giới SV, còn ngấm ngầm diễn ra không ít câu chuyện bạo lực học đường mà theo sau đó là cả những cái chết đau thương và biết bao mất mát không dễ bù đắp.
Đạo đức của giới SV gần đây được đem ra bàn nhiều, gây lo ngại và trăn trở nhiều. Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cách đây vài tháng từng tổ chức hẳn một hội thảo bàn về chuyện giáo dục đạo đức cho SV trong các trường ĐH-CĐ. Tại đây, “bức họa” với nhiều “mặt tối” về đời sống tinh thần của một bộ phận SV được những người làm giáo dục thẳng thắn chỉ ra. Sự xuống cấp đạo đức được thừa nhận rõ trong SV ngay từ việc học hành, vui chơi đến quan hệ xã hội, yêu đương… tới mức khó có thể chối cãi.
“Nếu như chỉ cách đây một thế hệ, thanh niên nói chung và SV nói riêng sống với ước mơ, lý tưởng, hoài bão rõ ràng; những cái tên như Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc… được nhắc đến như một đại diện sống động cho tinh thần luôn cống hiến và sẵn sàng chấp nhận gian khổ kể cả hy sinh tính mạng cho Tổ quốc thì giờ đây, nhìn vào lối sống của một bộ phận giới trẻ, chúng ta không thể không lo ngại. Lối sống khiêm tốn, giản dị bị coi là lỗi thời, xu hướng coi trọng đồng tiền, coi trọng lợi ích cá nhân ngày càng thể hiện rõ. Đặc biệt, cách sống vụ lợi và lợi dụng lẫn nhau ngày càng được xem là… bình thường” – đây là so sánh thực tế của ThS. Trần Hoàng Phong (giảng viên Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn Trường ĐH Đồng Tháp) về đạo đức SV khi chiếu vào lịch sử. Theo ThS. Phong, SV hiện cảm thấy khó khăn và thậm chí đã có sự lệch lạc trong việc xác định lý tưởng sống. Đối với họ, lý tưởng sống là vấn đề có vẻ xa xôi, mờ nhạt.
Bên cạnh một bộ phận SV còn lệch lạc về lý tưởng sống thì phần đông các em rất năng động, sáng tạo
|
ThS. Trần Mai Ước (Phó trưởng khoa Lý luận chính trị Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) dẫn chứng thực tế tại đơn vị mình, một bộ phận SV quanh năm suốt tháng vùi mình vào những trò tiêu khiển. Mang nặng tâm lý học cho… xong, một số em chỉ mong có một tấm bằng để kiếm việc làm. Họ chưa có một mơ ước cụ thể hay ý tưởng riêng gì đóng góp cho sự nghiệp phát triển đất nước. Đặc biệt, nhiều SV học giỏi, năng động, sáng tạo nhưng lại chỉ quan tâm đến lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật mà bỏ quên các vấn đề xã hội, đạo đức. Không ít em say mê làm thêm, kiếm tiền mà dành ít thời gian cho học tập, rèn luyện đạo đức. Số khác còn ăn chơi, tiêu xài hoang phí, chưa có thói quen tiết kiệm. “Nhiều SV đi trễ, tự ý bỏ giờ mà chưa bị xử lý thích đáng nên cứ tiếp tục vi phạm” – ThS. Ước cho biết thêm.
Yêu thả phanh, “bốc hơi” nhanh
Tính thực dụng, đam mê… vật chất còn thể hiện rất rõ trong cách yêu đương của giới SV. ThS. Ước chỉ rõ, một số SV xem tình yêu như… thị trường thương mại để khai thác, thậm chí để thỏa mãn nhu cầu tình dục. Việc tự do yêu đương thái quá làm mất đi tính thiêng liêng trong sáng.
Thực tế, ngay chính cả SV cũng thừa nhận, cách yêu đương chóng vánh, nhất thời và nặng… vật chất của họ hiện nay khiến tình yêu bị “giảm tuổi thọ” nhanh chóng. Yêu thoáng, sống vội nên không ít bạn trẻ đã dễ dãi với bản thân, sa ngã hoặc tỏ ra bất mãn, mất niềm tin. Hơn hết, nó ảnh hưởng trực diện đến kết quả học tập của chính họ.
Khía cạnh đạo đức khác, vấn đề “đạo văn”, sao chép tài liệu của người khác thiếu trích dẫn trong làm khóa luận, tiểu luận… diễn ra phổ biến tới mức khó kiểm soát trong giới SV. Thậm chí, theo TS. Hoàng Trung (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), SV không còn thấy hổ thẹn, e ngại khi giải thích về những tài liệu thu lại cực kỳ nhỏ. Những quán photocopy cạnh trường cứ đến cận ngày thi đều quá tải. “SV có 1.001 cách quay thì giám thị cũng phải nghĩ ra chừng ấy cách đối phó. Đó là một cuộc đua… vô lý, song có thực và căng thẳng từ nhiều năm nay” – TS. Hoàng Trung thừa nhận.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Đạo đức SV đáng lo ngại
Ngay khi được tự “chấm điểm”, hơn 40% ý kiến SV cho rằng đạo đức của SV tại các trường ĐH-CĐ hiện nay rất đáng lo ngại. Trên 10% ý kiến cũng nhìn nhận, trạng thái xuống cấp đạo đức của SV hiện ở mức “báo động”.
Kết quả này từ cuộc khảo sát trên 200 SV thuộc 4 trường tại TP.HCM gồm ĐH Bách khoa, ĐH Sư phạm, ĐH Kinh tế và Học viện Hành chính quốc gia do ThS. Đào Thị Vân Anh và Nguyễn Thị Thu Ba (Trung tâm Nghiên cứu giáo dục phổ thông, Viện Nghiên cứu giáo dục thuộc Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) vừa thực hiện. Đáng nói, 3 yếu tố tác động mạnh nhất đến nhận thức và hành vi đạo đức của SV chính là internet, bạn bè và sách báo – phim ảnh.
|
Bình luận (0)