Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn nhiều hạn chế

Tạp Chí Giáo Dục

Đó là vấn đề được bàn đến nhiều tại Hội nghị giao ban về dạy nghề cho lao động nông thôn khu vực Bắc Trung bộ, duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, do Bộ LĐ-TB&XH vừa tổ chức tại Đà Nẵng. Theo đó, thực trạng đang diễn ra tại nhiều địa phương hiện nay là học nghề xong không tìm được việc làm, nghề đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu việc làm… Báo cáo của Tổng cục Dạy nghề cho thấy, trong khoảng thời gian 3 năm (từ năm 2010 đến 2012), các địa phương trên cả nước có hơn 200 lao động được đào tạo nghề, trong đó có khoảng 181 ngàn lao động sau khi qua đào tạo nghề tìm được việc làm mới hoặc họ lại quay về tiếp tục nghề cũ, năng suất và thu nhập của lao động được đánh giá là cao hơn so với trước khi được qua đào tạo nghề đạt khoảng 80%. Năm 2013, có gần 8.000 người đã thoát nghèo sau khi được đào tạo nghề, chiếm 21,1% so với số người tham gia học nghề… Tuy nhiên, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn thời gian qua vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Bà Mai Thúy Nga, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho biết, hiện có 95 huyện thuộc 10 tỉnh chưa bố trí được cán bộ chuyên trách về dạy nghề tại Phòng LĐ-TB&XH huyện, 39 huyện chưa có trung tâm dạy nghề hoặc trường nghề công lập cấp huyện. Bên cạnh đó, nhiều địa phương xác định nghề đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu của người lao động, doanh nghiệp và xã hội. Vì vậy, sau khi đào tạo xong người lao động vẫn không có việc làm, không có điều kiện để phát huy được nghề đã học.
Phan Lệ

Bình luận (0)