Các cháu MN ở nhà trẻ trong Công ty Nam Samho
|
Hiện nay, TP.HCM có 265.000 công nhân đang làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX, KCN – Hepza), dự kiến đến năm 2020 toàn TP sẽ có trên 500.000 công nhân. Chính vì vậy, việc đảm bảo có những khu lưu trú và trong những khu này phải đảm bảo chỗ giữ trẻ (trường, lớp mầm non (MN)) cho con em họ là cần thiết. Hơn lúc nào hết, việc xây trường MN cho con em công nhân của các KCX, KCN đã trở nên cấp bách.
Trù trừ không muốn xây trường?
Cách đây gần ba năm, ngày 4-3-2011, UBND TP đã chủ trì cuộc họp về quỹ đất đầu tư xây dựng các công trình phục vụ công nhân tại các KCX, KCN ở TP.HCM. Tại đây, ông Hứa Ngọc Thuận, Phó chủ tịch UBND TP nhấn mạnh việc xây dựng các công trình này (nhà văn hóa công nhân, trạm y tế, trường MN và bếp ăn công nghiệp) chính là “nhu cầu bức thiết, nhằm góp phần chăm lo đời sống của công nhân TP. Trước mắt, TP chấp thuận chủ trương cho các Hepza tạm thời điều chỉnh một phần diện tích cây xanh ở khu vực KCX, KCN để đầu tư xây dựng các công trình trên. Sau đó, khi di dời các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường tại các KCX, KCN đi nơi khác, sẽ bổ sung diện tích cây xanh cho KCN hiện hữu. Với khoảng thời gian đó, nếu Hepza triển khai một cách “mạnh mẽ” nhất, việc hoàn thành 6 trường MN cho con em công nhân có lẽ đã hoàn thành trong năm học 2013-2014.
Mới đây, để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng trường MN trong các KCX, KCN, UBND TP đã chấp thuận chủ trương cho phép chủ đầu tư triển khai công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án và các bước tiếp theo trong khi chờ bổ sung kế hoạch vốn đối với 3 dự án tại KCX Linh Trung 1 (Thủ Đức), KCX Tân Thuận (quận 7) và KCN Vĩnh Lộc (Bình Tân) mà không phải tuân theo quy trình bình thường. Với cách giải quyết linh động trên, chủ đầu tư có thể hoàn tất các thủ tục trong thời gian chờ vốn. Khi có vốn rót vào, công trình có thể lập tức triển khai xây dựng, rút ngắn rất nhiều thời gian đầu tư xây dựng trường, giải tỏa phần nào vấn nạn “khát” trường của công nhân.
Thế nhưng ông Lâm lại khẳng định: “Muốn xây dựng nhanh nhà trẻ cho con em công nhân thì cần phải có cơ chế, trong đó cần trích tiền thuế mà các doanh nghiệp (hiện Hepza có 1.000 doanh nghiệp tại 15 KCX, KCN) đã đóng góp cho Nhà nước thì Hepza mới có tiền để xây nhà trẻ, phòng khám, nhà lưu trú cho công nhân được”.
Hepza lại hứa!
Ông Nguyễn Quốc Vĩnh, Phó trưởng phòng Xây dựng Hepza cho biết: “Theo chỉ đạo của thường trực UBND TP về việc tạo lập quỹ đất đầu tư xây dựng các công trình phục vụ công nhân, trong đó có việc chọn địa điểm xây dựng trường MN tại các KCX, KCN. Từ năm 2010 Hepza đã làm việc với các công ty đầu tư kinh doanh và quản lý cơ sở hạ tầng các KCX, KCN về việc bố trí địa điểm xây dựng trường MN. Sau đó, Hepza đã xác định được 6 KCX, KCN có được địa điểm xây trường MN, gồm: KCX Tân Thuận 2.000m2 (kế hoạch trước đây chỉ có 900m2 tại quận 7); KCX Sài Gòn – Linh Trung (3.000m2) và KCX Linh Trung 2 (3.200m2) tại quận Thủ Đức; KCN Vĩnh Lộc (2.500m2) và KCN Tân Tạo (3.246m2) tại quận Bình Tân; KCN Hiệp Phước (800m2) tại huyện Nhà Bè)”.
Theo ông Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng Xây dựng Hepza, trước đây có một số doanh nghiệp mong muốn được xây dựng nhà lưu trú, nhà trẻ cho con em người lao động nhưng lại thiết kế ngay tại nơi đơn vị sản xuất. Như vậy sức khỏe của trẻ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do ô nhiễm môi trường và Ban quản lý đã không đồng ý. Theo thiết kế sau này, tại các KCX, KCN sẽ có nhà trẻ tập trung và xây dựng ở những khu đô thị mới. Nhưng do tốc độ đô thị hóa tại các KCX, KCN quá nhanh nên các quận, huyện không còn quỹ đất để xây dựng nhà trẻ, khu lưu trú cho công nhân.
Đặt câu hỏi: Khi nào các nhà trẻ nói trên hoàn thành thì được ông Vĩnh cho biết: “Hiện có ba dự án đang trong giai đoạn khởi động, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động năm 2014-2015. Cụ thể, dự án nhà trẻ tại KCX Tân Thuận đã trình thẩm định Sở Xây dựng để trình UBND TP.HCM thông qua. Khu nhà trẻ này có diện tích đất khoảng 2.000m2, diện tích xây dựng 840m2, gồm 1 trệt, 3 lầu, nhận giữ nhiều nhóm trẻ. Kế đến là dự án trường MN tại KCX Linh Trung đang trong giai đoạn thẩm định hồ sơ phòng cháy, chữa cháy. Nhà trẻ này có thiết kế 1 trệt, 2 lầu nhận được 300 cháu. Trong khi đó qua khảo sát sơ bộ chỉ tính riêng Công ty Freetrend tại KCX này có khoảng 4.000 trẻ em cần đến nhà trẻ. Còn dự án nhà trẻ tại KCN Vĩnh Lộc đang trong giai đoạn thiết kế. Hai dự án còn lại là tại KCN Vĩnh Lộc, KCX Linh Trung II đang trong giai đoạn điều chỉnh lại quy hoạch, vì vướng diện tích cây xanh”. Theo ông Hồ Xuân Lâm, Chánh văn phòng Hepza, trong nhiều dự án, công ty hạ tầng đã có một phần đóng góp là trích đất ra để giao địa phương. Phần tiếp theo là thuộc về các sở ngành, quận huyện.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy
Theo Sở GD-ĐT TP, hiện trường MN phục vụ con em công nhân tại các KCX, KCN là vấn đề bức xúc nhất của ngành. Bởi ở đây nhu cầu thì nhiều mà cơ sở thì hầu như không có. Hiện TP có hơn 260.000 lao động đang làm việc tại các KCX, KCN, trong đó 70% công nhân có con đang trong độ tuổi đến trường. |
Bình luận (0)