Biến chứng về mạch máu như một phần tất yếu của quá trình phát triển bệnh đái tháo đường đặc biệt là đối với những người không kiểm soát tốt đường huyết. Cùng với chế độ ăn và tập luyện khoa học, kiểm soát tốt đường huyết là giải pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất cho căn bệnh nguy hiểm này.
Bệnh nhân điều trị đái tháo đường cần chăm sóc tốt bàn chân. Ảnh: T.L |
Theo BS Đỗ Thị Minh Hiền – BV Pháp Việt, không chỉ có biến chứng trước mắt mà bệnh đái tháo đường còn gây ra nhiều biến chứng lâu dài ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe con người.
Nỗi đau của biến chứng
Mặc dù còn trẻ tuổi nhưng anh Hồ Thanh H. ngụ ở Q.Phú Nhuận gần đây có nhiều “tật xấu” lạ như cơ thể mệt mỏi lười làm việc, dù uống nhiều nước nhưng vẫn có cảm giác khát từ đó dẫn đến hệ quả là tiểu nhiều. Dù ăn nhiều do đói liên tục nhưng người đàn ông 50 tuổi vẫn luôn cảm thấy chưa lúc nào no bụng. Lạ hơn dù ăn nhiều nhưng vẫn sụt cân kinh khủng và một vài vết thương như đứt tay, trầy chân lâu lành hơn trước. Khám tại BV Q.Phú Nhuận, anh Thanh H. được BS chẩn đoán là tiểu đường tuýp 2 (người sau 18 tuổi). “Tôi được BS giải thích đi tiểu liên tục là cách để cơ thể thải đường qua nước tiểu. Hiện tượng sụt ký là do cơ thể không lấy được năng lượng từ thức ăn sẽ chuyển hóa cơ và mỡ để lấy năng lượng. BS cũng nói rằng, bệnh đái tháo đường của tôi làm cho cơ thể khó chống lại nhiễm trùng nên chậm lành vết thương” – anh H. buồn rầu chia sẻ!
BS Minh Hiền cho hay, rõ nhất về biến chứng trước mắt của đái tháo đường là bệnh nhân (BN) hạ đường huyết, hôn mê tăng áp lực thẩm thấu do tăng đường huyết, hôn mê nhiễm toan lactic, nhiễm toan ceton. Đái tháo đường còn mang theo bệnh võng mạc, bệnh thần kinh, bệnh mạch máu khi bị biến chứng lâu dài. Những biến chứng này tiến triển nhiều năm và liên quan đến ảnh hưởng của mức đường huyết trên mạch máu. Biến chứng mạch máu nhỏ được lộ diện nhiều nhất ở mắt vì đường huyết cao trong một thời gian dài là thủ phạm gây ra đục thủy tinh thể hoặc bệnh võng mạc. Đây là biến chứng bệnh lý thần kinh cảm giác – vận động, thần kinh tự động. Bệnh lý võng mạc là con đường ngắn nhất để đưa BN đến với mù lòa. Đái tháo đường cũng là kẻ thù đến với cơ quan thận, thường xảy ra đồng thời với bệnh lý võng mạc. Đây là nguyên nhân hàng đầu suy thận mạn tiến triển. Triệu chứng ưu thế ở giai đoạn sớm là proteine niệu, xuất hiện sau 10 đến 15 năm khởi bệnh đái tháo đường mà biểu hiện giai đoạn đầu là albumine niệu vi thể. Hệ thần kinh cũng bị đái tháo đường tấn công nếu ở độ nặng khi đó những mạch máu nhỏ nuôi các sợi thần kinh bị tổn thương làm cho các dây thần kinh cũng bị tổn thương. Các dạng bệnh này muôn hình vạn trạng như bệnh lý 1 dây thần kinh, bệnh lý đa dây thần kinh, bệnh lý thần kinh tự động. Đó là cảm giác của bà Lê Thị G. ngụ ở TP.Biên Hòa, Đồng Nai luôn nóng rát như bị điện giật hay ai đó chích 2 bàn chân. Triệu chứng đau sâu thường nặng về đêm, đôi chân lúc nào cũng nặng trĩu vì đau đớn.
Chăm sóc bàn chân đái tháo đường
Biến chứng về mạch máu lớn rõ nhất là xơ vữa mạch vành tim để gây ra nhồi máu cơ tim, hội chứng mạch vành cấp, xơ vữa mạch máu não gây đột quỵ, xơ vữa động mạch ngoại vi gây tắc mạch. Không dừng lại đó, biến chứng mạch máu lớn còn “vươn vòi bạch tuộc” vào tim, lên não, mạch máu ngoại biên. Nhiều mạch máu lớn xơ vữa do bị tàn phá gây thiếu máu cơ tim yên lặng, nhồi máu cơ tim, viêm tắc động mạch bàn chân, cẳng chân gây hoại tử khô phải cắt cụt chi. Mạch máu não từ đó cũng dễ tai biến gây ra tình trạng đột quỵ, đột tử nhanh chóng. Ngoài ra tắc mạch thận lại gây hậu quả tăng huyết áp và suy thận. Hiện tượng BN đái tháo đường loét bàn chân là biến chứng phối hợp bệnh lý thần kinh và mạch máu. Theo thống kê, đây là nguyên nhân hàng đầu gây cắt cụt chân tại Mỹ và cả Việt Nam mà thường gặp ở các BN không kiểm soát được đường huyết, béo phì, đi giày tất không phù hợp.
Về biện pháp phòng ngừa, BS Đỗ Thị Minh Hiền khuyên: “BN nên kiểm tra bàn chân thường xuyên vào một thời điểm nhất định trong ngày tốt nhất là trước khi đi ngủ. Cần kiểm tra cả kẽ chân, kẽ móng xem có vết xước, vết chai sạn, vết bỏng hay không. Rửa bàn chân bằng xà phòng mỗi ngày và lau thật khô nhẹ nhàng không cọ xát quá mạnh. Đừng để da quá khô, nên dùng các loại xà phòng rửa chân loại nhẹ ít chất xút, nhiều chất giữ ẩm da, ít mùi thơm và ít bọt. Nếu da quá khô có thể sử dụng các loại kem giữ ẩm da, đặc biệt chú ý vùng gót chân, không thoa lên kẽ chân. Cắt móng tay, móng chân thường xuyên nhưng chú ý tránh cắt sát phần da”. Nhớ lời BS dặn, bà G. luôn chú ý nhiệt độ nước tắm rửa khoảng 37 độ C là tốt nhất. Trước đây do làm ruộng bà thường đi chân đất nay người phụ nữ 70 tuổi này thường xuyên mang dép giày tránh sự cố rách chân do đạp miểng chai, vật sắc nhọn khác. BN không nên mang dép kẹp vì dễ gây loét giữa ngón cái và ngón thứ hai. Kiểm tra giày trước khi mang để tránh côn trùng, cát bụi gây tổn thương đôi chân đã yếu do biến chứng đái tháo đường. Thường xuyên sát trùng da thoa dung dịch sát trùng khi cần thiết. Các mạch máu ở chân vốn đã hẹp và xơ cứng do biến chứng đái tháo đường nên khi hút thuốc lá sẽ làm tăng nguy cơ này lên gấp 2 đến 3 lần tăng thêm nguy cơ nhiễm trùng khi có vết thương. Đây cũng là lý do anh Ngô Thanh H. từ bỏ thuốc lá liền sau khi bị đái tháo đường.
Nguyễn Phương Đăng
Bình luận (0)