Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cần một kỳ thi vừa ổn định vừa giảm áp lực

Tạp Chí Giáo Dục

Sau dự thảo về phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2014, phóng viên Báo Giáo Dục TP.HCM đã ghi lại ý kiến của nhiều cán bộ quản lý giáo dục tại TP.Đà Nẵng. Qua đó, đa số ý kiến đều thống nhất quan điểm nghiêng về lựa chọn phương án 1 – thi tốt nghiệp 4 môn – để giảm tải áp lực cho HS, đồng thời có tính ổn định tâm lý học hành, để các em học gì thi đó chứ không phải học thi để lấy điểm số.
Nhiều cán bộ quản lý giáo dục ở các trường THPT trên địa bàn TP.Đà Nẵng đều đưa ra quan điểm rằng nên chọn thi tốt nghiệp THPT bằng 4 môn thi. Trong đó 2 môn bắt buộc là văn và toán, các môn còn lại do HS tự chọn. Thầy Phan Văn Tánh, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Q.Sơn Trà) bày tỏ: “Đã gọi là giảm tải thì chọn phương án thi 4 môn là hợp lý. Nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ thi tốt nghiệp vì tỷ lệ đỗ hàng năm là rất cao nhưng theo tôi nên giữ lại kỳ thi, bởi chúng ta tổ chức thi là để đánh giá cái chuẩn, để đánh giá kết quả HS thu được sau thời gian học trên ghế nhà trường, như vậy đỡ gây áp lực cho HS”. Về môn thi, thầy Tánh cho rằng, nên để HS tự chọn 2 môn còn lại theo năng lực sở trường của mình. Ví dụ, nếu HS theo ban A thì ngoài 2 môn bắt buộc là văn và toán, các em có thể tự chọn thêm 2 môn lý và hóa, vì đây là 2 môn các em đã bỏ nhiều công sức để theo đuổi chuyên sâu trong nhiều năm.
Về môn ngoại ngữ, thầy Phan Văn Tánh cho rằng, không nhất thiết đưa môn này vào bắt buộc. Bởi một khi có nhu cầu, bản thân HS sẽ nỗ lực để đạt được mục đích. Chúng ta luôn quan niệm thời kỳ hội nhập thì HS cần giỏi ngoại ngữ, thế nhưng nếu đó không phải là mục đích lựa chọn của các em thì kết quả sau nhiều nỗ lực bắt buộc cũng chỉ dừng lại ở một chừng mực nào đó và ngược lại. Trên thực tế, môn học này xuất phát từ nhu cầu chứ không thể áp đặt.
Đồng quan điểm, thầy Lê Vinh, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (Q.Hải Châu) nói: “Không phải bất cứ ai và bất cứ lúc nào cũng cần tới ngoại ngữ nên đưa môn ngoại ngữ vào phát triển đại trà là không hiệu quả. Với những ai cần ngoại ngữ thực sự cho công việc, họ sẽ đầu tư thời gian, công sức để học, còn nếu không thì dù có bắt buộc cũng chỉ là điều kiện, vì thế chỉ nên đưa kết quả môn ngoại ngữ như môn thi khuyến khích”.
Còn ông Phan Văn Tánh lại cho rằng, nên để cho tất cả các em dự kỳ thi tốt nghiệp một cách sòng phẳng. Như thế các em vừa có cơ hội khẳng định mình vừa được trải qua cảm giác thi cử trong một kỳ sát hạch nghiêm túc ở tuổi bắt đầu chập chững vào đời như bao nhiêu bạn bè cùng trang lứa khác. Việc đưa điểm trung bình cả năm lớp 12 vào tính điểm xét tốt nghiệp, nhiều cán bộ quản lý cho là hay và hợp lý. Nó đánh giá được cả quá trình dạy – học và mang tính toàn diện, tránh được tình trạng học lệch. Khi đưa ra ý kiến băn khoăn về tình trạng “chạy” điểm, ông Phan Văn Tánh và ông Nguyễn Thanh Phương, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền (Q.Sơn Trà) cho rằng, chúng ta cần tin tưởng vào đội ngũ quản lý, đội ngũ giáo viên trong khâu kiểm tra, đánh giá HS. Cần có một quy định chuẩn về việc kiểm tra đánh giá HS.
Thiên Phúc – Phan Lệ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)