GS. Trần Đình Hòa. Ảnh: I.T
|
Được phong giáo sư (GS) trẻ nhất Việt Nam năm 2013, GS. Trần Đình Hòa (sinh năm 1970) đã có nhiều công trình nghiên cứu phục vụ các vấn đề thủy lợi của đất nước. Nông nghiệp không phải là ngành nóng nên không có nhiều bạn trẻ lựa chọn. Nhân dịp năm mới, Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với GS. Trần Đình Hòa về những trăn trở của ông đối với lựa chọn nghề của giới trẻ hiện nay.
PV: Thưa ông, là GS trẻ nhất năm 2013, ông cảm thấy niềm vinh dự cũng như trách nhiệm của mình như thế nào?
– Trước hết tôi cảm thấy rất vui mừng và xúc động vì những cố gắng, nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi suốt chặng đường gian nan vất vả đã được các nhà khoa học, các đồng nghiệp ghi nhận. Và đây cũng là vinh dự cho những người thân và các đồng nghiệp trong tập thể nghiên cứu của tôi, vì suy cho cùng thành công của bất kỳ cá nhân nào cũng đều được xây dựng trên nền tảng của một tập thể nhất định. Đồng thời với vinh dự, tôi cũng nhận thấy trách nhiệm rất nặng nề đối với bản thân mình. Trước hết là trách nhiệm phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu học hỏi để hoàn thiện mình nhiều hơn nữa; trách nhiệm của bản thân trước những vấn đề, những yêu cầu mà thực tiễn đặt ra cho các nhà khoa học; trách nhiệm phải đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học trẻ kế cận… để sao cho không phụ sự tin tưởng, kỳ vọng của Nhà nước và nhân dân. Tôi thật sự cảm thấy bị áp lực trước những trách nhiệm của mình ngay sau khi được công nhận GS.
Gắn bó với thủy lợi, hay nói cách khác là gắn bó với cuộc sống của người nông dân, ông có thể cho biết, vì sao một đất nước đi lên từ nông nghiệp như Việt Nam nhưng cho đến nay, đa số các bạn học sinh (giới trẻ) đều quay lưng lại với nông nghiệp?
– Đây là vấn đề lớn, nhưng tôi nghĩ chúng ta nên phân tích rõ hơn để tránh bị hiểu nhầm cho giới trẻ. Theo tôi nghĩ, nói lớp trẻ quay lưng với nông nghiệp là chưa hoàn toàn đúng.
Thứ nhất: Ta phải nhìn nhận một cách khách quan rằng, nông nghiệp dù có tỷ lệ phân bố dân số rất lớn thì vẫn là một ngành trong số rất nhiều ngành nghề khác của xã hội. Vì vậy, mặc dù xuất thân từ con nhà nông nhưng nhu cầu của xã hội đối với các ngành nghề khác cũng rất lớn và quan trọng, do đó các em vẫn phải phân tán cho các ngành nghề khác nữa, đó là điều tất yếu. Mọi sự lựa chọn nghề nghiệp là bình đẳng đối với các em.
Thứ hai: Nếu có sự quay lưng lại với nông nghiệp, tôi nghĩ đó là do một số chế độ, cơ chế ưu tiên, đãi ngộ đối với cán bộ làm công tác nông nghiệp chưa được thỏa đáng, còn một số bất cập so với các ngành nghề khác trong xã hội. Nếu như chế độ lương bổng, môi trường, điều kiện làm việc… trong ngành nông nghiệp cũng được như một số ngành, nghề khác thì tôi nghĩ chắc không ai dại gì quay lưng với ngành nông nghiệp cả. Ví dụ, cách đây hơn 10 năm về trước cũng đã có những lúc rất nhiều bạn trẻ quay lưng lại với nghề nhà giáo – một trong những nghề cao quý nhất theo truyền thống của đất nước ta.
Nói về tình cảm, nước ta hơn 70% dân số làm nông nghiệp, phần lớn các bạn trẻ được sinh ra lớn lên từ nông thôn và theo tôi thấy, hầu hết mọi người đều giữ được truyền thống yêu quê hương và có trách nhiệm với quê hương. Tết nhất các thành phố rất vắng vẻ, mọi người đều náo nức về quê, ai có điều kiện đều không tiếc sức mình để xây dựng quê hương. Do đó, tôi nghĩ nếu được tạo điều kiện có môi trường, chế độ làm việc tốt thì các bạn trẻ cũng sẽ gắn bó và tâm huyết với nông nghiệp còn hơn các ngành nghề khác.
Ông suy nghĩ thế nào khi giới trẻ chỉ chọn những nghề dễ kiếm tiền lại nhàn thân?
– Điều này chỉ một phần nhưng là vấn đề lớn. Đấy là trách nhiệm của gia đình, xã hội và cả cơ quan quản lý. Tư tưởng làm nhàn nhưng kiếm được nhiều tiền là điều dễ hiểu đối với giới trẻ. Nhưng ở đây có một vấn đề đó là trách nhiệm, ý thức. Gia đình, xã hội và nhà trường làm thế nào để các bạn trẻ có ý thức về công việc thì hạn chế đó sẽ được khắc phục dần. Thực tế chúng ta đào tạo vẫn chú trọng nhất là có tri thức nhưng nhận thức đã giảm đi một phần, còn ý thức giảm hẳn. Tôi thấy cần thiết phải định hướng, chỉ rõ để giới trẻ có ý thức về mọi vấn đề trong xã hội. Phải có sự đầu tư, sự lăn lộn để có được những cái mình đáng được hưởng.
Là một đất nước nông nghiệp, nhưng lại có quá ít người trẻ lựa chọn ngành nghề liên quan đến nghề nông, theo ông, vấn đề này có ảnh hưởng gì tới sự phát triển của đất nước?
– Rõ ràng đối với mỗi ngành sự lựa chọn của giới trẻ ít đi, đầu vào bị giảm sút thì cũng có tổn thất nhất định đến tương lai phát triển của ngành. Tuy nhiên, tôi hy vọng thời gian tới những chính sách đầu tư về nông nghiệp sẽ là sự thu hút đối với giới trẻ. Thực tế, mặc đù là ngành ít được lựa chọn nhưng trong số đó vẫn còn nhiều bạn trẻ tâm huyết với nông nghiệp, nông thôn.
Nghề chọn người hay người chọn nghề?
Thế hệ ông chọn nghề như thế nào?
Chúng tôi tốt nghiệp THPT 1987, thi ĐH một lần duy nhất trong năm. Quan điểm nghề nghiệp ngày xưa khác bây giờ, chúng tôi không phải lo xin việc, tất cả do trường phân công. Ngay cả trong học hành cũng khác. Ngày đó chúng tôi chỉ lo ăn, học, chơi thể thao, ít bị chi phối bởi các vấn đề ngoài xã hội. Mỗi lớp cũng rất ít sinh viên nên cả thầy cả trò đều say mê học.
Lý do đưa ông đến với nghề?
Quê tôi ở Hà Tĩnh, có lũ lụt xảy ra thường xuyên. Thứ hai tôi thấy ngành nông nghiệp phù hợp với cuộc sống hàng ngày của mình.
Trong quá trình gắn bó với ngành ông có suy nghĩ, trăn trở gì không?
Vào ngành thủy lợi chúng tôi vẫn nói đó là ngành “áo bông, quần đùi” để thấy được những vất vả của ngành này. Nhưng tôi cũng có nhiều thuận lợi. Từ trong nhà trường đến khi ra công tác tôi luôn gặp được những người thầy, người đồng nghiệp tâm huyết, chia sẻ mọi công việc. Tức là tôi được đặt trong môi trường công tác phù hợp với những cái mình đã lựa chọn.
Sắp tới ông sẽ tập trung giải quyết vấn đề gì?
Trước hết tôi tiếp tục theo đuổi chuyên môn mà nhóm nghiên cứu của tôi vẫn đang làm. Đồng thời, có những tư vấn, hỗ trợ về khoa học công nghệ cho các viện thành viên. Đặc biệt trong thời gian tới vấn đề biến đổi khí hậu sẽ có ảnh hưởng rất nhiều đến thủy lợi.
Trăn trở của ông về nghiên cứu khoa học?
Nghị quyết TW về khoa học công nghệ đã có, Luật Khoa học công nghệ cũng đã có, một số thông tư, nghị định của Chính phủ đã ban hành. Đây là những thuận lợi. Những trăn trở sẽ được giải quyết ở đây. Trước đó, vấn đề tài chính, cơ chế thu chi đã gây cho các nhà khoa học rất nhiều phiền toái. Làm thế nào tạo dựng được môi trường để nhà khoa học toàn tâm toàn ý làm nghiên cứu khoa học, không phải suy nghĩ về chứng từ hay những chuyện cơm áo gạo tiền hàng ngày.
Vấn đề đặt hàng nghiên cứu, sản phẩm nghiên cứu cũng được nói nhiều. Đầu tư nghiên cứu so với các nước là ít nhưng hiệu quả như thế nào cũng là một câu hỏi lớn. Một trong những khâu rất quan trọng đó là từ trước đến nay chúng ta tập trung phân tích mổ xẻ đề tài, dự án mang lại hiệu quả như thế nào cho xã hội nhưng bỏ qua khâu đặt hàng đề tài đấy như thế nào. Nếu như đặt hàng trúng và đúng bức xúc của thực tế thì tôi tin rằng sản phẩm không thể đặt vào ngăn kéo mà sẽ có địa chỉ áp dụng. Chúng ta hay quan trọng hội đồng nghiệm thu, hội đồng đánh giá, điều này là cần thiết. Nhưng quan trọng không kém theo tôi đó là phải có hội đồng tư vấn, chuyên gia đầu ngành, phải phản biện ngay từ lúc đặt đề tài, xem đề tài đó tốt hay không, nên làm hay không.
Đối với ngành thủy lợi, đòi hỏi người gắn bó với ngành này phải có những tố chất gì?
Cũng giống như các ngành nghề khác trước hết đều phải có lòng đam mê với nghề (yêu nghề), tâm huyết với nghề, làm việc nhiệt tình có trách nhiệm. Ngoài ra, ngành thủy lợi là ngành luôn phải đối mặt với thiên tai, khó khăn vất vả nên rất cần sự chịu đựng gian khổ, tính kiên trì vượt khó, đồng cam cộng khổ chia sẻ khó khăn với người dân. Nhiều lần tôi đã trao đổi không phải ai cũng làm được khoa học, không phải ai cũng làm được doanh nhân, trước hết mình phải biết mình có sở trường về vấn đề gì, có say sưa với nghề đó hay không.
Theo ông, nghề chọn người hay người sẽ chọn nghề?
Đây là câu hỏi rất hay, mang tính triết lý sâu sắc. Đã nói đến sự lựa chọn nghĩa là nói đến sự phân tích, đánh giá, so sánh và do đó, về mặt logic hình thức chỉ có con người mới chọn nghề nghiệp cho mình. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ ta sẽ thấy giữa con người và nghề nghiệp có sự lựa chọn lẫn nhau. Mỗi người chúng ta đều có 2 yếu tố cơ bản là phẩm chất và tố chất. Với phẩm chất và tố chất của mỗi người lại sẽ phát huy tốt nhất ở một số ngành nghề nhất định mà thôi. Vì vậy, ban đầu, chúng ta chọn nghề cho mình. Nhưng sau đó, với phẩm chất và tố chất của mình lại bị chính nghề nghiệp của mình chọn lựa, sàng lọc và đào thải hoặc phát triển lên. Ai phù hợp với ngành nghề đã chọn thì phát triển tốt và ngược lại.
Tất nhiên, vẫn có những trường hợp ngoại lệ, chính nghề nghiệp sẽ “cải tạo, điều chỉnh” tố chất của con người để từng bước phù hợp với nghề nghiệp mà người đó đã lựa chọn.
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê
Năm 2014, GS. Trần Đình Hòa và nhóm tác giả đạt giải khuyến khích giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTECH) cho công nghệ đập trụ đỡ; đồng tác giả giải ba giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTECH) năm 2006 cho công nghệ đập sà lan di động; đồng tác giả: Giải thưởng Bông lúa vàng Bộ NN&PTNT năm 2013; đồng tác giả: 2 bằng độc quyền sáng chế. Chủ trì và tham gia hơn 20 đề tài nghiên cứu các cấp, các công trình đề tài nghiên cứu khoa học. Năm 2012, công trình nghiên cứu GS. Trần Đình Hòa đồng tác giả đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh là cụm công trình nghiên cứu: “Ngăn sông bằng đập trụ đỡ và đập sà lan”. |
Bình luận (0)