Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Phân luồng sau trung học: Kém hiệu quả vì chưa có giải pháp đột phá

Tạp Chí Giáo Dục

TS. Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ GD-ĐT, Dạy nghề – Ban Tuyên giáo TW, phát biểu tại hội thảo
Đó là phát biểu của GS. Nguyễn Lộc, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam tại Hội thảo Tăng cường phân luồng học nghề sau trung học do Tổng cục Dạy nghề Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 22-1 ở TP.HCM. GS. Nguyễn Lộc còn cho hay: “Cách đây 3-4 năm, chúng tôi đã thừa nhận việc phân luồng cho học sinh (HS) thất bại”.
Cơ cấu nhân lực bất hợp lý
Theo nhiều đại biểu, chất lượng lao động ở Việt Nam vẫn còn thấp và cơ cấu bất hợp lý, phụ huynh vẫn muốn HS vào ĐH bằng mọi giá dẫn đến tình trạng thừa thầy, thiếu thợ, bất hợp lý trong cơ cấu nhân lực. “Nguồn nhân lực Việt Nam còn kém về chất lượng, năng lực, kỹ năng và đặc biệt là phẩm chất, đạo đức. Năm 2015, nước ta sẽ hội nhập lao động với các nước ASEAN, nếu không có sự thay đổi thì lao động nước ta sẽ thua ngay trên sân nhà, thua cả lao động của Lào, Campuchia và có thể thất nghiệp ngay ở trong nước”, TS. Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ GD-ĐT, Dạy nghề – Ban Tuyên giáo TW khẳng định.
Đồng tình với ý kiến này, PGS.TS Mạc Văn Tiến (Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề) nhận định: Chất lượng, hiệu quả GD-ĐT còn thấp so với yêu cầu, nhất là giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp. Hệ thống GD-ĐT thiếu liên thông giữa các trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo, còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành. Đào tạo thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất kinh doanh và nhu cầu thị trường lao động, chưa chú trọng  đúng mức việc giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng làm việc…
Ngoài ra, PGS.TS Mạc Văn Tiến chỉ ra cơ cấu lao động ở nước ta còn chưa hợp lý. Cụ thể, mỗi năm có khoảng 1,2 triệu HS tốt nghiệp THCS thì có 90% đến 95% vào THPT, khoảng 1 triệu HS tốt nghiệp THPT thì có đến 80% thi ĐH, CĐ và chỉ có 40% thi đỗ, còn 70% HS không thi đỗ và không thi CĐ, ĐH thì chỉ có 8% vào học nghề. Điều này chứng tỏ kết quả phân luồng còn thấp. Năm 2012, trung bình cứ 1 người có bằng ĐH thì chỉ có 0,56 người là công nhân kỹ thuật, trong khi đó ở các nước phát triển cứ 1 người có bằng ĐH thì có đến 6 người là công nhân kỹ thuật, riêng Hàn Quốc tỷ lệ là 1 người ĐH thì có đến 17,5 người công nhân kỹ thuật. Chính những bất hợp lý này mà năm 2013 vừa qua, cả nước có 1 triệu lao động trong độ tuổi 16 đến 24 thất nghiệp, trong đó 10.000 lao động có bằng ĐH gây lãng phí lớn cho xã hội.
Cấp học phí về thẳng các trường TCCN
Những năm qua, công tác phân luồng HS sau trung học đã được đẩy mạnh ở các tỉnh thành, đặc biệt là TP.HCM nhưng hiệu quả chưa cao. “Nhận thức xã hội đã có chuyển biến nhưng từ nhận thức đến hành động vẫn còn là một khoảng cách. Chính sách miễn học phí cho HS sau THCS vào TCCN, kể cả các trường TCCN ngoài công lập là một tín hiệu đáng mừng nhưng việc hướng dẫn triển khai còn chậm, hướng nghiệp ở các trường phổ thông đã cải tiến rất nhiều nhưng hiệu quả chưa cao, cơ sở đào tạo chưa hấp dẫn người học…”, ông Phạm Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay.
Từ những hạn chế này, ông Phạm Ngọc Thanh đưa ra giải pháp xây dựng mô hình 9+5, tức là sau THCS, nếu không đủ năng lực HS có thể vào học nghề để sau 5 năm vừa có bằng THPT, vừa có bằng CĐ nghề. Ngoài ra, nên cải tiến chính sách, tức là cấp học phí về thẳng các trường TCCN bởi để HS nộp hồ sơ về địa phương xin miễn học phí thủ tục khá nhiêu khê, nhiều HS chán nản.
Đồng tình với ý kiến này, PGS.TS Nguyễn Lộc nói: “Hiện nay chúng ta vẫn loay hoay trong các giải pháp mà chưa có giải pháp nào mang tính đột phá để đưa giáo dục nghề nghiệp đi lên. Tôi cho rằng, mô hình 9+5 là rất hay bởi với mô hình này sẽ giảm bớt tâm lý cho phụ huynh khi con họ vừa có bằng THPT vừa có bằng CĐ, hơn nữa trong quá trình học còn có thể tạt ngang nếu chưa đủ trình độ”.
Ngay cả HS đang học TCCN cũng có nhiều em nghỉ, bỏ học giữa chừng, vì vậy các đại biểu cho rằng công tác hướng nghiệp trong trường TCCN cũng rất quan trọng. TS. Nguyễn Trần Nghĩa, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề TP.HCM đưa ra giải pháp: “Thực hiện liên thông sẽ góp phần không nhỏ phân luồng HS sau THCS vào các trường dạy nghề và được nâng cao trình độ văn hóa, kiến thức, kỹ thuật cần thiết để có thể tiếp thu công nghệ hiện đại. Đồng thời, chú trọng giáo dục hướng nghiệp trong các trường dạy nghề và TCCN bởi số HS hao hụt tại các trường TCCN và các trường dạy nghề thường chiếm tỷ lệ 40-50% (trong đầu năm của khóa học 30-40% và các năm sau khoảng 10%)”.
Bài, ảnh: Dương Bình
TS. Nguyễn Đắc Hưng cho rằng: “Mặc dù đã có những cố gắng nhưng chủ trương phân luồng nhiều năm qua vẫn chưa thực hiện được. Chính bất cập trong phân luồng đã làm cho cơ cấu nhân lực nước ta không đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế, rất bất hợp lý và xu thế ngày càng bất hợp lý hơn giữa ĐH, trung cấp và công nhân kỹ thuật”.
 

Bình luận (0)