Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giới sinh viên: Trên mạng nồng nhiệt, ngoài đời… cách biệt

Tạp Chí Giáo Dục

Không ít SV ngoài giờ học là “ôm” điện thoại hoặc máy tính để kết nối bạn bè trên Facebook, “bỏ quên” các mối quan hệ bên ngoài đời thực (ảnh chỉ mang tính minh họa)
Một câu status thông báo bệnh tật hoặc chuyện xui xẻo, đau buồn… trên Facebook nhận được rất nhiều lượt bình luận chia sẻ, động viên. Thế nhưng chuyện gặp gỡ thăm hỏi nồng nhiệt như vậy ở ngoài đời ngay cả với giới trẻ ngày càng trở nên hiếm.
Một bộ phận giới trẻ hiện kết nối thường xuyên trên mạng xã hội Facebook và thưa thớt dần đi những gặp gỡ đời thường.
Say sưa Facebook
Ngô Hải Triều (sinh viên (SV) năm cuối Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) cho biết, lần gần đây nhất em được bạn bè đến nhà thăm là tận… năm ngoái, sau một tai nạn xe máy khiến em phải điều trị một thời gian. Từ đó đến nay, bạn bè vẫn giữ tình cảm, quan tâm nhưng chủ yếu thể hiện qua mạng, số lần gặp mặt ngoài đời có nhưng không thường xuyên. “Chính vì mọi liên lạc được “gói gọn” trên Facebook nên dù có rất nhiều bạn nhưng đôi lúc lại cảm tưởng chẳng ai bên cạnh do việc gặp gỡ khó khăn” – Triều thổ lộ.
Triều chia sẻ thêm, cuộc sống xa nhà của các SV như em luôn đối mặt với những khó khăn rất “thật” từ chỗ trọ, xe cộ đi lại đến ốm đau bệnh tật thậm chí túng thiếu tiền bạc… Vì vậy, những sự chia sẻ, tương tác từ phía bạn bè cũng cần “thật” chứ không chỉ đơn thuần qua mạng. Dễ thấy nhất, vào dịp nghỉ lễ hay cuối tuần, có bạn bè cùng tụ họp nấu nướng ăn uống hoặc cà phê thì vẫn thấy gần gũi hơn. Ngay cả những khi cảm sốt hay gặp chuyện không may, có bạn bè bên cạnh vẫn cảm thấy được khích lệ hơn những câu động viên suông trên mạng.
Nguyễn Thị Tuyết Ngọc (SV Trường ĐH Mở TP.HCM) cũng cho biết, mỗi lần cà phê gặp gỡ, các bạn hay “ôm” điện thoại chúi vào Facebook, ít tập trung vào những câu chuyện đang được bàn luận bên ngoài. Tuyết Ngọc thừa nhận, ngày nào cũng gặp gỡ trên Facebook khiến các bạn bè của em thưa dần việc chạm mặt ngoài đời. Chính vì vậy, dù bạn bè hỏi han, quan tâm đến “nhất cử nhất động” của mình trên Facebook nhưng ít được chia sẻ những khó khăn ngoài đời thực đôi lúc khiến em cảm thấy hụt hẫng.
Một SV khác quan niệm, Facebook là môi trường ảo, do đó những thăm hỏi cũng chỉ dừng ở mức xã giao. Nhưng những mối quan hệ được xem là quan trọng, thân thiết khác nhất thiết phải có sự gặp gỡ. Rất nhiều SV cũng biết vậy nhưng vẫn bị cuốn hút vào các mối quan hệ trên mạng xã hội, đến mức choán hết thời gian tiếp xúc bên ngoài. “Việc liên lạc trên mạng quá dễ dàng, thường xuyên là lý do khiến các bạn SV lười tìm đến nhau” – Chu Văn Nghị (SV Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) giải thích. Nghị cho rằng, Facebook là nơi các SV có thể tìm thấy cơ bản đầy đủ thông tin, hình ảnh, hoạt động… được cập nhật liên tục của bạn bè, vì vậy họ dần hạn chế nhu cầu tiếp xúc nhau bên ngoài. Thêm nữa, trên mạng thường dễ dàng, thuận tiện bày tỏ cảm xúc, lời quan tâm hơn nên ngày càng có nhiều SV lựa chọn nó. Nghị cũng nhìn nhận, dành quá nhiều thời gian cho Facebook dễ khiến SV lệ thuộc thậm chí “nghiện” nó và tách mình khỏi các hoạt động tập thể bên ngoài.
Kéo SV khỏi cuộc sống… ảo
Gần đây, mỗi khi cần được chia sẻ, SV Mai Thị Mừng (ngành nuôi trồng thủy sản Trường ĐH Nông lâm TP.HCM) thường tìm đến những bạn bè thân cận thay vì chỉ “treo” nỗi buồn lên Facebook. Mừng cho rằng, bạn bè không chỉ giúp em giải tỏa nhanh chóng những khúc mắc, mà có lúc còn “xắn tay” cùng giải quyết những khó khăn gọn lẹ hơn cả hàng chục lời động viên trên Facebook. Cũng theo Mừng, Facebook có nhiều tiện lợi cho việc giới trẻ kết nối, liên lạc tuy nhiên em không dám… lệ thuộc nó vì sợ ít chú tâm đến các mối quan hệ ngoài đời thường.
PGS.TS Nguyễn Văn Thọ (nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, Trưởng khoa Khoa học xã hội – Nhân văn Trường ĐH Văn Hiến) nhìn nhận, dùng Facebook nói riêng và internet nói chung quá mức sẽ khiến giới trẻ nhất là SV “đắm chìm” với thế giới ảo, tách rời cuộc sống thực. Không kể những tác hại trực tiếp đến cơ thể như gây mệt mỏi, kém tập trung do thức đêm, mối nguy hại lớn nhất của việc lạm dụng internet là phá hủy nghiêm trọng mối quan hệ với gia đình và xã hội. Những người say sưa hoạt động trên internet, chẳng hạn Facebook, rất ít dành thời gian cho đời sống thực. Họ thờ ơ thậm chí thiếu trách nhiệm với các việc lớn nhỏ trong gia đình. Đặc biệt, giới SV quá cuốn hút vào các hoạt động trên mạng sẽ xao lãng các mối quan hệ với bạn bè.
“Mối quan hệ bên ngoài đời thực hết sức quan trọng. Do vậy, đối với những bạn trẻ chưa tự cân bằng được mức độ sử dụng internet, gia đình cần dùng tình cảm kéo các em khỏi sự lôi cuốn của những cái… ảo”, PGS. Nguyễn Văn Thọ nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Mê tâm
Cần “đất” để SV gắn kết
Chị Nguyễn Thị Hải Liên – Phó bí thư Đoàn Trường ĐH Y dược TP.HCM – dẫn chứng thực tế, từng có hai SV của trường gặp tai nạn và khi được phát động, rất nhiều em còn lại đã tình nguyện “lặn lội” về tận quê bạn để hỗ trợ, thăm nom. Ngay cả trong học tập thường ngày, biết SV nước láng giềng gặp khó khăn do chưa thạo tiếng Việt, nhiều SV đã xông xáo, tận tình hỗ trợ. Vì vậy, theo chị Liên, SV sẽ không thờ ơ khi biết có những địa chỉ cần được hỗ trợ. Điều quan trọng, cần tạo thêm môi trường để SV gắn kết. Bởi có môi trường, điều kiện, các em sẽ không ngại thể hiện sự quan tâm. Còn nếu để thời gian trống nhiều quá, các em rất dễ dành cho Facebook. Chị Liên cũng khuyến khích thành lập và duy trì những đội nhóm, câu lạc bộ hoạt động lành mạnh để SV có “đất” thể hiện tình cảm gắn kết.
 
 

Bình luận (0)