Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cảnh giác tội phạm công nghệ cao

Tạp Chí Giáo Dục

Trước tình hình diễn biến phức tạp của tội phạm công nghệ cao, Công an TP.HCM vừa có thông báo về phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với loại tội phạm này.
Nhằm góp phần ngăn chặn, kéo giảm các loại tội phạm trên địa bàn thành phố, Công an TP.HCM vừa ban hành công văn số 201/PV28 về “Phối hợp tuyên truyền phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao” trên địa bàn.
Sử dụng điện thoại để lừa đảo
Từ đầu năm 2014 đến nay, tội phạm đã thực hiện liên tiếp nhiều vụ lừa đảo. Ngày 24-2-2014, bà L.T.H (ngụ P.12, Q.11) ở nhà thì điện thoại bàn đổ chuông. Từ đầu dây bên kia, một phụ nữ xưng là nhân viên tổng đài thông báo bà H. nợ cước điện thoại lên đến cả chục triệu đồng, đồng thời cho biết nếu bà không nhanh chóng thanh toán sẽ có công an đến làm việc. Vài phút sau, một người đàn ông gọi cho bà H. xưng là cán bộ Công an TP.Hà Nội và đang điều tra một vụ án “rửa tiền” mà trong đó bà H. là một mắt xích có liên quan. Anh ta nói vanh vách thông tin các thành viên trong gia đình khiến bà bàng hoàng. Đến lúc này, biết đã trúng tâm lý sợ liên quan đến pháp luật của nạn nhân, đối tượng này đã yêu cầu bà H. chuyển 170 triệu đồng vào tài khoản một cá nhân của “cơ quan điều tra” để xác minh, nếu là tiền “sạch” không dính dáng đến tội phạm thì sẽ trả lại ngay. Tưởng thật, khoảng 12 giờ cùng ngày, bà H. đã chuyển tiền vào tài khoản theo yêu cầu của nhóm lừa đảo.
Cũng với phương thức và thủ đoạn tương tự, sáng ngày 28-3-2014, bà Ng. (ngụ Q.10) nhận được điện thoại của một người đàn ông xưng là “trung úy” Nguyễn Hoàng Nam, công tác tại Công an TP.Hà Nội. Người này thông báo bà Ng. đang nợ cước điện thoại và bị công ty điện thoại chuyển hồ sơ sang công an để điều tra. Tiếp đó “trung úy” Nam gợi ý nếu bà Ng. không muốn rắc rối thì phải nhanh chóng chuyển tiền “bồi dưỡng” vào tài khoản trong chiều cùng ngày. Sau đó, bà Ng. trấn tĩnh lại để tìm hiểu thì mới biết bị lừa nên đã đến công an trình báo.
Chỉ sau đó một ngày, chị Huỳnh Ngọc Mỹ L. (ngụ Q.Bình Thạnh) bất ngờ nhận được cuộc điện thoại từ số 38401…, tự xưng là nhân viên của Công ty VNPT. Người này thông báo chị L. đang nợ 8 triệu đồng cước điện thoại, đồng thời cho biết Bộ Công an đang xác minh chị L. vì nghi liên quan đến đường dây ma túy. Sau khi đe dọa khiến chị L. mất tinh thần, đối tượng yêu cầu chị L. phải chuyển tiền vào tài khoản cho sẵn để “công an xác minh”. Quá cả tin, chị L. đã đến ngân hàng chuyển 250 triệu đồng vào tài khoản do đối tượng cung cấp…
Theo tài liệu tuyên truyền về phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh tội phạm công nghệ cao, nạn nhân mà tội phạm nhắm tới thường là người không hiểu biết về công nghệ, đặc biệt là những người già, có điều kiện kinh tế ở các quận nội thành, có tài khoản tiết kiệm gửi ngân hàng. Bọn chúng giả danh công an, nhân viên viễn thông báo cho nạn nhân đang nợ cước điện thoại và bị công ty điện thoại chuyển hồ sơ sang công an để điều tra. Đồng thời cho biết công an đang xác minh nạn nhân nghi liên quan đến đường dây ma túy hoặc tổ chức của tội phạm. Sau khi dọa nạn nhân mất tinh thần, đối tượng yêu cầu nạn nhân phải chuyển tiền vào một tài khoản của chúng để công an xác minh: Giả thông báo việc bắt cóc thân nhân và phải chuyển tiền ngay cho chúng qua tài khoản ngân hàng, nếu không sẽ xâm hại tính mạng thân nhân; sử dụng các đầu số lạ, số di động (sim rác) hoặc giả mạo số tổng đài, sau đó cài đặt nội dung nhắc nợ cước tự động để gọi vào điện thoại cố định, yêu cầu nạn nhân thực hiện theo hướng dẫn để trộm tiền cước.
Phương thức và thủ đoạn
Công an TP.HCM nhận định, đối tượng cầm đầu đa số là người nước ngoài, thường thuê các đối tượng trong nước đến các ngân hàng trực tiếp mở thẻ ghi nợ quốc tế như Visa, Master Debit (loại thẻ này có đăng ký dịch vụ chuyển tiền online và thông báo số dư tài khoản qua điện thoại di động để rút tiền tại máy ATM ở nước ngoài) hoặc mua lại thẻ của người khác, những đối tượng này thông thường sử dụng giấy chứng minh nhân dân của người khác bị mất hoặc bị cướp giật để dán ảnh của chúng vào sau đó đến ngân hàng mở thẻ. Thông thường chúng mở thẻ ở những ngân hàng có nhiều mạng lưới giao dịch, lượng khách hàng đông, thủ tục mở thẻ đơn giản, thời gian làm thẻ nhanh (chỉ từ 10-30 phút), thẻ không đảm bảo an toàn cao (như không dập nổi số thẻ, tên khách hàng, ngày hết hạn), hạn mức tiền rút trong ngày nhiều (từ 35 triệu – 50 triệu đồng/thẻ/ngày).
Thủ đoạn của bọn chúng thường dùng điện thoại giả danh công an, nhân viên công ty điện thoại gọi trực tiếp đến máy điện thoại bàn của nạn nhân để thông báo họ còn nợ cước với số tiền lớn và vụ việc đã chuyển cho cơ quan công an để giải quyết; đồng thời chúng thường yêu cầu nạn nhân bấm tiếp số máy 113 hoặc hướng dẫn báo tiếp những số khác theo yêu cầu, đầu máy bên kia bọn chúng giả là cán bộ công an, viện kiểm sát, bộ đội biên phòng… để yêu cầu nạn nhân xác nhận thông tin cá nhân và dùng thủ đoạn để hù dọa nạn nhân đang dùng một tải khoản có liên quan đến tội phạm đang bị những cơ quan này điều tra, sau đó chúng khai thác thông tin tài khoản tiền gửi của nạn nhân và cho biết số tiền họ đang gửi ở ngân hàng có liên quan đến hoạt động tội phạm hoặc tài khoản sắp bị hack. Sau đó, bọn chúng yêu cầu nạn nhân rút tiền để chuyển vào tài khoản của cán bộ lãnh đạo các cơ quan này để được giám sát, kiểm tra tiền trong tài khoản của nạn nhân, nếu không phát hiện vấn đề gì nghi vấn thì khoảng vài giờ sau sẽ làm thủ tục trả lại tiền cho nạn nhân. Trong thời gian này, bọn chúng yêu cầu nạn nhân giữ bí mật vì vụ án đang điều tra, cho số điện thoại di động nạn nhân để chúng liên lạc và yêu cầu nạn nhân luôn để chế độ nhận cuộc gọi để các cơ quan định vị, giám sát trong quá trình xử lý vụ việc nhằm gây tâm lý hoang mang, lo lắng của nạn nhân. Số tiền chiếm đoạt được, các đối tượng sẽ rút ngay bằng thẻ ghi nợ quốc tế tại các máy ATM trong nước hoặc ở nước ngoài hoặc chuyển lòng vòng cho đồng bọn để tiếp tục rút tiền nhằm tránh sự theo dõi của công an.
Biện pháp phòng ngừa
Để phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với loại tội phạm trên, Công an TP.HCM lưu ý người dân cần thực hiện một số biện pháp như: Khi nhận được các cuộc gọi lạ có dấu hiệu nghi vấn, phải bình tĩnh, không nên làm theo yêu cầu hoặc làm theo dẫn dụ bấm các phím số trên máy điện thoại. Đặc biệt là không chuyển tiền vào các tài khoản khác theo yêu cầu của người lạ; cảnh giác khi nhận được cuộc gọi lạ, người xưng là nhân viên viễn thông, cán bộ cơ quan pháp luật, không cung cấp tài khoản, thẻ tín dụng cho người khác, vì dễ dàng tiếp tay cho các băng nhóm lừa đảo bằng công nghệ cao; thông báo ngay cho cơ quan công an để cùng phối hợp giải quyết, không nên tự xử lý sẽ sập bẫy kịch bản lừa đảo của tội phạm; phát hiện và báo ngay cho cơ quan công an những đối tượng nghi vấn liên quan hoạt động tội phạm sử dụng công nghệ cao như mua chứng minh nhân dân, thẻ nợ quốc tế (Visa, Master Debit) hoặc chứng minh nhân dân có dấu hiệu dán ảnh lại để mở thẻ Visa, Master Debit…
Trần Anh

Bình luận (0)