Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thi tốt nghiệp THPT: Đề thi môn văn mới lạ

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng nay, hơn 900.000 thí sinh lớp 12 các trường THPT, TT GDTX đã bắt đầu ngày thi đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014.
An ninh trật tự đảm bảo
Tại các tuyến đường khu vực TP.HCM, tình hình giao thông buổi sáng đầu tiên diễn ra khá thông suốt. Ghi nhận tại một số hội đồng thi cho thấy, tình hình giao thông, trật tự xung quanh khu vực thi khá thông suốt, an toàn. Phụ huynh cũng không tập trung đông và gây ồn ào quanh khu vực bên ngoài hội đồng thi. Có mặt tại hội đồng thi trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đã dặn dò các thí sinh những điểm quan trọng cần lưu ý trước khi bước vào phòng thi. Theo ông, đề thi tốt nghiệp THPT ra theo hướng đổi mới nhưng vừa sức với học sinh phổ thông nên thí sinh không nên quá lo lắng, căng thẳng, dễ ảnh hưởng đến chất lượng bài thi. Thí sinh cần nhớ kỹ quy chế thi, giờ thi, buổi thi để tránh mắc lỗi dẫn đến đình chỉ, hủy kết quả bài thi tốt nghiệp, ảnh hưởng đến công học tập suốt 12 năm qua. Ông Lê Hồng Sơn cũng cho biết, kỳ thi tốt nghiệp năm nay có nhiều điểm mới nên Sở đã ttăng cường thực hiện chu đáo, nghiêm ngặt ở tất cả các khâu. Ngày 31-5, Sở đã cho kiểm tra, rà soát toàn bộ 93 hội đồng thi. Riêng với các giáo viên, cán bộ làm công tác tại hội đồng thi, Sở đã tập huấn và nhắc nhở các các giám thị không được chủ quan dựa theo thói quen, kinh nghiệm từ những năm coi thi thi trước đây mà phải xem kỹ quy chế trong văn bản do Bộ ban hành để không …
Cũng tại hội đồng thi trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận cũng đã tới động viên tinh thần các thí sinh. Ông cho biết, thành phố đã chỉ đạo các ban ngành, trường học phải tạo mọi điều kiện tốt nhất cho việc ôn tập và tổ chức kỳ thi năm nay. “Tuy là năm đầu tiên thực hiện cải tiến thi cử nhưng với truyền thống học tập của học sinh TP.HCM, tôi tin rằng các em sẽ làm tốt, đáp ứng sự mong mỏi của cha mẹ, thầy cô và tạo tiền đề cho kỳ thi ĐH, CĐ quan trọng sắp tới”.
Các thí sinh tại buổi thi sáng nay
Thú vị với đề Văn
Kết thúc môn Ngữ văn sáng nay, nhiều thí sinh khá bất ngờ với dạng đề thi mới lạ, nhiều đổi mới nhưng mang tính thiết thực, nếu có kỹ năng tạo lập văn bản, phân tích thì sẽ làm tốt bài thi. Nhóm học sinh Nguyễn Hồ Phương (lớp 12A8), Nguyễn Ngọc Minh Phương (lớp 12A9), Bùi Châu Lượng (lớp 12AT) Trường THPT Gia Định phấn khởi cho biết: So với đề thi tốt nghiệp THPT những năm trước mà chúng em đã thử làm thì đề thi năm nay có nhiều điểm mới lạ, sát với thực tế. Đặc biệt, phần đọc hiểu mang tính thời sự rất cao, đánh động đến tâm lý, suy nghĩ của chúng em về tình yêu biển đảo của quê hương. Phần này chia ra thành 3 câu hỏi nhỏ, nội dung ý nghĩa và kiểm tra được kiến thức đọc hiểu của thí sinh, đặc biệt câu hỏi nhỏ khó nhất là xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản vì nhiều bạn sẽ nhầm lẫn giữa các phong cách như phong cách ngôn ngữ văn bản báo chí với ngôn ngữ hành chính, văn chương…
Nếu câu 1 sát với thực tế thì câu 2, nhiều thí sinh lại bất ngờ với dạng đề có sự kết hợp giữa nghị luận văn học và nghị luận văn chương. Em Nguyễn Ngọc Trâm lớp 12A12, Trường THPT Trưng Vương cho rằng: “Em khá bất ngờ với phần làm văn vì chưa bao giờ nghĩ đề thi tốt nghiệp lại đưa kịch vào yêu cầu thí sinh phân tích. Ngoài việc phân tích khát vọng của nhân vật Hồn Trương Ba trong một đoạn trích ngắn ở vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt ra thì chúng em còn phải trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề “con người cần được sống là chính mình”. Đây cũng là điểm mới vì đề vừa yêu cầu nghị luân văn chương, vừa yêu cầu nghị luận xã hội. Tuy nhiên, các bạn trong phòng thi của em hầu hết đều phấn khởi vì đoạn trích được nêu sẵn, lại trình bày suy nghĩ của mình về một vấn đề rộng, sát với cuộc sống”. Cô Hồ Thị Thế, giáo viên môn văn, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân cũng nhận định: “Đề thi tốt nghiệp năm nay rất hay và có đổi mới nên nhiều thí sinh khá ngỡ ngàng. Câu 1 nói về tình hình biển Đông không chỉ nêu lên một vấn đề mang tính thời sự cao, đang được dư luận chú ý nhiều mà còn kiểm tra được kiến thức ngữ pháp và tiếng Việt của các em; Câu 2 có sự lồng ghép giữa nghị luận văn học và nghị luận xã hội. Không cần đọc thuộc lòng, chỉ cần hiểu và có kỹ năng phân tích văn bản là học sinh có thể làm tốt câu này”.
Chiều nay, các thí sinh tiếp tục thi 2 môn Vật lý và Lịch Sử

Nhóm PV

Bình luận (0)