Các doanh nghiệp đến với sàn giao dịch việc làm chưa mặn mà lắm với việc tuyển lao động. Trong ảnh: Người lao động đang làm hồ sơ xin việc tại bàn tuyển dụng của doanh nghiệp
|
Trong gần 6 giờ, Sàn giao dịch việc làm (SGDVL) thanh niên do Trung tâm Hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên TP.HCM (Yes Center) tổ chức ngày 7-6 tại số 1A Nguyễn Văn Lượng, Q.Gò Vấp, chỉ có khoảng 500 lượt người đến tham khảo việc làm và làm hồ sơ ứng tuyển công việc. Hơn nữa, số doanh nghiệp tư vấn trực tiếp còn quá ít, hoặc tư vấn chưa đúng với nhu cầu của người xin việc.
Cử nhân… giậm chân tại chỗ
Bàn tư vấn của Công ty TNHH Sản xuất cơ khí và Thương mại Hải Hà được nhiều người xin việc quan tâm vì đây là công ty chuyên sản xuất gia công các mặt hàng cơ khí dập, hàn, linh kiện xe máy, ô tô, chế tạo khuôn mẫu, đồ gá… phù hợp với những lao động có trình độ trung cấp với năng lực trung bình khá. Đa số những người xin việc tới đây là những cử nhân từ các trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP.HCM đang loay hoay với mảnh bằng tốt nghiệp từ 1 tới 3 năm khi nộp hồ sơ hết công ty này tới xí nghiệp nọ nhưng vẫn không có một “bến đỗ” tốt. Chị Trần Thị Trà, 25 tuổi (quê Vĩnh Long) đã tốt nghiệp CĐ Kinh tế Đối ngoại gần 3 năm nay, vì không có điều kiện học liên thông nên chị đã xin vào làm nhân viên bán điện thoại trên đường Phan Văn Trị. Số lương được chủ trả theo hoa hồng, không phụ cấp nên chị khó lòng xoay xở với mức sống cao ở thành phố. Gương mặt chị Trà đầy vẻ lo lắng khi nhìn lên các mảnh giấy thông tin về việc làm: “Tôi đọc và ghi lại số điện thoại công việc phù hợp với mình. Tôi thấy mô tả công việc còn mù mờ quá, nào là hỗ trợ chỗ ở miễn phí, lo buổi ăn trưa nhưng hoàn toàn không đề cập gì tới bảo hiểm lao động. Đó mới chính là điều mà người xin việc như tôi cần, để an tâm mà làm việc”.
Trong suốt thời gian SGDVL diễn ra, hai mẹ con cô Lê Hồng Hoa, cư ngụ trên đường Nguyễn Xí, Q.Bình Thạnh tham khảo thông tin việc làm từng mảnh giấy một, ngồi vào tất cả các bàn tư vấn vẫn không tìm ra được một công việc ưng ý. “Con gái tôi đang học năm 3 ngành quản trị kinh doanh theo chương trình liên kết giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và một trường ĐH nước ngoài. Năm sau con bé sẽ tốt nghiệp nhưng hiện tại vẫn chưa biết công việc đang học phù hợp với công ty nào. Con bé học ngày học đêm, hết tiếng Anh rồi tiếng Tây Ban Nha vẫn không bằng bạn bè học tại một trường CĐ bình thường nhưng công việc hiện tại đã được 7 triệu đồng/tháng”.
Tư vấn còn hời hợt
Trong số 50 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng tại SGDVL thì chỉ có 7 bàn tư vấn trực tiếp, và chỉ có 3 bàn tư vấn của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hải Hà, Công ty TNHH Manulife (Việt Nam) và bộ phận đảm trách tuyển dụng chuyên viên tư vấn tài chính ngân hàng là thu hút sự chú ý. Ngay cả tại 3 bàn tư vấn được xem là “đắt khách” này vẫn không thể giữ chân một người xin việc nào hơn 10 phút. Ngồi cạnh chị Phan Thị Hải, 23 tuổi (quê Bình Phước) có nhu cầu được vào làm việc tại Công ty TNHH Manulife nhưng chỉ nghe được những lời tư vấn chung chung về quy mô công ty kèm theo những khẩu hiệu… trên trời như: Bạn có muốn làm chủ doanh nghiệp/ làm việc với công ty hàng đầu thế giới? Có cơ hội được tưởng thưởng bằng tiền và đi du lịch nước ngoài mỗi năm?… Trong khi đó, đa số những người xin việc còn chưa tốt nghiệp, hoặc đã tốt nghiệp thì chuyển sang làm trái ngành, hoặc đó là những công nhân chưa qua đào tạo vì kém may mắn mà không trụ được tại các khu chế xuất, khu công nghiệp ở Bình Dương, TP.HCM… thì mục đích của họ trước mắt là tìm đến một công việc có lương ổn định, có trợ cấp và bảo hiểm thất nghiệp chứ không hề có ước mơ quá cao với những khẩu hiệu tự “đánh bóng” của các công ty.
Bên cạnh đó, các công ty chủ yếu muốn thu thập thông tin người xin việc để gọi lại sau chứ không có ý định tư vấn cho tới cùng để thuyết phục người xin việc vào công ty nhận việc ngay. Bày tỏ thất vọng, bạn Trần Văn Lộc, sinh viên ngành du lịch, ĐH Văn Lang cho rằng: SGDVL nghe qua có vẻ hoành tráng nhưng thực chất cũng chỉ là cách để quảng bá thương hiệu mà chưa bám sát vào nhu cầu của người xin việc. Thực vậy, SGDVL được tổ chức với hình thức bài bản, công phu nhưng nội dung và mục đích chẳng khác mô hình tư vấn tại chỗ của Trung tâm Giới thiệu việc làm thanh niên TP.HCM ở số 4A, Phạm Ngọc Thạch, Q.1. Nhiều người cùng ý kiến rằng người xin việc có thể ở nhà để tìm kiếm việc làm thông qua website có sẵn của Yes Center mà không cần mất thời gian tới sàn giao dịch. Cho nên, việc tổ chức ra SGDVL cũng cần khai thác theo hướng hiểu được nhu cầu của người xin việc thay vì chỉ chú trọng “đánh bóng” thương hiệu.
Bài, ảnh: Lộc Sâm
Công nhân vẫn đang chờ việc
Một số công nhân mất việc sau sự cố đáng tiếc xảy ra tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương cũng đến SGDVL để tìm kiếm cơ hội. Theo những lao động này, mặc dù lãnh đạo các cơ quan chức năng, trong đó Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương đã tích cực kêu gọi các chủ đầu tư hoạt động trở lại, kêu gọi anh em công nhân trở lại guồng máy làm việc tại các doanh nghiệp cùng với việc hỗ trợ 6 tỷ đồng cho công nhân mất việc hoặc chờ việc, song hiện tại các chủ đầu tư Hồng Kông, Hàn Quốc… vẫn chưa mạnh dạn đầu tư để khắc phục sự cố hay có tín hiệu nào đảm bảo các cơ quan, xí nghiệp sẽ hoạt động trở lại như trước. Anh Nguyễn Hùng Cường, 28 tuổi làm việc tại Công ty Chutex, thuộc Khu công nghiệp Sóng Thần 1, tỉnh Bình Dương đang ở trọ tại phường Linh Xuân, Q.Thủ Đức để chờ một công việc mới. Theo anh, xung quanh khu nhà trọ anh ở có hàng trăm công nhân mất việc vì ảnh hưởng từ những việc làm thiếu định hướng của đồng nghiệp tại các khu công nghiệp ở Bình Dương. Anh Cường cho biết, nếu từ đây tới cuối tháng 6 vẫn không tìm được việc, anh và 7 đồng nghiệp trọ cùng phòng sẽ về lại quê để phụ gia đình sản xuất, nếu cứ tình trạng chực chờ như thế các anh sẽ không đủ khả năng để chi trả chi phí sinh hoạt trong khi phải chờ việc hàng tháng trời.
|
Bình luận (0)