Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Học sinh phổ thông nghiện… điện thoại

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh THPT có xu hướng sử dụng ĐTDĐ ngày càng nhiều, ảnh hưởng không nhỏ đến việc học. Ảnh: I.T
Vừa qua, kết quả khảo sát của Tổ chức World Vision cho thấy học sinh (HS) THPT Việt Nam gửi 20-50 tin nhắn điện thoại/ngày, dành 1-7 giờ/ngày để nghe/gọi điện thoại và 1-4 giờ/ngày để chơi game. Kết quả này cũng có phần trùng khớp với những nghiên cứu tại Việt Nam về việc sử dụng internet, nghiện internet, nghiện game online hay nghiện Facebook. Con số này đã thực sự ở mức đáng báo động khi giới trẻ bị lệ thuộc, chi phối quá nhiều thời gian cho điện thoại và internet.
Những hệ lụy được cảnh báo
Hiện nay, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh nhiều bạn trẻ lúc nào cũng nhìn chăm chú vào màn hình điện thoại và không có sự giao tiếp nhiệt tình với những người xung quanh. Điều này không chỉ làm giảm khả năng giao tiếp, thu hẹp môi trường hoạt động mà về lâu dài còn ảnh hưởng đến sức khỏe. Ảnh hưởng bức xạ điện thoại di động đối với sức khỏe con người là vấn đề được các nhà nghiên cứu chuyên sâu trên thế giới đặt ra trong thời gian gần đây. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, TS.BS Trần Anh Tuấn – Trưởng khoa Tai mũi họng, Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM – nhận định: “Việc nghe điện thoại di động với cường độ nhiều sẽ làm suy giảm thính lực, ảnh hưởng đến não và hệ thần kinh. Bức xạ điện thoại di động còn có khả năng gây bệnh ung thư cho con người. Đã có khá nhiều lời cảnh báo nhưng hầu hết mọi người đều phớt lờ”.
Không thể phủ nhận điện thoại, internet mang lại nhiều tiện ích cho cuộc sống. Nếu như điện thoại giúp cho việc liên lạc được thuận tiện, cập nhật tin tức được nhanh chóng thì việc chơi game giúp con người giải trí, phát triển tư duy nhanh nhẹn, sáng tạo… Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu tâm lý – PGS.TS Huỳnh Văn Sơn thì: “Khi hành vi nghiện điện thoại, nghiện internet, nghiện game online và những hành vi nghiện cụ thể xoay quanh hành vi nghiện internet sẽ dẫn đến những thay đổi mang tính trực tiếp và cả gián tiếp đối với cuộc sống của giới trẻ, mà đặc biệt là với HS-SV:
– Thứ nhất, dễ ảnh hưởng xấu đến chế độ sinh hoạt.
– Thứ hai, chi phối tiêu cực đến hoạt động cơ bản của lứa tuổi.
– Thứ ba, chi phối các hoạt động khác trong độ tuổi, làm xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực, thói quen xấu do hành vi lệ thuộc đã nảy sinh.
– Thứ tư, dễ dẫn đến những hành vi lệch chuẩn với bản thân và trong những mối quan hệ khác nhau”.
Điều này đã phần nào lý giải cho tình trạng tội phạm ngày càng trẻ hóa và phương thức gây án ngày càng nguy hiểm khiến nhiều người phải rùng mình khi đối tượng gây án đều bất chấp hậu quả, luân thường đạo lý. Trong những năm gần đây, các vụ án do trẻ vị thành niên gây ra đa phần đều xuất phát từ nguyên nhân đối tượng gây án bị ảnh hưởng quá nhiều bởi “thế giới ảo” của game online. Hành vi phạm tội của các đối tượng trong độ tuổi HS-SV cũng rất đa dạng, phức tạp. Nhiều vụ nữ sinh đánh nhau, dùng điện thoại quay lại clip rồi đưa lên mạng đã đặt ra vấn đề đáng suy ngẫm về tình trạng bạo lực học đường.
Gia đình, nhà trường phải là lá chắn
Nhà trường, gia đình phải là lá chắn để ngăn chặn những hành vi mang tính tiêu cực cho các em. Cuộc sống hiện đại càng cần phải dành nhiều thời gian để các em có cơ hội được trò chuyện với thầy cô, ba mẹ, giúp các em có cơ hội được chia sẻ cảm xúc, thể hiện tình cảm với những người mình yêu thương.
Nhiều phụ huynh vì mải mê với việc kiếm tiền mà không có thời gian quan tâm, tìm hiểu những suy nghĩ, tình cảm của con mình. Họ sắm điện thoại, iPad cho con mà quên mất việc lắng nghe tiếng nói của con mới là điều cần thiết như thế nào. Chị Bùi Thúy Lan (ngụ Q.10, TP.HCM) chia sẻ: “Con trai tôi nghiện game online vào năm cháu học lớp 10 khi vợ chồng tôi bận nhiều việc nên không có thời gian để mắt đến học tập, sinh hoạt của cháu. Gia đình đã phải mất một thời gian để giúp cháu cai nghiện. Lúc nào tôi cũng có tâm lý lo sợ cháu lại bị bạn bè rủ rê, lôi kéo vì chỉ cần bước ra khỏi nhà là đã có thể gặp một tiệm để chơi game online”. Đó cũng chính là tâm trạng của rất nhiều phụ huynh khi có con cái trong độ tuổi vị thành niên. Khi thông tư số 23/2013/TT-BTTTT ngày 24-12-2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về “Quản lý điểm truy cập internet công cộng và điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng” được ban hành, việc quản lý hoạt động của các cửa hàng kinh doanh game online đã được siết chặt hơn trước. Tuy nhiên, để giáo dục trẻ vị thành niên không bị ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực của game online thì cần phải có sự phối hợp từ phía gia đình, nhà trường.
Nhiều chuyên gia tâm lý học đã chỉ ra nguyên nhân một phần xuất phát từ những trò chơi bạo lực của game. Tốc độ lan truyền nhanh chóng của internet, mạng xã hội càng làm thông tin được lan truyền một cách chóng mặt. Theo TS. Nguyễn Ánh Hồng, nguyên Trưởng khoa Giáo dục, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM: “Gia đình, nhà trường không nên phê phán, nghiêm cấm HS chơi game mà nên nắm bắt được tâm lý HS, giúp HS nhận ra việc chơi game có tác dụng như thế nào về mặt phát triển tư duy, rèn luyện độ nhạy bén. Đồng thời phải chỉ rõ nếu các em chơi quá giới hạn thì sẽ có những tác dụng ngược như thế nào. Khi có thời gian, phụ huynh nên cùng chơi game với con để gắn chặt thêm tình cảm gia đình”.
Yên Hà
TS.BS Trần Anh Tuấn – Trưởng khoa Tai mũi họng, Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM – cảnh báo: “Việc nghe điện thoại di động với cường độ nhiều sẽ làm suy giảm thính lực, ảnh hưởng đến não và hệ thần kinh. Bức xạ điện thoại di động còn có khả năng gây bệnh ung thư cho con người”. 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)