Với kính viễn vọng vô tuyến lớn nhất thế giới, Trung Quốc có thể là nước đầu tiên phát hiện người ngoài hành tinh.
Trung Quốc đang chú trọng phát triển khoa học vũ trụ, trong đó có việc xây dựng và đưa kính viễn vọng vô tuyến lớn nhất thế giới đi vào hoạt động, theo Newsweek.
Trung Quốc đầu tư rất mạnh cho nghiên cứu khoa học, nhất là từ những năm 1980, theo nhà nghiên cứu Ross Andersen, biên tập viên chuyên mục khoa học công nghệ của tạp chí Atlantic.
Trung Quốc hợp tác với Cơ quan Vũ trụ Châu Âu để xây dựng căn cứ trên Mặt Trăng.
Nước này cũng gặt hái được nhiều thành tựu khoa học vũ trụ trong thế kỷ 21. Năm 2003, Trung Quốc thành công lần đầu tiên đưa người lên vũ trụ. Tháng 9/2011, trạm Thiên Cung 1, trạm vũ trụ có người lái đầu tiên của Trung Quốc, được phóng lên quỹ đạo và kết thúc nhiệm vụ vào tháng 3 năm ngoái.
Cuộc chạy đua phát triển khoa học vũ trụ của Trung Quốc đạt được bước đột phá mới khi nước này hoàn tất xây dựng kính viễn vọng vô tuyến lớn nhất thế giới,Kính viễn vọng Hình cầu Khẩu độ 500m (FAST) ở vùng lòng chảo đá vôi thuộc huyện Bình Đường, tỉnh Quý Châu năm 2016.
Khác với trạm vô tuyến thông thường chỉ thu tín hiệu từ các trạm trên Trái Đất, kính viễn vọng vô tuyến tìm kiếm những tín hiệu ngoài vũ trụ. Tín hiệu vô tuyến không nhất thiết đến từ người ngoài Trái Đất, mà các hành tinh và ngôi sao trong vũ trụ cũng có thể phát ra tín hiệu vô tuyến, dù cường độ rất yếu.
"Chiếc kính viễn vọng mới nhất của Trung Quốc có thể quan sát nhanh hơn và xa hơn mọi thiết bị tìm kiếm dạng sống thông minh ngoài vũ trụ ra đời trước nó", Douglas Vakoch, người đứng đầu dự án Gửi thông điệp đến trí tuệ ngoài hành tinh (METI), cho biết.
Không dừng lại ở kính viễn vọng vô tuyến lớn nhất thế giới, Trung Quốc còn dự định đặt một trạm vô tuyến ở nửa tối của Mặt Trăng, tức là nửa không hướng về Trái Đất. Nước này cũng hợp tác với Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) lập kế hoạch xây dựng một căn cứ có người ở trên Mặt Trăng.
Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13 do Trung Quốc đề ra hồi tháng 3 năm ngoái và có hiệu lực đến năm 2020, chi tiêu cho hoạt động nghiên cứu và phát triển tăng lên 1,2 nghìn tỷ USD, chiếm ít nhất 2,5% GDP giai đoạn này. Khám phá vũ trụ là một trong số những ưu tiên đối với chi tiêu cho khoa học, theo Science.
Không chỉ Trung Quốc, Dự án Tìm kiếm trí thông minh ngoài hành tinh (SETI)của Mỹ cũng tiến hành nhiều hoạt động nhằm phát hiện sự sống ngoài Trái Đất. SETI từng sử dụng kính viễn vọng Arecibo ở Puerto Rico, kính viễn vọng lớn nhất thế giới trước khi FAST ra đời với tầm quan sát lớn gần gấp đôi.
HT (theo khoahoc.tv)
Bình luận (0)