Nếu như trước đây, học sinh, sinh viên đoạt Huy chương Vàng Olympic quốc tế chỉ có mức thưởng là 15.000.000 đồng, thì nay có thể sẽ được tăng tới hơn 4 lần lên thành 65.000.000 đồng, tương đương với 50 lần lương tối thiểu chung năm 2017.
Đoàn học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Toán Quốc tế năm 2017 đạt được kết quả cao nhất trong lịch sử 43 lần dự thi Olympic Toán Quốc tế của Việt Nam với 4 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ. |
HS-SV đoạt giải khu vực quốc tế được thưởng như sau: HCV khu vực bằng 33 lần mức lương tối thiểu chung (khoảng 42.900.000 đồng). HCB khu vực bằng 22 lần mức lương tối thiểu chung (khoảng 28.600.000 đồng); HCĐ khu vực bằng 12 lần mức lương tối thiểu chung (khoảng 15.600.000 đồng); Khuyến khích khu vực bằng 05 lần mức lương tối thiểu chung (khoảng 5.200.000 đồng).
HS-SV đoạt giải quốc gia được thưởng như sau: Giải Nhất bằng 4 lần lương tối thiểu chung (khoảng 5.200.000 đồng). Giải Nhì bằng 2,5 lần lương tối thiểu chung (khoảng 3.250.000 đồng). Giải Ba bằng 1, 5 lần lương tối thiểu chung (khoảng 1.950.000 đồng).
Nếu Dự thảo Nghị định được thông qua, đây sẽ là bước thay đổi lớn về mức thưởng bởi suốt 15 năm qua, mức thưởng cho các HS-SV đạt thành tích đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế, kỹ năng nghề quốc gia, quốc tế dựa trên Quyết định số 158/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 15/11/2002 lấy căn cứ tính là chỉ số lương tối thiểu tại thời điểm năm 2002 là 210.000 đồng. Với cách tính này, mức thưởng đối với học sinh đoạt HCV quốc tế là 15.000.000 đồng, bằng 70 lần mức lương tối thiểu; HCV khu vực quốc tế là 10.000.000 đồng, bằng 47 lần mức lương tối thiểu và các học sinh đoạt giải Nhất các cuộc thi học sinh giỏi cấp quốc gia chỉ nhận được 1.000.000 đồng, gấp gần 5 lần mức lương tối thiểu chung.
Như vậy, việc áp dụng với mức lương tối thiểu năm 2017 là 1.300.000 như Dự thảo Nghị định sẽ đảm bảo sự ổn định lâu dài của chính sách, thực hiện nguyên tắc khen thưởng: kết hợp chặt chẽ động viên tinh thần với khuyến khích bằng lợi ích vật chất.
Theo báo cáo đánh giá tác động của chính sách, mức thưởng được nêu trong Dự thảo Nghị định tác động tích cực lên các chính sách kinh tế khi bình quân tổng số tiền thưởng chi hàng năm khoảng 5 tỷ đồng (chiếm khoảng 30% tổng kinh phí khen thưởng của Bộ GD-ĐT), tăng 4 lần so với mức thưởng cũ là phù hợp mức tăng chung quy định tại Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ.
Về hình thức khen thưởng, dự thảo đề xuất bổ sung hình thức khen thưởng đối với các HS-SV đạt được thành tích đặc biệt xuất sắc. Cụ thể HS-SV đoạt HCV quốc tế 2 năm liên tục được nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
HS-SV đoạt 1 HCV quốc tế và 1 HCV khu vực trong một năm; hoặc trong 2 năm liên tiếp đoạt 1 HCV quốc tế và 1 HCB quốc tế; hoặc trong 2 năm liên tiếp đoạt 1 HCV quốc tế và 1 HCV khu vực sẽ được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì.
Huân chương Lao động hạng Ba tặng cho HS-SV đoạt HCV quốc tế, HCB quốc tế và HCV khu vực.
HS-SV đoạt HCB quốc tế, HCĐ quốc tế, HCV khu vực, HCB khu vực sẽ được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Đáng chú ý, dưới sự đóng góp của nhiều Bộ, ngành, Bộ GD-ĐT đã đề xuất việc mở rộng đối tượng khen thưởng. Trước đây, Quyết định 158 chỉ quy định khen thưởng đối với các HS-SV đoạt giải trong các kỳ thi học sinh, sinh viên giỏi, Olympic quốc gia, Olympic quốc tế, kỹ năng nghề quốc gia, kỹ năng nghề quốc tế do Bộ GD-ĐT và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức, chỉ đạo. Dự thảo Nghị định mới đề xuất mở rộng đối tượng khen thưởng HS-SV đoạt giải tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia, quốc tế.
Việc mở rộng đối tượng khen thưởng nhằm đáp ứng yêu cầu hiện nay của giáo dục, đào tạo cần gắn với thực tiễn và hội nhập, đảm bảo HS-SV đạt được thành tích cao trong các môn học hay nghiên cứu khoa học đều được khen thưởng, khuyến khích HS-SV tích cực học tập và nghiên cứu khoa học.
Đơn cử trong 2 năm 2016-2017, học sinh Việt Nam đã tham gia thi và đoạt giải các môn Thiên văn học và khoa học kỹ thuật quốc tế. Tuy nhiên, việc khen thưởng học sinh đoạt giải những môn này hiện nay chưa có trong quy định của Quyết định số 158.
Việc trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định được cho là sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác khen thưởng đối với học sinh, sinh viên đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế góp phần đổi mới căn bản toàn diện giáo dục Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo Nghị quyết của Đảng, đáp ứng yêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ đổi mới đồng thời cũng là thể hiện sự quan tâm to lớn của Đảng, Nhà nước và của toàn xã hội đối với sự nghiệp giáo dục.
Để đảm bảo sự kế thừa Quyết định số 158, Nghị định này chỉ quy định chế độ khen thưởng đối với học sinh, sinh viên đoạt giải quốc gia, quốc tế, kỹ năng nghề cấp quốc gia, quốc tế. Đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy, bồi dưỡng HS-SV giỏi quốc gia, quốc tế việc khen thưởng được quy định tại Thông tư hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng của ngành; nhà giáo được ưu tiên khi xét tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú theo quy định tại Nghị định số 27/2015/NĐ-CP (bồi dưỡng 1 HSG quốc gia hoặc HSG quốc tế đoạt giải nhất, nhì, ba được tính là có 1 sáng kiến khi xét tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú). |
Bình luận (0)