Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Bức xúc vì ô nhiễm môi trường

Tạp Chí Giáo Dục

ĐB phát biểu trong ngày làm việc thứ 3 kỳ họp thứ 14 HĐND TP.HCM khóa VIII
Hôm nay (ngày 11-7), kỳ họp thứ 14 HĐND TP.HCM khóa VIII sẽ bế mạc. Trước đó, trong ngày làm việc thứ 3 của kỳ họp, các đại biểu (ĐB) đã đặt ra nhiều vấn đề mà người dân vô cùng bức xúc, điển hình như vấn đề ô nhiễm môi trường, khu dân cư mới không có đường đi, không có nước sinh hoạt…
“Tôn còn mục nói chi phổi con người”
ĐB Lê Minh Đức cho biết: Khi tiếp xúc với cử tri, nhiều cử tri ở KP.4 và KP.5, P.Đông Hưng Thuận, Q.12 không giấu nổi bức xúc bởi họ đang phải sống trong ô nhiễm. Nhiều cơ sở sản xuất vải, giấy ở đây đã xả nước chưa qua xử lý trực tiếp ra kênh Tham Lương khiến cho dòng kênh chuyển màu đen, nước sủi bọt. Không những vậy, nhiều cơ sở sản xuất còn sử dụng vỏ hạt điều để đun nấu khiến bụi bay khắp nơi…
Tình trạng khốn đốn vì môi trường sống bị ô nhiễm cũng xảy ra ở rất nhiều quận, huyện khác. Đơn cử như ở H.Củ Chi, theo ĐB Võ Văn Tân thì: “Ở xã Phạm Văn Cội có Công ty CP Vật tư tổng hợp & Phân bón hóa sinh gây ô nhiễm. Mặc dù đã có chỉ đạo là công ty phải đối thoại với dân cư ở tổ 33, 34 xã Phạm Văn Cội nhưng công ty không chịu. Còn bãi rác Phước Hiệp thì gây mùi hôi thối dữ dội, đứng cách bãi rác 4-5km vẫn còn thấy mùi hôi. Người dân ở xã Thái Mỹ thì bức xúc vì nước thải trong KCN Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh) đã xả thẳng ra môi trường. Hậu quả là nước ở các kênh rạch đen ngòm, bốc mùi hôi thối…”.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – Chủ tịch HĐND TP – cũng tâm tư: “Hiện nay trên địa bàn TP vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất xen cài trong khu dân cư gây ô nhiễm rất đáng lo ngại. Tiếp xúc cử tri, tôi được biết các cơ sở sản xuất ở Q.9 xả thải sang Q.Thủ Đức; còn ở Q.2 thì bà con phản ánh cơ sở kinh doanh đá, trong quá trình cưa đá gây ô nhiễm môi trường (bụi, tiếng ồn…). Đặc biệt, xem thời sự trên HTV thấy cảnh mái tôn nhà dân ở khu vực Công ty CP Vật tư tổng hợp & Phân bón hóa sinh bị mục. Ngay cả tôn còn mục, nói chi là lá phổi của người dân…”.
Bà Đặng Thị Hồng Liên – Chủ tịch UBND Q.9 – cũng thừa nhận: Trong quá trình đi kiểm tra và xử lý các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trong khu dân cư được người dân cho biết mái tôn của nhà dân thường xuyên bị gỉ sét, cứ 2 năm lại phải thay một lần…
Xử lý kiểu “giơ cao đánh khẽ”
Trả lời chất vấn của các ĐB về vấn đề ô nhiễm môi trường, ông Đào Anh Kiệt – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP – cho biết: Từ nhiều năm nay, UBND TP đã có quyết định di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra xa khu dân cư. Những cơ sở này phải di dời vào các KCN, KCX, nếu không thực hiện sẽ xử nghiêm…
Riêng vụ ở P.Đông Hưng Thuận, ông Lê Mạnh Hà – Phó chủ tịch UBND TP – cũng cho biết là UBND TP đã chỉ đạo Q.12 giải quyết. Vậy, “Q.12 đã giải quyết như thế nào?”, ông Hà đặt vấn đề.
Trả lời câu hỏi này, đại diện UBND Q.12 cho biết: “Q.12 có 25 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, theo chỉ đạo của UBND TP, UBND quận đã mời các chủ cơ sở này lên làm việc và đề nghị di dời tới KCN Phước Đông, tỉnh Tây Ninh. Nếu các cơ sở không chấp thuận sẽ bị rút giấy phép hoạt động…”.
Nói thì nói vậy, nhưng đến nay những cơ sở gây ô nhiễm môi trường không chỉ riêng Q.12 mà nhiều quận, huyện khác vẫn “ung dung” tồn tại trong khu dân cư. Và mỗi ngày những người dân sống ở khu vực này vẫn phải chịu đựng sự ô nhiễm…
Xung quanh bức xúc của bà con ở gần khu vực bãi rác Phước Hiệp, H.Củ Chi, ông Nguyễn Hữu Tín – Phó chủ tịch UBND TP – cho biết: “Do sự đầu tư không đồng bộ ở khu liên hiệp xử lý rác Phước Hiệp nên đã xảy ra sự cố lún sụt, từ đó gây mùi hôi thối. Chúng tôi đã tới bãi rác để nắm tình hình. Cuối năm nay sẽ chấm dứt chôn lấp rác ở đây. Rác của TP sẽ chuyển về khu liên hiệp xử lý rác Đa Phước (H.Bình Chánh). Sau năm 2020, rác sẽ chuyển hết về Long An để xử lý. Hiện TP.HCM đã làm việc với tỉnh Long An để xây dựng một khu liên hiệp xử lý rác ở đây…”.
Còn vụ xả nước ở KCN Trảng Bàng, Tây Ninh, ông Kiệt – cho biết, đã lập đoàn kiểm tra tiến hành đo đạc. Qua đó phát hiện trong nước có những thông số không an toàn. TP cũng đã làm việc với tỉnh Tây Ninh về vấn đề này, được biết trong KCN Trảng Bàng có một số doanh nghiệp không thực hiện việc xử lý nước trước khi thải ra môi trường. Những doanh nghiệp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định…
Bài, ảnh: Hòa Triều
 
Bức xúc vì ăn “bánh vẽ”
Bên cạnh vấn đề ô nhiễm môi trường, các ĐB còn phản ánh tới các cơ quan chức năng những bức xúc của người dân về nơi ăn, chốn ở tại các khu dân cư mới…
“Người dân ở khu dân cư Văn Lang (H.Bình Chánh) nói là họ đã bị lừa. Khi mua nhà, mua đất ở đây thì chủ đầu tư đưa bản vẽ ra nói là có đường giao thông thuận tiện nhưng khi dân đến ở mới phát hiện không có đường đi vào khu dân cư. Hiện nay dân cư đang phải đi nhờ đường của một dự án khác, đường này không có đèn nên buổi tối rất nguy hiểm. Còn vỉa hè trong khu dân cư làm bằng xi măng trộn cát nên bị bong tróc rất nhiều, lau sậy mọc um tùm, ruồi muỗi phát sinh nhiều gây ô nhiễm. Không những vậy, nhà ở đây còn không có số, phố không có tên nên mỗi khi muốn giao dịch rất khó khăn. Còn nước sinh hoạt, giá 10.000đ/m3 nhưng không phải là nước máy mà là nước giếng khoan”, ĐB Nguyễn Văn Tùng bức xúc.
“Không riêng gì dự án khu dân cư Văn Lang mà còn nhiều dự án khác cũng không thực hiện đúng như thiết kế ban đầu. Có dự án ở Q.Thủ Đức, mặc dù khi bán nhà đã nói với người mua là có nước máy nhưng dân tới ở thì không có. Có những dự án giới thiệu có hạ tầng cơ sở tốt nhưng trên thực tế thì không phải vậy”, bà Tâm cho biết thêm.
Về vấn đề này, ông Trần Trọng Tuấn – Giám đốc Sở Xây dựng TP – cho biết: “Đối với những sai phạm của khu dân cư Văn Lang, Sở Xây dựng và UBND H.Bình Chánh đã và đang  kiểm tra và xử phạt theo quy định. Đồng thời, từ vụ việc này, theo chỉ đạo của UBND TP, Sở Xây dựng và các bên liên quan đã tiến hành kiểm tra và xử lý nhiều dự án khác. Từ nay, nếu các dự án khu dân cư, chung cư không đảm bảo cơ sở hạ tầng như thiết kế ban đầu thì sẽ bị xử lý”…
“Đề nghị UBND TP chỉ đạo ráo riết hơn nữa việc kiểm tra thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng tại các khu dân cư, đô thị mới nhằm đảm bảo sinh hoạt của người dân ở đây”, bà Tâm đề nghị.
K.Anh
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)