Hà Lan, Canada, Mỹ, Đan Mạch, Úc, Hàn Quốc… là những nước có mức đãi ngộ hậu hĩnh với giáo viên. Nhưng nước nào "hào phóng" số 1?
Chị Helen Brannigan, một giáo viên tiểu học tình nguyện người Anh, dạy tiếng Anh tại một lớp học cho trẻ em tị nạn trên đảo Chios, Hi Lạp – Ảnh: Reuters
Giáo viên Hà Lan hiện đang thuộc nhóm các giáo viên được trả lương cao nhất thế giới. Với 36 giờ làm việc mỗi tuần, mức lương trung bình theo năm của họ là 67.000 USD.
Với mức lương mà tạp chí The Economist đánh giá là "hào phóng đặc biệt" này, Hà Lan quả là "miền đất hứa" với nhiều nhà sư phạm.
Cùng với Hà Lan thì Canada, Mỹ, Đan Mạch, Úc, Hàn Quốc cũng là những nước có mức đãi ngộ hậu hĩnh với giáo viên khi mức lương giáo viên trung bình của họ dao động trong khoảng 50.000 – 70.000 USD/năm, các giáo viên có từ 15 năm kinh nghiệm trở lên mức lương sẽ còn cao hơn nữa.
Bức tranh đa sắc
Theo Đài BBC (Anh), nhìn về đại thể, khảo sát mới nhất về tình hình giáo dục 2017 vừa công bố hồi tháng 9 của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho thấy mức lương giáo viên tại 35 quốc gia thành viên thuộc tổ chức này có xu hướng tăng lên, trung bình tăng 10% với giáo viên bậc mầm non, 6% với giáo viên bậc tiểu học và trung học cơ sở, và 4% với bậc trung học phổ thông.
Riêng tại Ba Lan, sau chương trình tăng lương cho giáo viên và cải thiện chất lượng giáo dục của chính phủ năm 2007, lương giáo viên tại đây đã tăng 20% ở mọi cấp học mầm non, tiểu học và trung học.
Dẫu thế, bức tranh đãi ngộ nhà giáo không phải chỉ toàn màu hồng tại các nước OECD. Điều này có thể thấy rõ tại Liên hiệp vương quốc Anh và Bắc Ireland. Theo báo Guardian, tại Anh và Scotland, giáo viên hiện vẫn chỉ nhận mức lương thấp hơn mức lương trung bình so với các lao động cùng trình độ tốt nghiệp đại học khác.
Báo cáo thường niên của OECD cho biết Anh là nước có mức chi tiêu cao nhất cho giáo dục, chiếm tới 6,6% GDP (trong khi mức trung bình của OECD là 5,2% GDP), nhưng trong 10 năm qua lương giáo viên Anh đã giảm 12%. Đồng cảnh ngộ, giáo viên ở Hi Lạp đã giảm 28% lương trung bình sau những đợt khủng hoảng kinh tế vừa qua.
Mức lương khác biệt là thế, nhưng thống kê của The Economistcòn chỉ ra sự chênh lệch rất nhiều giữa lương và thời gian làm việc của các giáo viên tại 35 nước thành viên OECD. Việc thu hút nhân lực tài năng, tâm huyết vào ngành giáo dục là thực tế rất khó khăn tại nhiều quốc gia.
Lương thấp là lý do phổ biến, nhất là khi chế độ đãi ngộ thấp lại đi kèm thời gian làm việc quá nhiều. Trên thực tế, tại nhiều nơi, người ta đổ lỗi chất lượng đào tạo học sinh không cao là do các khó khăn trong vấn đề tuyển dụng giáo viên.
Tuy nhiên các dữ liệu thống kê của The Economist lại cho thấy ít nhất xét trên phương diện các kết quả giáo dục, ở đây là kết quả kỳ thi đánh giá chất lượng học sinh PISA, hóa ra mức lương hay thời gian lao động không phải là vấn đề tiên quyết với chất lượng học sinh.
Lương chưa phải tất cả
Nhật Bản và Hàn Quốc là hai nước có học sinh đạt xếp hạng ngang ngửa nhau trong các kỳ thi PISA, xét về lương bổng của giáo viên hai nước là tương đương, nhưng về số giờ lao động lại rất khác. Trong khi một giáo viên Nhật Bản trung bình phải giảng dạy 54 giờ/tuần thì giáo viên Hàn Quốc chỉ phải dạy 37 giờ/tuần.
Trong khi đó, tại Estonia – nơi giáo viên bị hưởng mức lương thấp nhất trong khối OECD, chất lượng học sinh nước này lại cao hơn học sinh tại Hà Lan – nơi giáo viên có mức lương cao gấp 5 lần so với giáo viên Estonia, trong khi số giờ lao động trung bình mỗi tuần của hai bên như nhau.
Ngay cả khi tính tới mức GDP trên đầu người thì Hà Lan vẫn là nước hào phóng một cách "bất bình thường" với giáo viên, còn Estonia lại là nước quá "keo kiệt" với người làm nghề gõ đầu trẻ.
Theo các chuyên gia nghiên cứu của The Economist, so sánh giữa các quốc gia thành viên của OECD có thể thấy rõ sự chênh lệch rất lớn về mức lương cũng như thời gian lao động trung bình mỗi tuần của giáo viên mỗi nước.
Từ đó có thể nói vui rằng những giáo viên muốn có thêm thời gian nghỉ ngơi mà vẫn được nhận lương cao tại khoảng 2/3 số quốc gia trong OECD hãy tìm cơ hội việc làm tại Hà Lan. Tất nhiên trong số đó, sẽ có người phải đối mặt với việc tăng thêm giờ lao động so với yêu cầu tại nước họ.
Các giáo viên Bồ Đào Nha có thể giảm hơn 3 giờ làm việc mỗi ngày nếu họ chuyển tới Ý mặc dù lương của họ chỉ bị giảm 2%. Trong khi đó các giáo viên người Anh, nếu không muốn phải học thêm một ngoại ngữ khác, họ vẫn có cơ hội tăng lương thêm 41% nếu tới Canada, 29% nếu tới Mỹ hoặc 19% nếu tới Úc.
Tuy nhiên, nếu giáo viên nào cân nhắc chuyện tới Canada làm việc sẽ phải chuẩn bị tâm lý làm việc thêm nửa giờ mỗi ngày để tăng thu nhập.
Bình luận (0)