Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Trên 400 giáo viên được phân công nhiệm sở

Tạp Chí Giáo Dục

Giáo viên nhận giấy phân công nhiệm sở

Hôm nay (30-7) và ngày mai (31-7), các giáo viên mới được tuyển dụng năm 2014 sẽ nhận nhiệm sở tại các trường THPT, trung tâm GDTX trên địa bàn TP.HCM.
Trước đó, chiều 29-7, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức Lễ trao giấy giới thiệu phân công nhiệm sở cho 417 giáo viên. Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết giáo viên đều hài lòng với sự phân công của Sở GD-ĐT.
Cầm tờ giấy phân công nhiệm sở về Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3), chị Hồng Ánh xúc động nói: “Tôi không ngờ là mình lại được phân công về một trường tốt như Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai. Trước đó, tôi đăng ký nguyện vọng về Q.3 vì địa bàn này có nhiều trường THPT nên cơ hội trúng tuyển sẽ cao”. Được biết, chị Hồng Ánh tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm I Hà Nội (Khoa Hóa), sau đó học tiếp cao học để lấy bằng thạc sĩ.
Cùng chung cảm xúc, chị Ngọc Hạnh (giáo viên tiếng Anh) chia sẻ: “Tôi được phân công về Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5), trường gần nhà nên rất thuận tiện cho việc đi lại. Trước đây tôi đã dạy kèm cho một số học sinh của trường này nên ít nhiều hiểu về trường và thấy rất vui khi được phân công về đây”.
Trong khi đó, anh Hùng Anh (huyện Cần Giờ) cũng rất mãn nguyện khi mới ra trường đã trở thành viên chức của ngành GD-ĐT TP.HCM. Anh cho biết: “Huyện Cần Giờ có 3 trường THPT nhưng không trường nào có nhu cầu tuyển giáo viên thể dục. Vì vậy tôi đăng ký nguyện vọng ở huyện Nhà Bè. Thật may là tôi đã được phân công về Trường THPT Dương Văn Dương. Nhà tôi ở gần phà Bình Khánh nên qua phà là tới trường ở xã Phú Xuân, rất thuận tiện cho việc đi lại, không cần phải thuê nhà trọ…”.
Việc phân công nhiệm sở theo nguyện vọng của giáo viên đang được Sở GD-ĐT TP.HCM thực hiện rất tốt. Điều đó đã khắc phục được rất nhiều tình trạng giáo viên mới bỏ nhiệm sở như đã từng xảy ra trước đây.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – nhấn mạnh: “Muốn thành công trong nghề dạy học thì người thầy phải biết dạy cho học sinh từ chán học đến ham học, phải biết biến những bài học khô khan, phức tạp thành đơn giản, dễ nhớ. Bên cạnh đó, người thầy phải dạy học sinh biết sáng tạo, có lòng yêu nước, tự tôn dân tộc… Đặc biệt, bằng tấm gương sống của mình, người thầy phải dạy cho các em sống có trách nhiệm với bản thân, với gia đình, với cộng đồng…”.
Cũng theo ông Đạt, mỗi giáo viên cần ghi nhớ 20 điều đối với người thầy. Cụ thể như giáo viên vừa là bạn, vừa là thầy của học sinh; không áp đặt học sinh mà phải dạy cho các em tâm phục, khẩu phục; cố gắng để giờ dạy không khuôn mẫu quá – 10 lớp mà dạy cùng 1 giáo án thì là thợ dạy chứ không phải thầy dạy; giáo viên hãy bước vào lớp với một nụ cười, mọi bực dọc, buồn phiền hãy bỏ ở ngoài cổng trường; coi học sinh là ngọn đuốc cần được thắp sáng thay vì là một cái bình để đổ đầy kiến thức; cần làm cho học sinh thấy việc học là lao động thực sự; hãy xin lỗi học sinh khi thấy mình sai…
Bài, ảnh: Hòa Triều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)