Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Mổ xẻ khía cạnh pháp lý về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981

Tạp Chí Giáo Dục

Hội thảo quốc tế “Những khía cạnh pháp lý liên quan đến sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam” do Hội Luật gia Việt Nam phối hợp Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức ngày 26-7 đã thu hút 50 học giả tham dự. Đây là những chuyên gia có uy tín lớn về Luật Quốc tế nói chung, Luật Biển quốc tế nói riêng thuộc các nước: Mỹ, Nga, Thụy Sĩ, Ý, Ba Lan, Thái Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia…
Theo các đại biểu, dù từ ngày 15-7, giàn khoan Hải Dương 981 đã được di dời khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam nhưng hành động này đã tạo ra một tiền lệ xấu trong quan hệ pháp lý quốc tế. Vì vậy, diễn đàn lần này là dịp để các đại biểu phân tích, thảo luận, thể hiện quan điểm làm sáng tỏ các vấn đề pháp lý của sự kiện trên dưới góc nhìn của luật pháp quốc tế.
Các hội thảo về biển Đông trước đây thường có phạm vi rộng, đề cập nhiều vấn đề về lịch sử, mối quan hệ tương tác giữa các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông, an ninh, an toàn hàng hải, hợp tác kinh tế – thương mại giữa các nước khu vực và thế giới, quản lý tranh chấp, xung đột ở biển Đông… Điểm khác biệt ở hội thảo lần này là chỉ tập trung lĩnh vực pháp lý của sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam dưới góc độ pháp luật quốc tế. Đặc biệt, học giả đến từ các nước đã sử dụng biện pháp pháp lý để giải quyết tranh chấp như Indonesia, Thái Lan, Hàn Quốc… đã chia sẻ kinh nghiệm giải quyết tranh chấp.
Với 3 phiên thảo luận, hội thảo tập trung vào 3 chủ đề gồm: Luật Quốc tế và sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp chính trị ngoại giao trong pháp luật quốc tế; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp pháp lý trong Luật Quốc tế.
Cũng trong hai ngày 25 và 26-7, Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã tổ chức hội thảo quốc tế về biển Đông, tập trung bàn về chính sách quản lý xung đột và giải quyết tranh chấp theo luật lệ quốc tế, phương thức quản lý xung đột bằng con đường ngoại giao, ôn hòa…
Mê Tâm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)