Nhà vệ sinh không hợp vệ sinh ngay sát giường ngủ đã khiến một người trong gia đình tử vong do tiêu chảy (ảnh chụp tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh) |
Trước tình hình dịch bệnh trong nước cũng như trên thế giới ngày càng diễn biến phức tạp, chiều 6-8, Bộ Y tế đã tổ chức giao ban trực tuyến về công tác phòng chống dịch bệnh. Tại đây, các chuyên gia y tế đã công bố nhiều con số rất đáng lo ngại…
5 triệu người phóng uế ra môi trường
Môi trường bị ô nhiễm là nguyên nhân của rất nhiều dịch bệnh, trong đó điển hình là các bệnh về đường tiêu hóa. Và thật đáng buồn khi môi trường của nước ta đang bị ô nhiễm.
Ông Nguyễn Huy Nga – Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế – cho biết: “Mặc dù Việt Nam đã cam kết là đến năm 2025 sẽ chấm dứt tình trạng phóng uế ra môi trường. Nhưng hiện nay vẫn còn khoảng 5 triệu người đang hàng ngày phóng uế trực tiếp ra môi trường. Trong đó có 6 tỉnh (Lạng Sơn, Lai Châu, Điện Biên, Trà Vinh, Gia Lai, Vĩnh Long) có trên 60% hộ gia đình sử dụng nhà tiêu không đảm bảo vệ sinh, 22 tỉnh có tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh dưới 50%. Đặc biệt, còn 5% hộ gia đình (ở vùng núi, Tây Nguyên, vùng duyên hải Bắc Trung bộ) chưa có nhà tiêu và 12% hộ gia đình sử dụng nhà cầu tiêu ao cá (chủ yếu tập trung ở phía Nam, đồng bằng sông Cửu Long)”.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế – bức xúc: “Để chấm dứt tình trạng phóng uế bừa bãi, xóa cầu tiêu ao cá, cần phải làm nhà tiêu 2 ngăn. Tuy nhiên, đi thực tế tại nhiều nơi, tôi phát hiện vật liệu làm nhà vệ sinh vứt lăn lóc ở UBND xã, dân không chịu làm. Cần phải gắn việc làm nhà vệ sinh hợp vệ sinh với chương trình xây dựng nông thôn mới, dân không sử dụng nhà tiêu 2 ngăn thì không thể là xã nông thôn mới được”.
Hậu quả trước mắt của việc phóng uế bừa bãi, nhất là ở nông thôn đã được thể hiện rất rõ ở kết quả kiểm tra chất lượng nước. Ông Nga, cho biết thêm: “Chỉ có 43% mẫu nước sinh hoạt và ăn uống ở nông thôn đạt tiêu chuẩn, còn lại đều nhiễm vi khuẩn, tạp chất… Ngân sách đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng để xây dựng các trạm cấp nước nông thôn, tuy nhiên có tới 40% công trình hoạt động kém hiệu quả, thậm chí là không hoạt động”.
Không chỉ nguồn nước ở nông thôn mới ô nhiễm mà ngay cả ở thành thị như TP.HCM, Hà Nội cũng không đạt chỉ tiêu hóa sinh, vi sinh… Ông Phan Trọng Lân – Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM – cũng cho biết: “Viện đã lấy mẫu thực phẩm, nước xung quanh khu vực xã Lê Minh Xuân, H.Bình Chánh, TP.HCM (nơi xuất hiện chùm ca bệnh tiêu chảy, trong đó có 1 ca tử vong) xét nghiệm. Kết quả, nước sinh hoạt, nước uống, rau muống nhiễm khuẩn E.Coli EPEC; rau giá, thịt bò nhiễm khuẩn Shigella flexneri; ốc bươu có vi khuẩn V.colera O1 típ huyết thanh Inaba – đây là típ gây bệnh tả ở Việt Nam”…
7 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận 301.570 trường hợp mắc tiêu chảy, trong đó có 3 trường hợp tử vong (Thanh Hóa 1 ca, TP.HCM 2 ca).
Bộ Y tế khuyến cáo, để phòng tránh các dịch bệnh, nhất là bệnh về đường tiêu hóa có hiệu quả người dân cần ăn chín, uống sôi, giữ gìn vệ sinh môi trường sạch sẽ…
2 người mắc thì có hơn 1 người tử vong
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ đầu năm đến ngày 1-8, trên thế giới ghi nhận 1.603 ca mắc bệnh do virus Ebola, trong đó có 887 ca tử vong. Số ca mắc và tử vong phân bố tại các quốc gia: Guinea, Liberia, Nigeria và Sierra Leone. Bệnh được lây từ động vật như dơi ăn quả, tinh tinh, khỉ đột, chuột, linh dương, nhím, khỉ sang người. Ngoài ra, bệnh còn lây từ người sang người – do người lành tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với da, niêm mạc bị tổn thương, dịch tiết cơ thể của người nhiễm bệnh. Hiện đã có trên 200 cán bộ y tế nhiễm bệnh trong quá trình điều trị cho bệnh nhân.
Nhận định tình hình dịch bệnh trên thế giới, đại diện WHO khẳng định: “Đây là vụ dịch lớn nhất của căn bệnh này trong lịch sử gần 4 thập kỷ qua. Dịch lan truyền nhanh, nếu không nỗ lực kiểm soát, phòng chống thì tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn – nhiều sinh mạng sẽ bị cướp đi và nguy cơ dịch lan truyền sang các nước khác”.
Còn tại Việt Nam, PGS.TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế – nhận định: “Dịch bệnh do virus Ebola rất nguy hiểm, bệnh có khả năng lây lan nhanh do bản chất nguy hiểm của virus. Dịch bệnh có thể xâm nhập vào nước ta thông qua việc công dân Việt Nam đi công tác, lao động, học tập trở về từ vùng có dịch; công dân từ các quốc gia có dịch nhập cảnh Việt Nam; người thân, nhân viên y tế chăm sóc, điều trị, tiếp xúc gần với người nhiễm, nghi nhiễm virus Ebola; người tiếp xúc với động vật chết do nhiễm, nghi nhiễm virus Ebola”.
Nhằm ngăn chặn bệnh do virus Ebola lan truyền vào Việt Nam, bắt đầu từ 0 giờ ngày 15-8, tại tất cả các cửa khẩu quốc tế trên toàn quốc, những hành khách đi trên các chuyến bay từ vùng đang có dịch đều phải khai báo y tế. Những hành khách có triệu chứng sốt cao kéo dài, đau đầu, đau cơ vùng bụng và ngực, viêm họng, nôn hoặc buồn nôn, tiêu chảy cấp, xuất huyết da niêm mạc phải đưa vào khu vực cách ly để khám sàng lọc… Đồng thời, ngành y tế các địa phương thực hiện tốt giám sát tại cộng đồng và cơ sở y tế; tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân tại các bệnh viện có đủ điều kiện, đảm bảo tránh lây lan và hạn chế tối đa tử vong.
Bài, ảnh: Hòa Triều
Bình luận (0)