Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tuyển sinh 2015: Bao nhiêu nguyện vọng là đủ?

Tạp Chí Giáo Dục

Thí sinh thi vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM năm 2014. Ảnh: M.Tâm

Thí sinh (TS) sẽ có bao nhiêu nguyện vọng (NV) trong mùa tuyển sinh 2015? Đó không chỉ là câu hỏi đối với TS mà còn đối với cả các trường ĐH, CĐ. Bởi với các trường tốp trên, có lẽ chỉ cần tuyển NV1 là xong, nhưng các trường tốp trung, tốp dưới nhất là các trường ngoài công lập thì phải tuyển bao nhiêu NV là hợp lý?
Có thể đến 9 NV
Năm 2015 TS muốn vào ĐH không phải đăng ký dự thi từ trước khi kỳ thi diễn ra như mọi năm mà khi thi xong biết điểm mới lựa chọn vào trường ĐH, CĐ phù hợp (giống như xét NV2, NV3 hiện nay). Với quy định có lợi cho TS, nhiều người lo rằng các trường ĐH, CĐ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong tuyển sinh vì tỷ lệ ảo sẽ lớn. Có nhiều nguyên nhân được các trường đưa ra như: TS biết điểm rồi mới đăng ký xét tuyển nên sẽ có nhiều lựa chọn hơn. Thứ hai, năm 2015 có nhiều tổ hợp môn xét tuyển hơn nên TS có nhiều cơ hội hơn. Cơ hội của TS không chỉ đối với nhiều trường mà còn đối với nhiều ngành trong trường. Trước những băn khoăn này, PGS.TS Lê Hữu Lập, Phó giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho rằng để chống ảo, cách tốt nhất là nâng cao thương hiệu của mỗi trường. Chỉ có thế mới tuyển được những TS đúng ý của mình. Tuy nhiên, PGS. Lập khẳng định, trong năm 2015, những trường từ tốp trung, tốp giữa trở xuống là sẽ gặp khó khăn trong tuyển sinh. Nếu không cẩn thận, tính toán kỹ lưỡng, các trường tốp này dễ bị “ăn quả tưởng” với những TS điểm cao. Vì những TS điểm cao thường sẽ đỗ các trường tốp trên, nên nếu có nộp hồ sơ vào trường thì có thể cũng chỉ là cơ hội phòng thân. Chính vì vậy, theo PGS. Lê Hữu Lập, các trường cần phải tính toán cẩn thận. Bộ GD-ĐT cũng dự kiến mỗi TS có thể có từ 6-9 NV nhưng PGS. Lập cho rằng chỉ cần 3 NV là đủ. Đồng quan điểm này, tiến sĩ Trần Đức Quý, Hiệu trưởng ĐH Công nghiệp Hà Nội cho rằng Bộ GD-ĐT và các trường ĐH phải lựa chọn phần khó về mình và để cho các em học sinh có nhiều cơ hội để xét tuyển vào các trường ĐH. Tiến sĩ Quý đề xuất Bộ GD-ĐT nên cho học sinh 2-3 NV để xét tuyển vào các trường. “Số lượng hồ sơ đông không phải vào các trường tốp 1 mà sẽ vào các trường tốp giữa như ĐH Công nghiệp Hà Nội. Vì vậy, các trường tốp giữa sẽ rất khó khăn trong việc xét tuyển. Tuy nhiên, phải ưu tiên phần dễ cho TS, nhà trường phải nhận phần khó về mình”, tiến sĩ Quý phân tích. Để tránh hồ sơ ảo, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng trong quá trình học, nhà trường và phụ huynh phải hướng nghiệp kỹ lưỡng cho các em học sinh. Khi có kết quả của kỳ thi quốc gia, học sinh tự tính toán để có quyết định chính xác nhất. PGS. Nhĩ cũng đồng ý với quan điểm không để học sinh đăng ký tự do quá nhiều. Ông cho rằng chỉ cần tổ chức 3 đợt đăng ký NV. Mỗi đợt cách nhau nửa tháng. Trong 1 đợt, các TS chỉ được phép đăng ký vào 1 trường mà TS yêu thích.  PGS. Nhĩ cũng đề xuất có thể cho TS đăng ký qua mạng, các trường cũng dễ quản lý hơn và lựa chọn được TS phù hợp hơn.
TS là thượng đế
Ngược với quan điểm của PGS.TS Lê Hữu Lập, PGS.TS Nguyễn Văn Nhã, Hiệu trưởng ĐH Nguyễn Trãi cho rằng không nên quy định số NV đối với TS. Bởi các em phải nộp học phí để học chứ không phải các trường cho không. Nên bao nhiêu NV đó là quyền của TS. Nhiệm vụ của các trường ĐH, CĐ là tìm ra giải pháp chống ảo chứ không phải khống chế số lượng NV của TS. TS phải là thượng đế. Theo PGS. Nhã, trường hay bộ đều không cho TS tiền để đi học. Vậy tại sao lại khống chế NV của TS. Các em có quyền được đăng ký vào ngành, vào trường mình thích, đủ điều kiện. Còn các trường có xét tuyển hay không là việc của các trường.
Trước đó, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT Mai Văn Trinh cho biết quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2015 đang được cục khẩn trương xây dựng, sẽ được ban hành vào đầu năm 2015. Thông tin tuyển sinh của từng trường ĐH-CĐ sẽ được các trường ĐH công bố công khai trên trang tin điện tử của trường. Khi có đầy đủ thông tin, bộ sẽ công bố công khai trên website của bộ. Còn Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết hiện bộ đã nhận được phương án tuyển sinh của hơn 300 trường ĐH. Tuần trước và tuần này Bộ GD-ĐT sẽ bàn về câu chuyện “bếp núc” của quy chế thi tốt nghiệp THPT 2015.
Nghiêm Huê

Bình luận (0)