Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giáo viên văn, sử dạy… giáo dục công dân

Tạp Chí Giáo Dục

Tiết học giáo dục công dân tại Trường THCS Bạch Đằng, Q.3, TP.HCM. Ảnh: A.K

Xem giáo dục công dân (GDCD) là môn phụ nên ai dạy cũng được, nhiều trường phân công cả giáo viên (GV) môn sử, văn… đứng lớp. Đã đến lúc phải tìm cách đưa môn học này thoát khỏi “thân phận” môn phụ, thực sự được người học hứng khởi đón nhận.
Hội thảo “Đổi mới chương trình đào tạo ngành giáo dục chính trị và GDCD” do Trường ĐH Sài Gòn tổ chức cuối tuần qua đã chỉ ra những yếu kém còn tồn tại khiến cho môn GDCD chưa thực sự có chỗ đứng trong người học.
Phận… môn phụ
Qua thực tiễn dạy và học bộ môn GDCD ở một số trường phổ thông, TS. Phan Thị Xuân Yến (Trường ĐH Sài Gòn) đã tập hợp một số ý kiến đánh giá của HS và GV. Cụ thể, ở góc độ người học, một HS lớp 7 (Trường THCS Chu Văn An, Q.1) cho biết, có nhiều bài học khó hiểu, khi kiểm tra các em phải cố học thuộc lòng hết những khái niệm, nhiều lúc cảm thấy chưa cần thiết. Trong khi đó, một GV khác cũng nhìn nhận, nhiều nội dung chương trình chưa phù hợp độ tuổi của HS. Chẳng hạn, HS lớp 7 phải nắm các kiến thức về Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp, bài tập trả lời câu hỏi cần đến cơ quan nào để đăng ký kết hôn… GV này dẫn chứng thêm, HS lớp 10 choáng với nhiều nội dung thuộc phạm trù triết học như thế giới quan duy vật, cách thức vận động và phát triển của sự vật, hiện tượng… “Khi phải tiếp nhận những kiến thức vượt quá lứa tuổi, khó hiểu, mơ hồ, lâu dần HS sẽ cảm thấy chán ngán. Đó là chưa kể tâm lý xem đây là môn phụ, khó tránh khỏi việc HS ngủ gục trong lớp” – một GV khác lý giải.
Vì xem GDCD là môn… phụ, bất kỳ GV nào cũng dạy được nên bấy lâu nay, có nhiều trường phổ thông thường lấy GV văn, sử… có kinh nghiệm đứng lớp lâu năm để giảng dạy. Thậm chí, có trường hợp SV Khoa Khoa học chính trị  (Trường ĐH Cần Thơ) đi thực tập được GV chưa qua chuyên môn như vậy hướng dẫn. Chính SV dở khóc dở cười khi GV này không đồng tình với  kiến thức chuyên ngành mà em được lĩnh hội và thể hiện. TS. Đinh Ngọc Quyên (Trường ĐH Cần Thơ) đề cập thực tế này tại hội thảo.
Đầu vào thấp cũng là một nguyên do khác được TS. Phạm Đào Thịnh (Trường ĐH Sài Gòn) lý giải thêm cho chất lượng mờ nhạt trong hoạt động đào tạo SV mảng GDCD. Theo TS. Thịnh, chính quan điểm GDCD là môn phụ tồn tại bấy lâu nay khiến thí sinh ít quan tâm lựa chọn. Bên cạnh đó, sự liên kết thiếu chặt chẽ giữa các trường ĐH với trường phổ thông trong đào tạo GV GDCD dẫn đến lượng SV được tốt nghiệp nhiều nhưng chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Chương trình GDCD ở trường phổ thông đã có nhiều thay đổi nhưng các môn học liên quan ở các trường ĐH vẫn chưa đổi mới kịp thời. Vẫn còn khá phổ biến SV ra trường lúng túng, thiếu kiến thức chuyên môn, yếu kỹ năng giảng dạy…
Đừng bằng lòng với sự yếu thế
Để GDCD thoát khỏi thân phận “môn phụ”, tạo được một thế đứng mới, nhiều ý kiến cho rằng, nội dung chương trình GDCD cần có sự đổi mới, gắn với hơi thở cuộc sống. GV cần thay đổi phương pháp giảng dạy, đừng tự bằng lòng với sự yếu thế của môn học, để tới mỗi giờ dạy, HS lại hứng khởi đón nhận.
Đại diện khác cũng cho rằng, chương trình dạy cần giảm bớt các khái niệm, phạm trù, thay vào đó tăng cường những bài học kinh nghiệm, mẩu chuyện, bài báo, tin tức… để trước mắt tập trung giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho HS. Sau khi HS đã được chuẩn bị kỹ nền tảng đạo đức, kỹ năng sống, chắc chắn dễ tiếp cận các kiến thức cơ bản như triết học, kinh tế chính trị…
Tăng “chuẩn” đầu vào được TS. Phạm Đào Thịnh xem là một trong những hướng  đưa hoạt động đào tạo SV ngành sư phạm GDCD đi lên. Theo TS. Thịnh, SV ngành sư phạm trong đó có GDCD được miễn học phí, do đó việc đặt yêu cầu cao hơn trong lựa chọn đầu vào cũng là cách tránh lãng phí ngân sách. Bên cạnh đó, vấn đề cấp thiết không kém mà các đại biểu đề cập chính là xây dựng, hoàn thiện đội ngũ cán bộ giảng viên, chuyên gia đầu ngành thuộc lĩnh vực GDCD, đáp ứng yêu cầu đào tạo trong những năm tới. Thực tế, nhiều trường hiện thiếu những giảng viên, chuyên gia đầu ngành thuộc lĩnh vực này. Trong khi đó, các trường còn đối mặt với thực trạng đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm và có chuyên môn sâu lại lớn tuổi, nghỉ hưu. Đội ngũ trẻ, dù đã qua đào tạo hệ thống, bài bản nhưng do thiếu kinh nghiệm, kiến thức thực tiễn, vẫn cần qua nhiều năm mới đáp ứng được.
Mê Tâm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)