Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tài liệu dạy học bậc THCS: Hay nhưng chưa phổ biến

Tạp Chí Giáo Dục

HS Trường THCS Chu Văn An (Q.1) sử dụng Tài liệu dạy học toán do Sở GD-ĐT TP.HCM biên soạn

Tài liệu dạy học vật lý bậc THCS do Sở GD-ĐT TP.HCM biên soạn được các trường sử dụng từ 4 năm nay. Năm học này học sinh (HS) tiếp tục được làm quen ở môn toán và năm học tới dự kiến sẽ biên soạn thêm ở một số môn học khác. Bộ tài liệu này được nhiều chuyên gia đánh giá là sinh động, thiết thực nhưng hiện vẫn chưa thể phổ biến ở tất cả các trường.
Kích thích niềm đam mê học hỏi
Theo đánh giá của nhiều giáo viên (GV) và HS, tài liệu dạy học vật lý có hình ảnh bắt mắt, nội dung tích hợp và bài tập gắn liền với những hoạt động thực tiễn.
Em Bùi Thị Hà Xuyên, HS lớp 6, Trường THCS Hiệp Bình (Q.Thủ Đức) phấn khởi cho biết: “Năm học này em mới bắt đầu làm quen với Tài liệu dạy học vật lý như một cuốn SGK. Những cuốn SGK khác nhà trường vẫn tiếp tục sử dụng của Bộ GD-ĐT nhưng riêng bộ môn vật lý thì có bổ sung thêm cuốn này. Các bạn lớp em rất thích cầm cuốn này học vì có nhiều màu sắc, hình ảnh bắt mắt, các ví dụ đều cụ thể, gắn với thực tế…”.
Năm học 2014-2015, Sở GD-ĐT vừa phát hành thêm Tài liệu dạy học toán lớp 6 tập 1. Cũng giống như mục đích biên soạn môn vật lý, môn toán được biên soạn phù hợp với chuẩn kiến thức, kỹ năng trong chương trình giáo dục phổ thông của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, tài liệu này sớm cập nhật các kiến thức, phương pháp dạy học mới, dùng hình ảnh và bài toán thực tế dẫn dắt HS đến những ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, từ đó kích thích niềm đam mê môn toán của các em. Ngoài ra, tài liệu còn bước đầu thể hiện một cách nhẹ nhàng tinh thần tích hợp trong hoạt động giáo dục là gắn môn toán với các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, phù hợp với định hướng phát triển bền vững như giáo dục bảo vệ môi trường, an toàn giao thông…
Cô Nguyễn Thị Thanh Vân (hiện là GV dạy môn toán lớp 6, Trường THCS Chu Văn An, Q.1) phân tích: “Về hình thức, tài liệu dạy học môn toán rất đẹp, có nhiều hình ảnh trực quan, thực tế nên thu hút HS như hình ảnh GS. Ngô Bảo Châu, cầu Mỹ Thuận… trong đó có ghi rõ các mốc thời gian để nói về dấu hiệu chia hết cho 2. Các bài tập có nhiều phần hay để kích thích sự hứng thú của HS như Thử tài bạn, bạn nào làm đúng?… Ngoài ra, nội dung bài học còn có tính tích hợp như bài lũy thừa liên hệ với môn nhạc khi đưa ra các nốt nhạc, bài nhân lũy thừa liên hệ với môn sinh về sự phân chia tế bào…”.
Mặc dù những tài liệu dạy học này đều rất hay nhưng không phải bất cứ trường nào cũng áp dụng và không phải bất cứ HS nào trên địa bàn TP.HCM cũng có trong tay để tăng cường khả năng tự học ở nhà.
Phát hành còn giới hạn
Mặc dù cuốn Tài liệu dạy học vật lý đã biên soạn từ 4 năm nay nhưng hiện đưa vào giảng dạy chủ yếu ở trường THCS thuộc các quận như Tân Phú, Q.1, Q.10. Các quận còn lại hầu hết GV chỉ tham khảo, HS sử dụng cuốn của Bộ GD-ĐT.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Với bộ tài liệu này, Sở GD-ĐT không bắt buộc các trường phải sử dụng thay thế hoàn toàn SGK mà tùy theo điều kiện từng trường để GV, HS tham khảo, sử dụng”.
Cô Lương Du Mai, Phó hiệu trưởng Trường THCS Lạc Hồng (Q.10) cho biết: “Cách đây khoảng 4 năm, khi đó mới phát hành cuốn Tài liệu dạy học vật lý thì chúng tôi đã giới thiệu cho HS vì cuốn này thực sự hay và bổ ích. Tuy nhiên, phụ huynh phản ánh là tài liệu khá mắc (giá hơn 50 ngàn đồng), tại sao có SGK rồi lại mua cuốn này nữa nên cuối cùng chúng tôi đã để phụ huynh quyết định. Với GV, vẫn tiếp tục sử dụng tài liệu này vì vẫn đúng chương trình của bộ nhưng thí dụ và bài tập mới hơn, thực tế cao hơn, HS thì em có em không nên GV phải mất thêm công đoạn photo bài tập thêm cho các em”.
Tại Q.Bình Thạnh, cô Nguyễn Việt Tú, Phó trưởng phòng GD-ĐT quận chia sẻ: “Ngay khi Sở GD-ĐT biên soạn xong cuốn Tài liệu vật lý, chúng tôi đã giao cho trưởng bộ môn vật lý của phòng tiếp nhận, chắt lọc các thông tin hữu ích để giới thiệu cho GV bộ môn sử dụng như một tài liệu tham khảo. Nhìn chung, các trường vẫn sử dụng SGK, số lượng HS sử dụng không nhiều”.
Một số hiệu trưởng cho biết do giá thành cuốn tài liệu khá cao nên nhiều phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn chưa mặn mà. Thầy Nguyễn Văn Hoàng, Phó hiệu trưởng Trường THCS Lê Anh Xuân (Q.Tân Phú) thẳng thắn cho biết: “Bộ tài liệu thật sự hấp dẫn nhưng với giá thành hơn 50 ngàn đồng, gấp khoảng chục lần so với SGK của Bộ GD-ĐT nên chưa áp dụng phổ biến cho tất cả HS, tất cả các trường vì đời sống phụ huynh ở các quận huyện còn khó khăn. Tài liệu dạy học vật lý đã được trường chúng tôi sử dụng 4 năm nay, riêng tài liệu dạy học môn toán thì GV tham khảo vì khi cuốn này phát hành, HS đã vào học hơn 1 tháng”.
Nói về nguyên nhân sâu xa, cô Hồ Thị Ngọc Sương, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (Q.1) cho hay: “Tài liệu này chưa được sử dụng rộng rãi phần lớn là do công tác giới thiệu, phân tích cho phụ huynh và HS hiểu còn yếu. Hầu hết, chỉ những người trong ngành mới biết rõ những tác dụng của tài liệu để sử dụng còn phụ huynh nhiều người chưa biết rõ nên họ chưa sử dụng nhiều. Tôi cho rằng khi phụ huynh biết rõ những lợi ích của nó thì với giá thành như vậy không phải là quá khó đối với họ. Hơn nữa, giá thành cuốn sách này mắc hơn cuốn của Bộ GD-ĐT cũng là do công tác in ấn, biên soạn công phu với nhiều hình ảnh, màu sắc…”.
Để bộ tài liệu phát hành đến HS với chi phí thấp hơn, TS. Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM tiết lộ: “Giá sách phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu được phát hành rộng rãi, giá thành sẽ thấp hơn so với sự phát hành giới hạn như hiện nay”.
Bài, ảnh: Dương Bình

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)