Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Tổng đài tư vấn” của học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Gần như không có giờ giấc cố định cho công việc của những thầy cô làm công tác tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp…

Đại diện Trường ĐH Công nghệ TP.HCM tư vấn thông tin tuyển sinh cho học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi (tỉnh Đồng Nai), chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức

Những năm qua, chuyến xe của chương trình tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp “Tiếp bước trường thi” “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức đã chở thầy cô nhiều trường ĐH-CĐ đến với học sinh khắp các vùng miền. Học sinh thương mến gọi họ là những “tổng đài tư vấn di động” bởi hành trình họ đi cứ nối dài, chỉ dừng lại trước những tâm tư, câu hỏi thắc mắc của chính các em.

Sân trường làm… bục giảng

Trường THPT Nguyễn Trãi (Đồng Nai), vài chiếc bàn kê vội, ghế ngồi, dù che, sách bút, thùng loa âm thanh… đặt trên sân khấu đơn giản. Khi mọi thứ đã sẵn sàng thì đồng hồ mới chuyển kim sang mốc 6 giờ 30 sáng. Các thầy cô trong Ban tư vấn chương trình cũng đã chỉnh tề, chờ đón ngày mới cùng với hàng loạt câu hỏi của học sinh, dù chưa kịp cho gì vào bụng. Trước đó, từ TP.HCM, chuyến xe chở đoàn đã bắt đầu khởi hành từ hơn 4 giờ sáng, lúc cả thành phố còn đang ngủ say giấc nồng.

Khi những chỗ trống trong sân trường được lấp đầy, từng cánh tay rụt rè giơ lên đặt câu hỏi, “giờ giảng” của những thầy cô chính thức bắt đầu. Rất nhiều lần như thế, học trò “ôm” rất nhiều băn khoăn, thắc mắc trong lòng nhưng ngần ngại, để rồi chính các cô thầy phải kiên nhẫn “vận động”, gợi mở từng chút một, các em mới mạnh dạn đặt vấn đề.

Bục giảng là… sân trường, giờ giảng của họ nhiều khi phải tranh thủ xen giữa các tiết học khác. Trong khoảng thời gian hạn hẹp, những “nhân viên tổng đài” bằng da bằng thịt ấy phải giải đáp cho tròn trịa nhất những mong mỏi của học sinh, không chỉ đơn giản là thông tin về ngành nghề, cơ hội việc làm, ngôi trường đào tạo mà hơn hết, giúp các em đạt được lựa chọn vừa vặn nhất. Bởi vậy, kết thúc câu hỏi này là dồn dập những câu hỏi khác. Mỗi thầy cô sau giờ tư vấn còn “được” từng tốp học trò vây quanh, thì ra có những em ấp ủ dự định khá đặc biệt như trở thành diễn viên, ca sĩ, tiếp viên hàng không… nhưng chỉ dám ghé nhỏ đặt câu hỏi vì sợ bạn bè biết chọc quê. Những lúc như vậy, dường như không còn khoảng cách, các thầy cô và trò ngồi lại cùng tâm tình gỡ rối những ưu tư trong trẻo ấy.

Tháng 3, cái nắng đến rát da rát thịt, các thầy cô lại gói ghém hành lý bước vào hành trình băng qua mấy chục tỉnh thành trong ròng rã cả tháng trời để đến với học trò. Hành lý chật chội cỡ nào, họ vẫn cố gắng mang theo những món quà lưu niệm nho nhỏ từ sổ bút, vòng đeo tay đến gấu bông hay học bổng… tặng khích lệ học sinh. Đây cũng là mùa tư vấn cao điểm, bởi gần sát với kỳ thi nên nhiều học trò đợi mong lắm. Trước giờ làm chương trình, nhiều nam sinh đã nhiệt tình cùng các thầy cô trong đoàn đội nắng căng dù, khiêng ghế bàn làm sân khấu. Khi chiếc dù to được căng lên, trùm bóng mát cả khoảng sân trường là lúc thầy trò nhìn nhau, ai cũng thấm mệt, mà vẫn cười nheo mắt: “Lát cô nhớ trả lời bù lại cho tụi em nhiều câu hỏi nha!” Và đúng như “gửi gắm”, vào giờ tư vấn, học trò nườm nượp đặt câu hỏi, các thầy cô xuống tận hàng ghế ngồi để trao đổi với các em được nhiều và kỹ càng. Sau giờ tư vấn, thầy và trò còn tranh thủ chụp với nhau vài bức hình… “tự sướng”, trao email, số điện thoại… Khoảng sân trường rợp nắng đó tận một huyện xa xôi của tỉnh Lâm Đồng.

Giờ dạy không… phấn, bảng

Tại Bình Phước lẫn Đắk Nông, chương trình được lên sóng truyền hình địa phương trực tiếp trong 2 giờ đồng hồ, mà hội trường thì chật cứng với cả ngàn học sinh. Biết Ban tư vấn không đủ thời gian trả lời cặn kẽ từng thắc mắc của mình, học trò ở đây nhanh nhảu lắm, từng lớp gom các câu hỏi lại cử đại diện trình bày. Mỗi lần có đại diện lớp đứng lên là các thầy cô Ban tư vấn phải tập trung cao độ, ghi chép liên tục vì nhóm câu hỏi “đụng” tới rất nhiều trường. Cứ thế, gần như em nào cũng được giải tỏa ít nhiều tâm tư, thắc mắc, không giấu nụ cười.

Học sinh Trường THPT Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) cùng phụ giáo viên chuẩn bị sân khấu cho chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức

Hay tại Cà Mau xa xôi, điểm tận cùng phía Nam của Tổ quốc, vì cao điểm mùa khô mà sân trường nắng quá gắt, chương trình phải lùi giờ lại để đỡ mệt cho học trò. Hiểu được những chờ đợi của thầy cô, học trò ngẫu hứng biểu diễn nhiều tiết mục văn nghệ thân thương đáp tặng. Tiếng vỗ tay trong sân trường khi ấy, rộn rã mãi đến tận sau này…

Riêng các thầy cô, kết thúc “giờ dạy” có khi đã chiều tà, đêm là thời gian lắc lư trên xe tạm rời miền đất này để đến với học sinh vùng khác. Vượt đèo, leo dốc cùng những khoảnh khắc thót tim, dừng lại dùng bữa cơm ven đường khi đêm đã rụng xuống và trăng đã mọc lên sáng cả bầu trời. Giấc ngủ chòng chành và những buổi ăn… quá bữa!

Ngay cả trong những điều kiện đặc biệt như thế, các thầy cô vẫn reo vui miệt mài với điều đã tạo cho mình động lực “đứng lớp”. Đó chính là giữa cả trăm ngàn cuộc điện thoại nhận được từ phụ huynh, học trò nhờ tư vấn, bỗng lọt vào đâu đây một giọng nói quen thuộc: “Cám ơn cô, thầy! Em đã đậu vào được ngành em mong muốn rồi!”.

… Các thầy cô lại thêm yêu những bục giảng nắng ngời, dù nơi ấy, họ không nhất thiết phải cầm đến viên phấn…

Thục Trân

Bình luận (0)