Lớp học theo mô hình VNEN tại Trường TH Hùng Sơn (huyện Lương Sơn, Hòa Bình) |
Vừa qua, Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực đã có cuộc khảo sát thực hiện NQ29 của Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT tại tỉnh Hòa Bình. Đoàn đã đến làm việc tại các trường tiểu học (TH) Hùng Sơn, Mầm non (MN) Cửu Long (huyện Lương Sơn), và THPT Công nghiệp TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Những thuận lợi, khó khăn tại các cấp học khi thực hiện NQ29 được các thầy cô giáo chia sẻ.
MN: Cần chính sách cho GV
Theo ông Nguyễn Hồng Mạc, Chánh văn phòng, Sở GD-ĐT Hòa Bình, toàn tỉnh hiện có 228 trường MN, trong đó có 3 trường MN tư thục. Để triển khai NQ29, Sở GD-ĐT Hòa Bình đã tổ chức 33 lớp tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên chuyên môn cho 1.365 lượt cán bộ quản lý, GV, tập trung vào các nội dung: Xây dựng trường MN lấy trẻ làm trung tâm; tổ chức hoạt động vui chơi cho trẻ mẫu giáo; xây dựng chương trình giáo dục (GD) MN cho trẻ mẫu giáo như GD phát triển ngôn ngữ, GD phát triển tình cảm và kỹ năng xã hội; dinh dưỡng và tổ chức bữa ăn cho trẻ, chăm sóc GD trẻ dân tộc thiểu số và trẻ có hoàn cảnh khó khăn; công tác phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi. Cô Ninh Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường MN Cửu Long, cho biết trường vốn có tiền thân từ một nông trường. Trước kia, trường chỉ là dãy nhà cấp 4. Nhưng đến nay, cùng với sự cố gắng của UBND thị trấn, của ngành và của phụ huynh học sinh, trường đã có được 3 dãy nhà kiên cố và đạt chuẩn mức độ 1, sắp tới, sau khi hoàn thiện xong khu vệ sinh, trường sẽ nâng chuẩn lên đạt mức độ 2. Chia sẻ về những khó khăn của GVMN vùng khó, bà Trần Thị Bắc, Trưởng phòng GDMN, Sở GD-ĐT cho biết, ở Hòa Bình, tỷ lệ huy động trẻ đến lớp mẫu giáo đạt 97%. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đó là chế độ chính sách cho GVMN. Hiện tỉnh còn khoảng hơn 300 GV hợp đồng chưa được vào biên chế. Các cô nuôi cũng mới chỉ là hợp đồng với phụ huynh. Điều này đã khiến GV chưa yên tâm đứng lớp, phụ huynh cũng chưa thật yên tâm khi gửi con. Vướng mắc này theo bà Bắc không phải tại ngành GD mà do mỗi năm Sở Nội vụ chi GD một số chỉ tiêu nhất định.
TH: Hoàn thành tốt thông tư 30
Hòa Bình là một tỉnh miền núi, có nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và đội ngũ nhà giáo. Thế nhưng khi đến khảo sát tại Trường TH Hùng Sơn, các thành viên trong đoàn đều bất ngờ về những đổi mới trong cách dạy và học nơi đây. Cô Bùi Thị Khuyên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết nhà trường đổi mới mạnh mẽ về phương pháp dạy học theo hướng tập trung vào HS, GV là người tổ chức hướng dẫn để HS tự nghiên cứu, trải nghiệm, trao đổi thảo luận trong nhóm để lĩnh hội kiến thức mới, tạo cho các em có thói quen hợp tác, chia sẻ, tự nghiên cứu để phát hiện kiến thức mới tránh tình trạng học thụ động (thầy giảng trò nghe). Trường đã dạy thử nghiệm mô hình trường học mới – VNEN của Bộ GD-ĐT. Theo đánh giá của cô Khuyên thì phương pháp dạy học mới đã cải thiện rõ rệt chất lượng học tập. Tỷ lệ HS đến lớp đạt tới 99,4% (từ lớp 1 đến lớp 4). TH Hùng Sơn phần lớn là học sinh dân tộc Mường. Nói về thực hiện thông tư 30 của Bộ GD-ĐT, cô Nguyễn Thị Nam, GV lớp 5 của trường cho biết đối với những trường đã tham gia mô hình VNEN thì khi thực hiện thông tư này không khó. Bởi mô hình này GV không còn chấm điểm HS. Cô Nam đã theo mô hình trường học mới từ 4 năm nay. Lúc đầu có khó khăn, nhưng giờ cô thấy không có gì phải băn khoăn. Tuy nhiên, cô cũng cho biết với sĩ số lớp học của trường chỉ 24-30 HS thì việc thực hiện thông tư 30 tương đối dễ cho GV. Còn với sĩ số lớn hơn thì GV sẽ gặp khó khăn.
Theo ông Nguyễn Hồng Mạc, Hòa Bình hiện có 215 trường TH. Sở cũng đã tổ chức 16 đợt tập huấn cho 3.426 cán bộ quản lý, GV.
THPT: Nặng lý thuyết, không phù hợp thực tiễn
Năm nay là năm đầu tiên thực hiện một kỳ thi quốc gia. Đến thời điểm hiện tại, do chưa có quyết định cuối cùng về hình thức thi cụm địa phương, cụm ĐH nên trước mắt, Sở GD-ĐT Hòa Bình ổn định tâm lý để HS yên tâm ôn thi. Ông Nguyễn Hồng Mạc cho biết, Hòa Bình có khoảng 50% HS không có nhu cầu thi ĐH. Toàn tỉnh có 37 trường THPT, 11 trung tâm GDTX huyện, thành phố, 1 trung tâm GDTX tỉnh, 5 trường phổ thông dân tộc bán trú. Việc tổ chức thi cụm cho HS gặp khó khăn về công tác tổ chức thi, cơ sở vật chất không đáp ứng yêu cầu về địa điểm tập trung, nơi ăn, ở cho HS và phụ huynh HS đưa con đi thi.
Theo thầy Bùi Văn Đường, Hiệu trưởng Trường THPT Công nghiệp, về thực hiện NQ29 về đổi mới toàn diện GD ở đơn vị cơ sở, chương trình phổ thông còn nặng lý thuyết, không phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. GV đã đổi mới cách kiểm tra đánh giá theo hướng chuyển từ đánh giá kiến thức, kỹ năng sang đánh giá năng lực HS; chuyển trọng tâm đánh giá từ ghi nhớ, hiểu kiến thức sang đánh giá năng lực vận dụng, giải quyết vấn đề thực tiễn. Các đề kiểm tra kết hợp một cách hợp lý giữa hình thức trắc nghiệm và hình thức tự luận, giữa lý thuyết và thực hành. Tăng câu hỏi mở. Tuy nhiên do một số ít GV có tuổi đời cao nên hạn chế trong việc ứng dụng CNTT trong quản lý và dạy học. Một số GV chưa tích cực, chủ động đổi mới phương pháp dạy và học. Còn tình trạng GV dạy chéo môn, do không có GV được đào tạo về dạy môn hoạt động GD ngoài giờ lên lớp hay GV dạy hướng nghiệp.
Trước thực tế tại Hòa Bình, đoàn công tác của Hội đồng Quốc gia GD và phát triển nguồn nhân lực do TS. Trần Đình Châu, Chánh văn phòng và TS. Đặng Xuân Hoan, Tổng thư ký dẫn đầu cho biết sẽ ghi nhận các ý kiến từ lãnh đạo các trường và Sở GD-ĐT Hòa Bình. Trên cơ sở các ý kiến sẽ có đề xuất cụ thể với Thủ tướng và các bộ ngành liên quan.
Bài, ảnh: Nghiêm Huê
Bình luận (0)