Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Lời ru buồn sau rặng núi

Tạp Chí Giáo Dục

Ở cái tuổi ăn, tuổi học, nhiều em ở các xã vùng sâu, vùng xa thuộc hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa (Quảng Trị) bỏ ngang con đường chữ để đi lấy chồng. Việc lấy chồng sớm trong độ tuổi chưa phát triển hoàn thiện, không có kiến thức về sức khỏe sinh sản và chưa ý thức được trách nhiệm về cuộc sống sau hôn nhân đã để lại nhiều hệ lụy đáng buồn…

Lấy chồng từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, vợ chồng Len và Thon phải đối mặt với  nhiều khó khăn trong cuộc sống

Lấy chồng từ thuở 15

Ngôi nhà sàn làm bằng tre nứa của đôi vợ chồng trẻ Hồ Văn Thon (SN 1997) và Hồ Thị Len (SN 2000) ở thôn Ta Lu, xã Đakrông (huyện Đakrông, Quảng Trị) nằm cheo leo bên bờ suối, rộng tầm 20 mét vuông. Giữa buổi sáng, tiếng ru con vọng ra từ ngôi nhà nhỏ nghe thật buồn. Len và Thon tình cờ quen nhau trong một lần theo chúng bạn đi chơi. Cái tình cảm của tuổi học trò bồng bột cứ ngỡ thoáng qua, ai ngờ đã kéo cả hai ngày càng gần lại. Qua vài lần hẹn hò, đi chơi, rồi Thon dắt Len về nhà mình ở hẳn. Cả hai bỏ học khi Len chưa hết lớp 7, còn Thon mới xong học kỳ I lớp 10. Họ trở thành vợ chồng trẻ con! Một năm sau, gia đình chồng chia cho họ một mảnh đất nhỏ, cheo leo bên bờ suối đủ để dựng một nếp nhà tre nứa đơn sơ. Len nói, từ cái ngày đó cô mới thấm thía gánh nặng cuộc sống gia đình. Suốt ngày, hai vợ chồng quần quật trên 3 sào ruộng rẫy để trồng sắn, ớt và cây lúa nương. Mỗi năm thu về tầm chục bao lúa và vài tạ sắn mì. Chừng ấy nếu giỏi xoay xở thì cũng chỉ dùng được trong nửa năm nên Thon phải tranh thủ đi làm thuê, làm mướn, còn Len đi hái rau, bắt ốc suối để trang trải thêm. Mọi thứ phải hết sức dè sẻn. Rồi đứa con đầu lòng chào đời, cuộc sống vốn khó khăn lại càng khó hơn khi cái túng, cái thiếu thì nhân lên mà tình cảm lại vơi dần. Len vẫn còn nhớ như in những bữa Thon đi thâu đêm suốt sáng, trở về với gương mặt lầm lì và dễ nổi cáu. “Một bữa mình thấy chồng lưu vào danh bạ số “vợ yêu”, nhìn lại không phải số mình nên mình gọi vào thì một cô gái khác bắt máy… Rồi Thon nói, không còn tình cảm với mình nữa. Sau nhiều lần cãi vã, hai vợ chồng mình bỏ tay nhau (chia tay), mình về lại nhà mẹ suốt mấy tháng…”, 17 tuổi, giọng Len trầm lắng và từng trải. Sau cái đận chia tay ấy, bởi nhiều phong tục ràng buộc, gia đình nên đôi bên khuyên họ về nối lại nghĩa vợ chồng, nhưng trong căn nhà vốn đã trống ấy hẳn có thêm một chỗ khuyết trong lòng người thiếu phụ!

Ông Bùi Văn Thảng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị nhìn nhận, nguyên nhân tảo hôn chủ yếu do trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán lạc hậu vẫn tồn tại. Đời sống kinh tế khó khăn, gia đình không có không gian riêng tư, sự xâm nhập mặt trái của công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến với người dân còn hạn chế… Đa số các cặp tảo hôn đều là con em thuộc hộ nghèo, bỏ học giữa chừng, trình độ văn hóa thấp, thiếu kiến thức xã hội, không việc làm ổn định…

Không lâm vào cảnh hạnh phúc lưng chừng như Len, đôi vợ chồng Hồ Thị Hao (SN 2001) và Hồ Văn Buân (SN 1993) ở thôn Ba Ngào (xã Đakrông) cũng nên duyên chồng vợ khi chưa đến tuổi trưởng thành. Hao bỏ học từ năm lớp 3. Lấy chồng từ năm 15 tuổi, sau một năm chung sống, Hao đã sinh con đầu lòng. 16 tuổi, Hao tay bế con, tay làm việc nhà. Dù đã có mẹ chồng đỡ đần đôi chút nhưng vất vả vẫn hằn sâu trong đôi mắt. Công việc thường nhật của Hao là trông con, giặt giũ, nấu nướng, lên nương rẫy. Bà Hồ Thị Lan – mẹ chồng Hao bộc bạch: “Khi con cưới mình cũng lo lắm. Con còn nhỏ, làm sao đủ sức sinh con, làm lụng rẫy nương. Cha mẹ không ưng cái bụng nhưng con cái quyết lấy thì cũng đành chịu. Bây giờ phụ được gì cho con thì mình làm thôi!”.

Hệ lụy buồn

Trong câu chuyện với những đôi vợ chồng trẻ khi chính thức bước vào hôn nhân, ánh mắt của họ thật buồn. Đa phần trong số ấy, khi được hỏi đều có chung niềm mong ước: “Giá như được làm lại, sẽ chọn việc đến trường học chữ!”. Len bộc bạch: “Hồi đó chưa hình dung ra cái khổ. Lấy chồng rồi mới biết cực lắm, không như khi sống cùng bố mẹ. Ở nhà chồng, không làm thì không có ăn, không có mặc, cái gì cũng không có”. Ngồi cạnh vợ, Thon nhìn xa xăm lên nóc nhà trống hoác, ánh nắng tràn vào chói chang, trầm tư: “Học chưa xong mà thấy bạn bè lấy vợ, mình cũng lấy vợ. Bây giờ mới thấm hết cái khổ. Việc làm không có, thu nhập bấp bênh, đến cái nhà cũng không đủ kín để che mưa che nắng, cho con ngủ yên giấc”.

“Chừ sợ nhất là con ốm. Vì vợ chồng chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn nên con chưa có khai sinh, chưa có thẻ bảo hiểm y tế. Nếu con không may bị ốm, không biết lấy gì để đưa con đi bệnh viện, con cũng không được đến trường”, Thon nói.

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên 
(Còn tiếp)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)