Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tăng tiết môn giáo dục công dân

Tạp Chí Giáo Dục

Môn thi mới, cách thức thi mới khiến học sinh, giáo viên cũng phải gấp rút tìm cách ứng phó. Nhiều môn thi trong khi thời lượng học tập có hạn khiến các trường phải tìm mọi cách xoay xở.

Nếu những năm trước, thời gian ôn tập của học sinh (HS) chủ yếu xoay quanh 3 môn thi ĐH và 1 môn tự chọn để xét tốt nghiệp thì năm nay sẽ phải ôn cả 6 môn. Vì vậy, kế hoạch ôn luyện của HS có nhiều thay đổi. Giáo dục công dân (GDCD) hoặc lịch sử là những môn học ít tạo được sự hào hứng, nhiều HS vẫn coi đây là môn phụ nên chỉ học đối phó. Nhưng khi môn này nằm trong danh sách môn thi THPT quốc gia 2017 thì tình hình đã khác.

Một giờ học giáo dục công dân tại Trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM)  /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Một giờ học giáo dục công dân tại Trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM) Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Lo trường đại học xét tuyển môn GDCD
Nông Thị Phương Anh, HS lớp 12 Trường THPT Nhân Chính (Hà Nội), cho biết thái độ học tập của HS năm nay với môn GDCD khác hẳn so với các năm trước. Tuy nhiên, theo Phương Anh, nếu xét tuyển vào ĐH theo tổ hợp môn khoa học xã hội mà có GDCD thì chắc chắn HS phải đi học thêm hoặc tự học chứ thời lượng chỉ 1 tiết/tuần thì không thể đủ để đi thi.
Cùng tâm trạng, một HS lớp 12 ở Trường THPT Ngô Sỹ Liên (Hà Nội) băn khoăn: "Nếu các trường ĐH, CĐ năm nay lại thay đổi tổ hợp môn xét tuyển và lấy điểm toàn bộ môn khoa học xã hội thay vì điểm từng phần thì thật khó khăn. Muốn đạt điểm cao để xét tuyển thì phải học sâu, có hệ thống. Mà môn học này ngay từ khi lên THPT các HS đã bỏ qua rồi. Chỉ mong các trường ĐH không đưa môn này vào tổ hợp xét tuyển”.
Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường phổ thông Marie Curie (Hà Nội), cho biết: “Trước đây không thi nên HS lớp 12 không tập trung môn này. Chương trình môn GDCD lớp 12 chủ yếu là kiến thức về luật và các bộ luật hiện hành nên đưa vào kỳ thi cũng là một cách thức để HS quan tâm và được trang bị những kiến thức cơ bản về hệ thống luật pháp”. Theo ông Vũ Đình Thuận, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Tuyên Quang): "Để việc học GDCD không nhàm chán và có hiệu quả, chúng tôi xây dựng thành các chuyên đề”.
 
 
 

Trường quyết định tăng GDCD từ 1 tiết theo đúng phân phối chương trình lên 3 tiết. Trong đó, 2 tiết học kiến thức sách giáo khoa và làm bài tập, 1 tiết để HS rèn luyện kỹ năng

 
 

Nguyễn Thị Lan Hương, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM)

 

Một giáo viên ở Hà Nội cho biết, lâu nay để HS không “ngán” môn GDCD thì giáo viên thường phải mở rộng kiến thức ngoài sách giáo khoa để HS thấy rằng đây là môn học thiết thực, tăng cường dạy kỹ năng cho HS trong môn này. Tuy nhiên, với cách ra đề của đề thi minh họa thì giáo viên phải quay lại dạy lý thuyết và để dạy cho HS đi thi. Giáo viên này cũng tỏ ra lo ngại cách ra đề như vậy không tác động tích cực tới việc thay đổi chất lượng dạy học môn GDCD trong nhà trường. Theo phản ánh của nhiều giáo viên môn này, căn cứ vào đề thi minh họa, HS khó có thể làm được hết bài thi. Đề thi minh họa có 40 câu hỏi, thời gian làm bài 50 phút, với nội dung về cuộc sống và hiểu biết pháp luật xã hội.

Bà Nguyễn Thị Hồng Hoa, giáo viên GDCD Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội), cho rằng môn này thi trắc nghiệm nên các thầy cô giáo phải dạy hết không bỏ bài nào. “Thời lượng 1 tiết/tuần rất khó dạy cho HS. Kiến thức luật 12 là những kiến thức rất khó, cơ bản. Nếu chỉ được điểm 5 – 6 sẽ không có gì băn khoăn, còn đạt được điểm 9 – 10 rất khó”, bà Hoa nói.
Bà Vũ Thị Phương Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, cho hay nhiều trường THPT ở Hà Nội đã triển khai dạy và học theo phương thức mới, đồng thời lập ra hệ thống ngân hàng câu hỏi để HS làm quen, và tổ chức thời gian dạy theo nguyện vọng của HS ngoài giờ học chính khóa…
Tăng tiết khối xã hội, giảm khối tự nhiên
Hồ Thảo My, HS Trường THPT Hồng Đức (Q.Tân Bình, TP.HCM), cho biết vì trước nay chưa hề thi môn GDCD nên giáo viên dạy theo kiểu đọc chép và học thuộc định nghĩa. Bây giờ để đủ kiến thức làm bài thi thì phải đầu tư thêm thời gian và thay đổi cả cách học.
Các trường cũng tăng tiết gấp 3 lần đối với môn này để bổ sung kiến thức cho HS. Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), nói: “Trường quyết định tăng GDCD từ 1 tiết theo đúng phân phối chương trình lên 3 tiết. Trong đó, 2 tiết học kiến thức sách giáo khoa và làm bài tập, 1 tiết để HS rèn luyện kỹ năng”.
Bên cạnh việc tăng tiết, một số trường tư thục còn mời giáo viên có kinh nghiệm về thỉnh giảng. “Hầu hết giáo viên GDCD xưa nay đều dạy theo kiểu cho qua, nhiều khi trường còn để giáo viên môn sử, văn dạy thế. Tuy nhiên, khi môn này đã được xếp vào tổ hợp môn thi thì cần sớm thay đổi cách nhìn nhận. Chính vì thế, chúng tôi quyết định mời giáo viên một số trường công lập có tiếng về kèm cho HS của trường”, hiệu trưởng một trường ngoài công lập tại TP.HCM cho biết.
Ngoài ra, nhiều trường cũng tăng thời gian học các môn khối xã hội, giảm thời lượng các môn tự nhiên. Ở Trường THPT Hồng Đức (TP.HCM), trước đây môn toán học 12 tiết/tuần thì hiện nay giảm còn 10 tiết. Tương tự, thời gian học các môn lý, hóa cũng giảm tùy theo ban mà HS lựa chọn. Lý do là theo chủ trương của Bộ năm nay nội dung thi tất cả các môn chỉ gói gọn trong kiến thức lớp 12, nên những tiết dành để ôn tập kiến thức 10 và 11 cắt giảm.

Tuệ Nguyễn – Lam Ngọc (TNO)

 

Bình luận (0)