Hai nữ sinh đánh bạn dã man ngay trong lớp học vì câu nói bị… mất trinh. Ảnh: V.Sơn |
Sở GD-ĐT Hà Nội vừa tổ chức hội thảo Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng – Thực trạng và giải pháp. Tại hội thảo, Viện Nghiên cứu y – xã hội học (ISMS) đã đưa ra báo cáo sau khi khảo sát tại 20 trường THCS và THPT Hà Nội. Các con số đưa ra thực sự cần phải suy nghĩ.
Bạo lực tinh thần
Theo ông Nguyễn Trương Nam, Viện trưởng Viện ISMS, các dạng bạo lực giới trường học (BLGTH) được sử dụng trong nghiên cứu là bạo lực thân thể gồm tát, xô đẩy, kéo tóc; đánh đập, đánh hoặc đá; đe dọa bằng dao hoặc vũ khí; quấy rối và xâm hại tình dục bao gồm bình luận về hoạt động/hành vi tình dục; huýt sáo và những cử chỉ tục tĩu; tin nhắn với nội dung tình dục; sờ, hôn âu yếm; yêu cầu chạm vào bộ phận sinh dục; lan truyền tin đồn tình dục hoặc ép buộc tình dục (hiếp dâm); Bạo lực tinh thần gồm cố ý tẩy chay một người nào đó; cố tình loại trừ một người nào đó; đánh giá về ngoại hình, tôn giáo, hoặc điều kiện gia đình; gán ghép tên gọi dựa trên ngoại hình hoặc gia cảnh; bắt phạt như đứng trong góc lớp hoặc bên ngoài lớp học; sự đe dọa bằng lời nói hoặc bằng văn bản; bị nhốt trong lớp hoặc nhà vệ sinh; sỉ nhục thông qua ngôn ngữ xúc phạm; và cuối cùng là bắt nạt xảy ra khi một HS hoặc nhóm HS nói hay làm những điều xấu và khó chịu với HS khác hoặc xảy ra bởi vì quan hệ bất bình đẳng quyền lực. Điều này bao gồm một HS bị trêu chọc hay cố ý bị loại trừ ra khỏi nhóm, lớp. Nó cũng bao gồm bắt nạt trên mạng, bắt nạt qua điện thoại, email hoặc facebook. Bắt nạt không bao gồm các hành vi tranh cãi của HS, xảy ra một lần duy nhất. Dựa trên các định dạng này, nhóm nghiên cứu của Viện ISMS đã tiến hành khảo sát tại 20 trường THCS và THPT cùng với 10 trường đối chứng tại Hà Nội. Đối với 10 trường THCS, nhóm nghiên cứu lấy ngẫu nhiên 120 HS/trường, THPT lấy 8 HS/trường, 10 trường đối chứng lấy 80 HS/trường. Tổng số HS được khảo sát là 3.000 HS. Kết quả cho thấy đối với HS nam có trên 78% HS đã từng bị bạo lực tinh thần, gần 50% HS từng bị bạo lực thể chất và trên 17,7% từng bị quấy rối và xâm hại tình dục, ở HS nữ thì tỷ lệ này lần lượt là 67%, 32,3% và 19,2%. Còn con số trong vòng 6 tháng qua thì lần lượt cho thấy đối với nam là gần 71%, gần 37% và 11%, với nữ là 60,2%, 25,5% và 10,8%. Như vậy, có thể thấy số HS nam phản ánh trải qua bạo lực thể chất và bạo lực tinh thần trong 6 tháng gần đây cao hơn rất nhiều so với nữ. HS nam cũng bị quấy rối và xâm hại tình dục nhiều hơn HS nữ trong 6 tháng gần đây. Còn nếu chia theo cấp học thì đối với THCS, trong 6 tháng gần đây có tới 45,5% HS nam bị bạo lực thể chất, HS nữ là 31%, còn THPT thì có 24,1% HS nam bị bạo lực thể chất và nữ là 17,2%.
Những con số biết nói
Những con số trên đây có thể thấy, thứ nhất là tình trạng bạo lực thể chất xảy ra với cả HS nam và nữ. Trong đó, ở cấp THPT, khoảng cách tỷ lệ giữa HS nam và nữ bị bạo lực thể chất không còn cách xa nhau nhiều. Có thể nói, các em HS nữ càng lớn càng dễ gặp các vấn đề liên quan đến bạo lực thể chất. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng cho thấy, HS ở đô thị bị quấy rối và xâm hại tình dục cao hơn HS vùng ven đô (ở nông thôn tỷ lệ là 8,3% thì ở thành thị là 13,3%), HS THCS bị bạo lực thể chất nhiều hơn HS THPT (tỷ lệ này là THPT là 20,6% còn ở THCS là 38%).
Theo kết quả của Viện ISMS, HS ở ngoại thành bị bạo lực tinh thần và thể chất trên đường đến trường/về nhà nhiều hơn ở nội thành. Ở cả thành phố và nông thôn, tỷ lệ HS nam gặp phải bạo lực thể chất cao hơn HS nữ, tuy nhiên, HS nữ hay gặp bị quấy rối và xâm hại tình dục trên đường đến trường, về nhà nhiều hơn HS nam.
Về người gây ra bạo lực, báo cáo cũng chỉ ra rằng HS khác là thủ phạm gây ra bạo lực thể chất cao nhất ở trường, chiếm tới 21,6%. Số HS nam báo cáo bị bạo lực thể chất do giáo viên, cán bộ trường học, bạn học và bạn trai/bạn gái cao hơn so với HS nữ, chiếm tới 6,1%. Không những thế, HS cũng chính là đối tượng gây ra bạo lực tinh thần, chiếm 29,1%. Người gây ra quấy rối và xâm hại tình dục cũng chính là nhóm HS khác chiếm 7,6%. Còn thủ phạm bắt nạt chủ yếu là HS nam. Như vậy, có thể thấy, đối tượng gây ra các dạng BLGTH là HS. Điều quan trọng hơn là phản ứng của HS, giáo viên và phụ huynh đối với các dạng BLGTH này chưa thực sự được như mong muốn. Vẫn còn một tỷ lệ không nhỏ HS không làm gì khi xảy ra bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần. Rất ít HS báo cáo với giáo viên hay hiệu trưởng khi bị quấy rối và xâm hại tình dục. Chỉ 15% HS báo cáo với bố mẹ khi bị quấy rối và xâm hại tình dục.
Hậu quả khôn lường nếu…
Theo nhóm nghiên cứu, việc HS không thường xuyên phản ánh, báo cáo sự việc bị bạo lực với giáo viên hoặc phụ huynh cho thấy BLGTH và hậu quả của nó không được coi trọng và thảo luận cởi mở, rộng rãi ở trường học. Bạo lực giới ở Việt Nam bắt nguồn từ những khuôn mẫu, quy định về giới ủng hộ sự thống trị của phái nam và sự phục tùng của phái nữ, bao gồm niềm tin về việc là phái nữ phải như thế nào và là phái nam phải như thế nào. Bạo lực giới trong bất kỳ xã hội nào đều phản ánh sự bất bình đẳng về giới tiềm ẩn và sự hiện diện của quyền lực. Ở Việt Nam, các cấp quản lý không thực sự công nhận việc có bạo lực giới trong trường học và miễn cưỡng thừa nhận và báo cáo một số trường hợp để tránh những công việc giấy tờ dài dòng và có thể thu hút sự chú ý của các phương tiện truyền thông. Việc này tạo ra một văn hóa miễn tội. Các phương tiện truyền thông đưa tin về các trường hợp này thường thiếu nhạy cảm giới và không bảo vệ các nạn nhân. Cha mẹ thường ngại báo cáo vì họ sợ mất chỗ học của con cái hoặc con cái họ có thể bị kỳ thị. Vì thế, giải pháp mà Viện ISMS đưa ra đó là cần sự hỗ trợ trong nhiều yếu tố ở các cấp độ chính sách, tổ chức trường học và cá nhân trong vấn đề BLGTH. Cần sự phối hợp đa ngành và sự hợp tác giữa cộng đồng và các tỉnh, thành phố và cấp quốc gia. Một cách để thúc đẩy sự phối hợp đa ngành là Bộ GD-ĐT thành lập một bộ phận chuyên trách các vấn đề liên quan đến BLGTH. Về phía các trường học, nên tập trung vào làm việc với các trường để thay đổi các chuẩn mực giảng dạy để xóa bỏ phương pháp giảng dạy có sử dụng hình thức xử phạt dùng bạo lực và phân biệt giới tính. Bình đẳng giới và môi trường không bạo lực là chủ đề cần được đưa vào chương trình học tập, các chương trình hiện có của trường và thông qua việc đảm bảo sự tiếp cận an toàn, bình đẳng cho HS nam, nữ với các cơ hội học tập, vui chơi, thể thao và các cơ sở vật chất của trường. Dịch vụ tư vấn là cần thiết để đảm bảo HS được có cơ hội để phán ảnh về việc họ bị bạo lực cũng như tác động của nó đối với cuộc sống của họ mà không sợ bị phạt.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)