Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Ký túc xá ngàn tỷ không có… sinh viên

Tạp Chí Giáo Dục

Phòng ở và phòng chức năng trong khu ký túc xá xây dựng với kinh phí gần 1.100 tỷ đồng được đưa vào sử dụng từ năm 2009 ở TP.Đà Lạt, Lâm Đồng nhưng đến nay vẫn không một bóng sinh viên đến thuê
Tháng 12-2009, dự án xây dựng ký túc xá (KTX) tập trung cho sinh viên (SV) Đà Lạt được khởi công tại phường 7, TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) trong niềm vui của hàng chục ngàn SV đang theo học tại các trường ĐH, CĐ trên địa bàn. Song, khi KTX có giá rẻ nhất Đà Lạt “mở cửa” thì lại vắng bóng SV.
KTX cao cấp, giá rẻ
Được biết, trước khi triển khai thực hiện đề án xây dựng khu KTX hiện đại này, chủ đầu tư là Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành khảo sát SV tất cả các trường ĐH, CĐ và TCCN trên địa bàn Đà Lạt. Theo tính toán (dựa trên số liệu các trường cung cấp và số liệu khảo sát), dự kiến đến năm 2015 có khoảng 66.000 SV theo học tại các trường ĐH, CĐ, TCCN trên địa bàn Đà Lạt; trong đó có khoảng 33.400 SV có nhu cầu về chỗ trọ. Bởi vậy, việc khởi công xây dựng khu KTX tập trung là chiến lược đón đầu nhằm giải quyết nhu cầu chỗ trọ cho số SV này.
Chủ đầu tư cho biết, theo thiết kế đây là một trong những khu KTX tập trung hiện đại nhất Đà Lạt với nhiều hạng mục công trình đáp ứng nhu cầu học tập, sinh hoạt và ăn ở cho hàng ngàn SV. Mỗi phòng có diện tích sử dụng là 47m2 đủ cho 6-8 SV ở, có đầy đủ tiện nghi (toilet, phòng bếp và hành lang phơi quần áo…). Các khối nhà đều có thang máy, hệ thống điện mắc nối bình tắm nước nóng và hệ thống dịch vụ internet… Ngoài các khu nhà ở còn có các phòng chức năng sinh hoạt tập thể, thư viện tổng hợp, câu lạc bộ đa năng, các cơ sở phục vụ về y tế…
Mọi thứ ở khu KTX tập trung hiện đại nhất nhưng có giá rẻ nhất Đà Lạt đều được quy định chặt chẽ, chu đáo những tưởng sẽ là cơ hội chọn lựa của đông đảo SV, thế nhưng, sau hơn 3 tháng mở cửa (từ giữa tháng 8-2014) đến nay, khu KTX này không có SV nào thuê.
Để thống nhất giá phòng phù hợp với điều kiện kinh tế của SV, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt giá cho thuê tại khu KTX tập trung này rất thấp. Theo đó, giá tiền phòng (không bao gồm tiền điện, nước) từ 32.000-46.000 đồng/người/tháng (tùy theo tầng). Mọi thứ ở khu KTX tập trung hiện đại nhất nhưng có giá rẻ nhất Đà Lạt đều được quy định chặt chẽ, chu đáo những tưởng sẽ là cơ hội chọn lựa của đông đảo SV, thế nhưng, sau hơn 3 tháng mở cửa (từ giữa tháng 8-2014) đến nay, khu KTX này không có SV nào thuê.
Vì sao SV “chê” KTX giá rẻ?
Ban quản lý khu KTX tập trung này cho biết, sau ngày 13-8 họ đã gửi thông báo rộng rãi việc mở cửa đón SV của KTX đến các trường ĐH, CĐ và TCCN trên địa bàn Đà Lạt. Tuy nhiên chỉ có 20 SV đến hỏi thông tin, nhưng sau khi xem xong đa số đều bỏ đi, duy nhất có 1 SV của Trường ĐH Yersin Đà Lạt đăng ký ở. Nhưng cũng chỉ chưa đầy một tháng, SV này cũng đi vì ở đây quá buồn tẻ. Hiện tại, cả 2 khối nhà cao tầng với hơn 2.000 chỗ ở đều vắng bóng người.

Hai khối nhà B1 và B3 với 13 tầng (12 tầng nhà và 1 tầng hầm) đã hoàn thành nhưng không có SV nào thuê
Lý giải vì sao một khu KTX tập trung hoành tráng, giá thuê rẻ lại vắng bóng SV, trong khi giá phòng trọ tại Đà Lạt cùng thời điểm từ 600.000-1.000.000 đồng/phòng/tháng vẫn “cháy phòng”, chủ đầu tư và Ban quản lý khu KTX đều chạnh lòng nêu ra nhiều nguyên nhân. Trước hết, điều mà ai cũng dễ nhận thấy là khu KTX tập trung này nằm ở vị trí khá xa với các cơ sở đào tạo trên địa bàn (Trường ĐH Yersin gần nhất cũng cách 5km). Trong khi đó, đường đến khu KTX rất xấu, khó di chuyển đối với tất cả các loại phương tiện giao thông (khu KTX này nằm trong vùng sản xuất nông nghiệp của nông dân, xe tải chở phân bón, nông sản… qua lại hàng ngày cày nát đường, bụi bay mù trời vào mùa nắng và lầy lội vào mùa mưa)…
Ngoài ra, một nguyên nhân khác khiến khu KTX tập trung này ế ẩm là do việc dự báo nhu cầu SV thuê trọ thiếu chính xác. Theo khảo sát, chủ đầu tư dự kiến đến năm 2015, với sự liên kết của các trường trên địa bàn Đà Lạt với các chi nhánh đào tạo của các trường ĐH ở TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh Đông Nam bộ mở tại Đà Lạt sẽ thu hút đông đảo SV theo học; từ đó nhu cầu thuê phòng ở sẽ gia tăng (ít nhất gấp đôi hiện tại). Nhưng ngược lại, những năm gần đây lượng SV theo học tại các trường ĐH, CĐ và TCCN trên địa bàn Đà Lạt tăng không đáng kể, thậm chí một số trường giảm hơn trước. Qua khảo sát, hiện các trường  ĐH, CĐ ở Đà Lạt đều có KTX. Vào thời điểm tỉnh Lâm Đồng xây dựng khu KTX tập trung này, Trường ĐH Đà Lạt cũng xây dựng một khu KTX mới cho SV với quy mô 1.000 chỗ ở bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Một điều nữa khiến SV chẳng mấy hứng thú khi đến với khu KTX tập trung này là hiện nay, ngoài 2 khối nhà đã đưa vào sử dụng thì phần còn lại của dự án là công trường ngổn ngang bê tông, bùn đất; hệ thống tường rào bao quanh, lối đi lại trong khu KTX chưa có, các phòng điều hành, căng tin, tạp hóa phục vụ SV cũng trống không…
Ông Nguyễn Văn Đức, Phó ban quản ký khu KTX tập trung, cho biết để khắc phục tình trạng này, đầu tháng 10-2014, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản giao cho Sở Kế hoạch – Đầu tư và Sở Giao thông vận tải triển khai xây dựng 2km đường dẫn vào khu KTX với kinh phí 26 tỷ đồng. Đồng thời sẽ phối hợp với doanh nghiệp mở tuyến xe buýt ngắn từ trung tâm Đà Lạt vào khu KTX tập trung để phục vụ việc đi lại của SV và người dân trong khu vực…
Tuy nhiên, những giải pháp nói trên muốn thực hiện được đâu phải một sớm một chiều và cũng đang gặp những khó khăn về nguồn vốn, lợi nhuận của nhà doanh nghiệp… Không có SV thuê trọ, khu KTX tập trung hơn ngàn tỷ đồng đang đứng trước nguy cơ bỏ không, sẽ gây lãng phí nguồn ngân sách của Nhà nước.
Bài, ảnh: T.Hồng
 
Kinh phí xây dựng gần 1.100 tỷ đồng
Cuối tháng 12-2009, khu KTX tập trung ở Đà Lạt được khởi công xây dựng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Tổng kinh phí xây dựng công trình là 1.082 tỷ đồng; quy mô rộng hơn 30ha, gồm 17 khối nhà và hệ thống hạ tầng khác đáp ứng chỗ ở cho khoảng 14.000 SV. Do khó khăn về nguồn vốn nên đến nay công trình mới hoàn thành và đưa vào sử dụng 2 khối nhà B1 và B3 với 13 tầng (12 tầng nhà và 1 tầng hầm); tổng giá trị hơn 165 tỷ đồng, đủ đáp ứng chỗ ở cho 2.000 SV.

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)