Sau bài “Sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) và quá trình phát triển nhà trường”(ngày 7-8) phỏng vấn TS. Huỳnh Công Minh về những mặt được cũng như chưa được của phong trào viết SKKN trong nhà trường hiện nay, Giáo dục TP.HCM đã ghi nhận ý kiến chia sẻ của cán bộ quản lý và giáo viên về vấn đề này.
Theo nhiều giáo viên, việc yêu cầu giáo viên phải viết SKKN để đáp ứng tiêu chí thi đua chắc chắn sẽ xảy ra bất cập. Vì SKKN đã được thể hiện ở những tiết dạy sáng tạo trên lớp học (ảnh minh họa). Ảnh: N.Trinh |
SKKN để… đối phó
Nói về phong trào viết SKKN, thầy Lê Phương Trí (giáo viên một trường tiểu học tại Q.4, TP.HCM) thẳng thắn chia sẻ: Đây là bệnh của ngành giáo dục cần chữa trị. Trước đây chỉ có giáo viên đăng ký chiến sĩ thi đua mới viết sáng kiến. Còn hiện nay, đăng ký giáo viên giỏi, giáo viên dạy giỏi, lao động tiên tiến cũng phải viết, dẫn đến thực trạng giáo viên, thậm chí nhân viên trong trường phải tìm mọi cách viết nhằm đáp ứng quy định. Và dĩ nhiên, có những sáng kiến lý thuyết, sao chép, lặp lại… Mặt khác, ngay đội ngũ chấm sáng kiến cũng còn dễ dãi. Nhiều sáng kiến kém chất lượng nhưng hầu hết các sáng kiến đều đạt trong quá trình gửi đi chấm.
Để có được một SKKN đòi hỏi người viết phải có quá trình trải nghiệm thực tế, phải có sự nghiên cứu, kiểm tra, đánh giá kết quả mới đưa ra sáng kiến. Nói như cô Phạm Minh Hệ (giáo viên dạy tin học ở một trường THPT): SKKN là dạng đề tài nghiên cứu khoa học, đòi hỏi sự đầu tư công phu về chất lượng, phương pháp. Thông thường giáo viên càng lớn tuổi, càng dạy lâu năm thì càng có nhiều sáng kiến do đã tích lũy nhiều kinh nghiệm. Việc yêu cầu mỗi năm giáo viên phải có SKKN khác nhau thì vô cùng khó, chất lượng không có, đặc biệt đối với giáo viên trẻ. Ở trường tôi, đa số các giáo viên trong tổ đều đùn đẩy qua lại. Phần lớn giáo viên chưa lập gia đình, cả nể phải tham gia “gánh vác” cho giáo viên đã có gia đình.
Một giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM) cho rằng, hầu hết sáng kiến viết ra dựa trên nền tảng học sinh của từng lớp, từng trường và từng năm. Như vậy, sáng kiến viết ra cũng khó áp dụng rộng rãi, bởi có thể phù hợp với đối tượng học sinh lớp này, trường này nhưng lại không phù hợp với học sinh trường khác. Chưa kể, đối với những giáo viên hạn chế trong việc sử dụng từ ngữ, việc diễn giải một sáng kiến đôi khi ảnh hưởng đến nội dung và dĩ nhiên là kết quả không như ý muốn. Bản thân giáo viên này, hàng năm thường lấy lại sáng kiến rèn chữ đẹp của năm trước để cải tiến nâng cao cho phù hợp với đối tượng học sinh của từng năm.
Nâng cao dạy học qua nhiều phương pháp
Trong bất kỳ công việc nào, SKKN rất cần được đưa ra để thúc đẩy, đổi mới, nâng cao chất lượng công việc, tránh sức ì. Đối với giáo dục, sáng kiến thể hiện sự sáng tạo, điều chỉnh trong giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng trong dạy học. Đặc biệt, trong xu thế hội nhập khu vực và quốc tế, rất cần đến những đổi mới, sáng tạo của giáo viên. Tuy nhiên, qua các ý kiến đóng góp của người trong cuộc cho thấy, việc yêu cầu giáo viên viết SKKN thiếu phù hợp khiến họ sợ, xem đó là áp lực, đánh mất đi mục đích, ý nghĩa thực sự của sáng kiến.
“Hầu hết sáng kiến viết ra dựa trên nền tảng học sinh của từng lớp, từng trường và từng năm. Như vậy, sáng kiến viết ra cũng khó áp dụng rộng rãi, bởi có thể phù hợp với đối tượng học sinh lớp này, trường này nhưng lại không phù hợp với học sinh trường khác”, một giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM) nói. |
Theo cô Phạm Thúy Hà (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Q.4, TP.HCM), SKKN đã thể hiện ở những tiết dạy sáng tạo trên mỗi lớp học. Việc yêu cầu giáo viên phải viết để đáp ứng tiêu chí thi đua thì chắc chắn sẽ xảy ra bất cập. Bộ GD-ĐT quy định mỗi năm, mỗi trường phải có 15% cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia viết SKKN nhưng thực sự chỉ những ai đăng ký thi đua thì mới viết, còn lại chẳng ai viết. Với kiểu viết cho có thì hết sức vô nghĩa.
Cô Đặng Hồng Thủy (Tổ trưởng chuyên môn hóa, Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM) cho biết: “Việc nâng cao chất lượng dạy học thể hiện qua nhiều phương pháp khác nhau chứ không nhất là phải viết SKKN. Nổi bật trong thời gian gần đây phải kể đến là dạy học theo chuyên đề; đây là phương pháp hay trong việc nâng cao chất lượng giáo dục”.
Cô Thủy nhận định, phương pháp dạy học theo chuyên đề đang được nhiều trường học triển khai, hướng đến tích hợp các môn và đẩy mạnh tính ứng dụng thực tiễn, giải quyết vấn đề cho người học. Qua đó không chỉ cung cấp kiến thức chuyên môn mà còn hình thành nhiều kỹ năng mềm cho học sinh.
Được biết, tại bộ môn hóa học của cô Thủy, đầu năm tổ bộ môn sẽ họp lại, thông qua các chuyên đề của mỗi giáo viên để chọn ra một đến hai chuyên đề hay, sáng tạo. Tiếp đến các thành viên trong tổ sẽ góp ý, sửa đổi, điều chỉnh cho các giáo viên thực hiện nhằm nâng cao chất lượng chuyên đề. Như vậy, đây là công trình dựa trên kiến thức, kinh nghiệm của cả tập thể, tránh tạo sự nhàm chán, áp lực cho cá nhân giáo viên.
Minh Phương
Bình luận (0)