Jose Mourinho, 47 tuổi, 10 năm cầm quân, 17 danh hiệu. Alex Ferguson, 69 tuổi, 26 năm làm nghề huấn luyện viên, 45 danh hiệu. Chỉ con số thống kê ấy thôi đã đủ nói lên vì sao họ là những người đặc biệt trong làng túc cầu thế giới. Nhưng chưa phải đã hết…
Trong thế giới này, xét cho cùng, bản chất của con người là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội. Còn bóng đá là một lát cắt của cuộc sống mà trong bản thân nó đã chứa đựng các mối quan hệ xã giao. Nghĩa là, đằng sau một trận đấu, một giải đấu, người ta còn thấy được cả các ứng xử khác nhau của cầu thủ, HLV, cổ động viên, Chủ tịch đội bóng,…, với những người xung quanh và ngược lại.
Gia đình là quan trọng nhất
Với Jose Mourinho và Alex Ferguson, sau những trận cầu nẩy lửa, những tranh cãi không bao giờ có hồi kết, những sung sướng tột độ trên đỉnh vinh quang họ lại tìm về với gia đình, về với mái ấm yên bình để tìm lại cảm giác thăng bằng trong cuộc sống.
Tổ ấm của Jose Mourinho. |
Thế nên, ngay khi Inter vừa giành “cú ăn ba” lịch sử, Mourinho đã không cùng các học trò trở về Italia ăn mừng chiến thắng trên các con phố của thành Milan. Thay vào đó ông về nhà nhận lời chúc mừng từ gia đình và bạn bè. Sau khi thông tin này được chính “Người đặc biệt” tiết lộ, nhiều người cho rằng ông đã mượn cớ để ở lại Madrid đàm phán với ngài Florentino Perez về bản hợp đồng mới dẫn dắt Real.
Có thể đó là một sự ngoài nghi hợp lý, nhưng xâu chuỗi lại các sự kiện trong quá khứ thì chẳng phải vậy. Bởi hơn 20 năm qua, dù công việc huấn luyện có vất vả đến đâu, Jose Mourinho vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của một người cha, người chồng mỗi khi trở về nhà. Ở đó, ông luôn nụ cười hiền hậu, mở rộng vòng tay ôm vợ con vào lòng và mọi rắc rối, căng thẳng trong công việc gần như tan biến.
“Phải nói rằng dạy được con cái không phải là chuyện dễ. Nhưng thật may mắn, tôi đã có bàn tay của vợ, Tami. Nếu không có cô ấy tôi thật khó mà làm được gì. Vì thế, tôi sẽ là một người cha, một người chồng tốt, vì vợ và những đứa trẻ đã luôn ở bên tôi”, “Người đặc biệt” tâm sự rất thật về mình trước những câu hỏi của phóng viên về gia đình ông.
Phía sau thành công của Ferguson luôn có vai trò của vợ. |
Giống như chiến lược gia người Bồ, ngài Alex Ferguson cũng có tổ ấm của riêng ông để xả stress sau những trận cầu nóng bỏng. Người để “máy sấy tóc” trút hết nỗi ưu tư phiền muộn chẳng ai khác ngoài vợ ông, bà Cathy. Tất nhiên, chiến lược gia người Scotland cũng rất tâm lý khi gần như tuần nào ông và vợ đều đến rạp để thưởng thức những bộ phim hay.
Thậm chí, khi có hứng “ông già gân” lại vào bếp trổ tài nấu nướng. “Tôi nấu ăn rất ngon đấy. Vì tôi đã từng có thời gian đi phụ bếp. Bây giờ tôi có thể nấu khá nhiều món, đặc biệt là món mỳ ống và một vài món ăn Trung Quốc”, ngài Alex Ferguson hóm hỉnh nói.
Vậy đấy, đằng sau những chiến tích lẫy lừng mà họ làm được lại là những điều hết sức giản dị, bình thường như bao người khác. Có lẽ một trong những cái vĩ đại nhất của họ nằm ở đây chứ chẳng phải ở các danh hiệu cao quý. Bởi nếu biết huyền thoại một thời của Man United, Geogre Best đã phải vĩnh biệt cõi đời vì nghiện rượu và ma túy, còn Ancelotti đã không thể giữ được tổ ấm dù đã có hai mặt con thì mới thấy được sự vĩ – đại – đặc – biệt của Mourinho và Ferguson.
Khi đã là người của công chúng
Rời xa gia đình, đến nơi làm việc, Ferguson và Mourinho lập tức trở thành người của công chúng với các mối quan hệ chằng chịt khác nhau, buộc họ phải có những ứng xử thật sự phù hợp trong từng hoàn cảnh. Bởi mỗi lời nói, hành động, cử chỉ, phong cách của họ đều có tầm ảnh hưởng rất lớn đến dư luận và giới cầu thủ. Nhưng như thế không có nghĩa là họ dấu cái tôi của mình đi mà ngược lại là đằng khác.
Khi ra cuốn vào nhịp sống của xã hội. |
Trong khi tập luyện, hai vị chiến lược gia vĩ đại này đều rất nghiêm khắc với các học trò, song họ cũng sẵn sàng bỏ qua tất cả nếu những kẻ chống lệnh biết hối lỗi. Bên cạnh đó, điều mà không phải ai cũng có thể làm được như Alex Ferguson và Mourinho là họ đều biết truyền nhiệt cho các cầu thủ trước mỗi trận đấu. Dường như mỗi lời nói, cử chỉ của họ đều được các cầu thủ xem như mệnh lệnh cần phải thực hiện trong khi thi đấu để hướng đến mục tiêu cao nhất: chiến thắng.
Còn khi đứng trước báo giới, cả Ferguson và Mourinho đều rất rắn rỏi trong việc trả lời những câu hỏi hóc búa. Thậm chí, với chiến lược gia người Bồ, ông có thể xổ ra một tràng đả kích nếu ai đó dám xỉa xói đến đội bóng của mình. Cũng vì thế, “Người đặc biệt” có nhiều người ghét hơn là số người tôn trọng ông. Nhưng chẳng vấn đề gì quá to tát vì Mourinho luôn biết cách làm thế nào để là chính mình, còn đội bóng vẫn đi được đến những thắng lợi, dù gặp không ít chỉ trích và nhạo báng trong lối chơi.
Sẵn sàng "tử hình" bất cứ ai nếu dám làm loạn. |
Ngoài ra, sẽ thật thiếu sót khi đề cập đến sự đặt biệt của Mourinho và Ferguson mà không nói về các cuộc khẩu chiến nảy lửa giữa hai người trong quá khứ. Bởi chính ở đây, người ta mới thêm hiểu về con người và tính cách thật sự của “Người đặc biệt” và “Ông già gân”.
"Ronaldo cần thêm thời gian để nhận ra rằng, anh chưa có quyền tranh luận về những sự thật. Nhưng có lẽ, điều đó quá khó khăn đối với một đứa trẻ thiếu sự giáo dục”, Mourinho chê bai “cục cưng” một tời ngài Alex Ferguson, Cristiano Ronaldo.
Lập tức “Máy sấy tóc” đáp lại: "Trên đời này thỉnh thoảng vẫn có nhiều lời bình phẩm vớ vẩn của những kẻ “văn hoá lùn tịt”. Có thể một số cầu thủ không được học hành tử tế, nhưng điều quan trọng nhất cần phải thấy ở họ là nỗi khát khao chơi bóng với tất cả niềm đam mê. Thế nên, đừng nghĩ họ là những người chưa được giáo dục đầy đủ.”
Đây mới chỉ là một trong vô số những lần đấu “võ mồm” giữa Mourinho và Ferguson khi đội bóng của họ giáp mặt nhau ở mọi đấu trường. Nghe họ đấu khẩu thì quả chua ngoa nhưng với không ít người, những lời đôi co của “Người đặc biệt” và “Ông già gân” lại mang đến nhiều điều thú vị cùng sức hấp dẫn của trận đấu trước giờ khai cuộc. Vậy nên, nếu một ngày nào đó, MU đụng phải Real mà trên băng ghế huấn luyện không có Mourinho hoặc Ferguson thì thật buồn tẻ.
Khác biệt
Sự khác biệt lớn nhất giữa Mourinho và Ferguson không đơn chỉ đơn thuần ở cái tên của họ trên giấy chứng minh, mà cô đọng lại ở chỗ họ đại diện cho hai trường phái bóng đá gần như đối lập nhau. Song đó là một điều tốt cho bóng đá chứ chẳng phải thảm họa như một ai đó nhận định.
Bởi xâu chuỗi lại các dữ kiện của quá khứ sẽ thấy rằng kể từ khi môn thể thao vua được khai sinh cho đến nay luôn tồn tại hai trường phái: bóng đá hướng cái đẹp và bóng đá đề cao tính thực dụng. Cũng vì thế, những “con chiên” của giới túc cầu bị chia làm đôi. Người ủng hộ trường phái này, kẻ tung hô trường phái khác.
Sự đối lập giữa họ đang mang đến sức lôi cuốn cho bóng đá. |
Có lúc bóng đá vị nghệ thuật lên ngôi, nhưng có thời điểm nó buộc phải đi vào thoái trào nhường chỗ cho bóng đá đề cao tính thực dụng. Cứ như thế, hai yếu tố đẹp và thực dụng cứ bện chặt, mâu thuẫn, thống nhất với nhau, làm tiền đề cho bóng đá có những bước phát triển vượt bật từ phong cách thi đấu của từng cầu thủ cho đến tư duy chiến thuật của người cầm quân.
Trên ý nghĩa đó mới thấy, việc so sánh giữa Mourinho và Ferguson không chỉ đơn thuần để biết ai hơn ai mà còn là dịp để giới túc cầu thêm một lần chiêm nghiệm về lịch sử phát triển của bóng đá trong dòng chảy bất tận của cuộc sống.
Song Mai (theo VTC News)
Bình luận (0)