Không ít trường ĐH dự tính chỉ xét tuyển bổ sung vài ngành nay phải xét thêm nhiều hơn do thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học. Trong đó, có một số em không nhập học do… học phí của trường trúng tuyển cao, thậm chí có trường hợp xin xét xuống CĐ.
Thí sinh làm thủ tục xác nhận nhập học vào Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM. Ảnh: M.T |
Trong khối trường công lập, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM là một trong những đơn vị xét bổ sung khá nhiều, tới hơn 1.000 chỉ tiêu (CT) bậc ĐH. Trong đó, 510 CT bổ sung cho 15 ngành hệ đại trà, gồm 3 ngành lấy 50 CT, còn lại mỗi ngành 30 CT. Mức điểm xét tuyển từ 17 đến 22 tùy từng ngành. Hệ ĐH chất lượng cao chương trình tiếng Việt cũng xét bổ sung 530 CT cho 15 ngành, trong đó 2 ngành lấy 70 CT, còn lại mỗi ngành 30 CT. Mức điểm xét tuyển từ 16,5 đến 19 điểm tùy ngành.
Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cũng xét nguyện vọng bổ sung cho 3 ngành ĐH chương trình đại trà gồm: An toàn thông tin, quản lý tài nguyên – môi trường, công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa với 150 CT. Đồng thời, trường xét 150 CT cho các ngành ĐH chương trình chuẩn quốc tế gồm: Dinh dưỡng và khoa học thực phẩm (công nghệ thực phẩm), công nghệ sinh học, kế toán, quản trị kinh doanh, quản trị du lịch và lữ hành. Bên cạnh đó, xét 300 CT của các ngành hệ CĐ.
Các trường phải công khai đề án xét tuyển bổ sung Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga vừa ký văn bản gửi các trường ĐH-CĐ sư phạm, trong đó lưu ý một số nội dung trong khâu xét tuyển bổ sung. Theo đó, các trường căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh và số thí sinh trúng tuyển đã xác nhận nhập học để xem xét, quyết định xét tuyển bổ sung. Để xét tuyển bổ sung bằng kết quả thi THPT quốc gia, các trường tải cơ sở dữ liệu thông tin của các thí sinh đã nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển bổ sung vào trường (theo số báo danh) từ Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. Các trường phải công khai đề án xét tuyển bổ sung từng đợt trên trang thông tin điện tử của trường và các phương tiện thông tin đại chúng khác, gồm: phương thức xét tuyển bổ sung; mẫu phiếu đăng ký; các điều kiện, tiêu chí phụ trong xét tuyển, điểm chênh lệch giữa các tổ hợp xét tuyển; điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung (lưu ý không được thấp hơn xét tuyển đợt trước theo quy định hiện hành); lịch xét tuyển các ngành/chuyên ngành/nhóm ngành, tổ hợp xét tuyển, CT và các điều kiện, yêu cầu xét tuyển khác (nếu có). Bộ cũng yêu cầu các trường báo cáo kết quả trúng tuyển của từng đợt và thông tin xét tuyển bổ sung của đợt tiếp theo (nếu có) về Bộ GD-ĐT. |
ThS. Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và dịch vụ đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho hay: Dù đã gọi “trừ hao”, tuy nhiên tỷ lệ nhập học vào trường chỉ đạt 75%. Số em trúng tuyển nhưng không xác nhận nhập học có khả năng đã trúng tuyển bằng học bạ vào trường khác hoặc chưa nắm rõ quy định phải nộp phiếu điểm xác nhận nhập học.
“Những ngày qua, trường cũng ghi nhận một vài trường hợp thí sinh đã nộp phiếu điểm nhập học nhưng vẫn xin rút để chuyển về trường ĐH địa phương do… bất ngờ với học phí cao của trường công lập tự chủ. Đặc biệt, một số em khác trúng tuyển ĐH vẫn từ chối nhập học, bày tỏ nguyện vọng xét vào CĐ để đỡ học phí và rút ngắn thời gian học tập”, ông Sơn chia sẻ.
Ở khối ngoài công lập, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM ban đầu chỉ thông báo xét tuyển bổ sung 3 ngành mới nhưng đến nay tiếp tục xét tuyển tới 1.500 CT cho tất cả các ngành. Lý do, tỷ lệ nhập học hiện mới chỉ đạt 60% CT. ThS. Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó trưởng phòng Tuyển sinh – Truyền thông nhà trường, cho biết: Mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung của các ngành từ điểm trúng tuyển nguyện vọng đợt 1 trở lên. Riêng 3 ngành mới được phép tuyển sinh gồm thú y, kinh doanh quốc tế, an toàn thông tin nhận hồ sơ từ điểm sàn (15,5 điểm) trở lên, với 200 CT.
Cả nước có 242.000 thí sinh xác nhận nhập học Thống kê của Bộ GD-ĐT, đến 12 giờ trưa ngày 8-8, cả nước có 242.000 thí sinh trúng tuyển đợt 1 làm thủ tục xác nhận nhập học trong tổng số 352.000 chỉ tiêu tuyển sinh bằng kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Trong đó, 57 trường đạt tỉ lệ nhập học từ 90% trở lên; 74 trường có tỉ lệ nhập học từ 70% đến cận 90%; 65 trường đạt tỉ lệ nhập học từ 50% đến cận 70%. Theo Bộ, hiện vẫn còn một số thí sinh xác nhận nhập học bằng cách gửi giấy chứng nhận kết quả thi qua đường bưu điện, một số trường chưa cập nhật hết số thí sinh đã xác nhận nhập học lên hệ thống nên con số thống kê sẽ còn tăng nhẹ trong vài ngày tới. Theo kế hoạch, đến hết ngày 12-8 việc cập nhật thí sinh xác nhận nhập học hoàn tất. M.Tâm |
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành xét tuyển bổ sung tới 1.575 CT cho các ngành bậc ĐH với mức điểm từ 15,5. Trong đó, hai ngành quản trị khách sạn, quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống xét 21 điểm; ngành y học dự phòng xét 18 điểm, dược học xét 16 điểm; hai ngành công nghệ kỹ thuật ô tô và Việt Nam học xét 17,5 điểm…
Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM xét bổ sung 600 CT cho tất cả các ngành với mức điểm bằng điểm trúng tuyển đợt 1 trở lên. Riêng 3 ngành quan hệ quốc tế, Luật quốc tế và ngôn ngữ Nhật có mức điểm xét tuyển từ 16. Đây là các ngành trường được Bộ GD-ĐT cấp phép đào tạo sau khi thí sinh đăng ký xét tuyển.
Mê Tâm
Bình luận (0)