Có thể Capello không thích. Nhưng đó là sự thực. Manchester United, nhà VĐ nước Anh suốt 3 năm qua, vẫn trung thành với "tư duy toàn cầu". Từ những siêu sao của hiện tại, khi HLV Ferguson sử dụng đội hình toàn ngoại để đánh bại Man City 2-0 trong trận đấu của vòng 35. Đến lò đào tạo cầu thủ trẻ, cung cấp cho M.U những tài năng đã đánh bại Hull City ở vòng cuối cùng của Premier League 2008-2009.
Khái niệm lò đào tạo từng bị đánh đồng với tính chất nội địa. Nhưng cái thời của anh em nhà Neville, Nicky Butt, Beckham, Scholes đã qua rất lâu rồi. Bây giờ, lò đào tạo của M.U chẳng khác nào một chi nhánh của Liên hợp quốc, gồm những chàng trai trẻ đến từ Brazil, Bỉ, Bồ Đào Nha, Ireland hay Italia.
Rafael Da Silva: Một tài năng thuộc lò Liên hợp quốc của MU |
Khi nhìn lại chức VĐ Premier League mùa này, HLV Ferguson khăng khăng nói rằng chiến thắng 1-0 trước Stoke City ngay sau giải Cúp Thế giới các CLB mới có ý nghĩa quyết định. Nhưng với các chuyên gia bóng đá Anh, những bàn thắng ngoạn mục của Macheda mới mang tính bước ngoặt, trong trận thắng Aston Villa lẫn Sunderland. Riêng 2 bàn của Macheda đã mang lại 5 điểm cho M.U trong khi mùa giải kết thúc, Quỷ đỏ chỉ hơn Liverpool vỏn vẹn 4 điểm. Macheda xuất thân từ lò Lazio. Vì bóng đá Italia ngăn chặn các CLB ký hợp đồng với cầu thủ dưới 18 tuổi, M.U liền nhảy vào. Họ liền có Machecha mà không mất đồng nào. Và bây giờ, khi đã trở thành ngôi sao mới nổi, Macheda được ca ngợi là sản phẩm siêu hạng của lò M.U.
Macheda không phải là trường hợp hy hữu. Phát hiện khác của M.U mùa này, hậu vệ phải Rafael Da Silva, đến từ Brazil. Trước khi dính chấn thương nặng ở trận gặp Boro hồi đầu mùa, cầu thủ người Brazil chưa đầy 20 tuổi, Possebon, từng được đánh giá là tài năng trẻ rất có triển vọng. Ở trận gặp Hull City vòng cuối cùng của Premier League 2008-2009, Gibson đã ghi bàn duy nhất từ một cú sút xa tuyệt đẹp. Anh chàng tiền vệ này mới 21 tuổi, gia nhập lò M.U từ năm 2004 nhưng mang quốc tịch Bắc Ireland. Cầu thủ Bắc Ireland nổi tiếng nhất trong đội hình M.U hiện tại là trung vệ Jonny Evans, thành viên của lò đào tạo Quỷ đỏ từ năm 2006. Jonny có người em trai ruột là Corry Evans. Corry theo bước anh trai, gia nhập lò M.U và đã có tên trong danh sách đăng ký trận gặp Hull City vừa qua.
Đã có thời, M.U là biểu tượng của lò đào tạo tài năng nội địa. Bây giờ, thời thế đã khác. Bất chấp một cuộc điều tra gần đây cho thấy rằng thanh thiếu niên ở Anh khát khao làm cầu thủ hoặc diễn viên nổi tiếng hơn là theo nghiệp sách vở, các lò đào tạo vẫn thiếu vắng cầu thủ nội địa trầm trọng. Điển hình nhất là Arsenal. West Ham, nơi sản sinh ra những Rio Ferdinand, Carrick, Joe Cole, Lampard, Defoe…., cũng không thể cưỡng lại xu thế ấy và trong 2 năm gần đây, không thể sản sinh ra một tài năng người Anh đáng gờm. M.U hiện tại lại thích hướng về thị trường Brazil. Sau khi có những Anderson, anh em nhà Da Silva và Possebon, họ lại vừa ký hợp đồng với thành viên của ĐT U17 Brazil, trung vệ Dodo từ Corinthians.
Mà thực ra, đây là xu thế chung của thời đại. Như Barca, đối thủ của M.U trong trận CK Champions League vào đêm mai, không sở hữu nhiều cầu thủ có xuất xứ Catalan như người ta lầm tưởng. Ngôi sao người Argentina đến lò La Masia từ nhỏ. Ở lò La Masia nổi tiếng ấy còn có Gai Yigaal Assulin, cầu thủ người Israel 18 tuổi, đến Barca từ 6 năm về trước, có một Jeffren Suarez, 21 tuổi từ Venezuela nhưng đang khoác áo ĐT U21 TBN, và cả Thiago Alcantara, từng thuộc đội trẻ Flamengo.
Trước đây, khái niệm Liên hợp quốc được hiểu là những ngôi sao nước ngoài. Chuyển nhượng kiểu ấy thì tốn kém và chưa chắc phù hợp với triết lý của đội bóng. Việc săn tài năng trẻ ngoại, nhờ cái danh và vị thế CLB, mang lại rất nhiều cái lợi. Hoặc phục vụ cho đội bóng, như Jonny Evans và Macheda. Hoặc quay ngược bán cho các đội bóng khác, mà điển hình nhất là trường hợp của Rossi (bán ho Villarreal với giá 7 triệu bảng) và Pique (Barca phải mua lại với giá 5 triệu bảng).
PV (theo bongda24h)
Bình luận (0)