Từ thực tế không ổn trong việc tổ chức Hội khỏe Phù Đổng lâu nay, lãnh đạo Sở GD-ĐT Đà Nẵng mới đây đã khẳng định: từ năm học 2017 – 2018 sẽ tính lại việc tổ chức hội khỏe này.
Học sinh thi đấu tại Hội khỏe Phù Đổng TP Đà Nẵng năm học 2016 – 2017 – Ảnh: B.Q. |
PV Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Vĩnh – giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng.
* Việc tổ chức Hội khỏe Phù Đổng tại Đà Nẵng lâu nay như thế nào, thưa ông?
– Hội khỏe Phù Đổng được tổ chức từ cấp trường đến cấp sở đối với bậc THPT, từ cấp trường đến cấp quận lên tới cấp sở – cấp TP ở bậc tiểu học và THCS, diễn ra từ tháng 10 cho đến gần hết tháng 4 năm sau, gần như xuyên suốt cả năm học.
Chúng tôi nhận thấy về mặt thời gian tổ chức như trên là quá dài, số môn thi đấu quá nhiều – khoảng 11 môn. Từ đó việc phân bổ nhân sự và tài chính để theo hội khỏe là rất khó khăn. Ví dụ, khi tổ chức thì phải có giáo viên chủ nhiệm, các giáo viên phụ trách hội thi – giáo viên dạy môn thể dục, cán bộ Đoàn, Đội… Khi giáo viên tham gia như vậy, việc dạy học sẽ bị ảnh hưởng.
Tài chính chi cho Hội khỏe Phù Đổng là khá lớn trong nguồn chi của nhà trường. Cứ mỗi môn thi, học sinh tham gia mỗi ngày được hỗ trợ 30.000 – 50.000 đồng. Nhẩm tính, 11 môn thi đấu, mỗi môn ở mỗi cấp (tiểu học, THCS, THPT) tối thiểu hai VĐV nam và hai VĐV nữ, nhân lên thì số tiền không phải là nhỏ.
Ông Nguyễn Đình Vĩnh – Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG |
* Các trường than phiền nhiều về cách thức tổ chức Hội khỏe Phù Đổng?
– Khi chúng tôi đưa ra ý tưởng tính toán lại việc tổ chức Hội khỏe Phù Đổng, nhiều giáo viên, hiệu trưởng các trường rất tán đồng. Vì mỗi lần tổ chức Hội khỏe Phù Đổng cấp trường, cấp quận, rồi TP, mọi người rất mệt, rất vất vả. Họ cũng than phiền kinh phí chi cho hoạt động này rất tốn kém.
* Thực tế, Hội khỏe Phù Đổng dường như chỉ mang lại thành tích, giải thưởng cho trường, cho một bộ phận rất nhỏ học sinh?
– Đúng là như vậy.
Và vì sao chúng tôi quyết định thay đổi? Phải xác định, việc tổ chức Hội khỏe Phù Đổng để cổ động phong trào thể dục thể thao là rất tốt. Tuy nhiên ở Đà Nẵng, UBND TP đã có chủ trương đầu tư các sân thể thao theo cụm trường học, với mức kinh phí khoảng 200 tỉ đồng. Ở đây, sẽ có cơ sở vật chất, mua sắm các trang thiết bị thể dục thể thao cho nhiều bộ môn.
TP Đà Nẵng cũng đẩy mạnh dạy học thể dục theo chuyên đề tự chọn. Chúng tôi tiếp nhận, triển khai dạy học thể dục theo mô hình mới của Nhật Bản…
* Vậy việc tổ chức Hội khỏe Phù Đổng tại Đà Nẵng sắp tới sẽ như thế nào?
– Từ đầu năm học 2017 – 2018 này, Sở GD-ĐT Đà Nẵng sẽ thiết kế, công bố sớm kế hoạch tổ chức Hội khỏe Phù Đổng cấp TP theo từng năm học. Nếu những năm trước có 11 môn thi đấu, năm nay sẽ tinh giảm 50% các môn, trên cơ sở tổ chức luân phiên theo từng năm, ví như năm nay thi cầu lông, bóng đá, bóng bàn thì năm sau sẽ là bơi lội, điền kinh, đá cầu…
Sở cũng đẩy mạnh việc thành lập các câu lạc bộ kỹ năng, võ thuật, thể dục tại trường học… để học sinh tự chọn theo đam mê. Nếu giảm được kinh phí từ tổ chức Hội khỏe Phù Đổng, dành số tiền đó đầu tư cơ sở vật chất thể thao cho từng trường học, thì từng học sinh sẽ được rèn luyện sức khỏe.
* Thầy Nguyễn Quang Hưng (hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám, Đà Nẵng): Chủ trương này hoàn toàn hợp lý Từ nhiều năm qua, việc tổ chức Hội khỏe Phù Đổng thường kéo dài từ tháng 10 đến tận tháng 3, 4 năm sau. Rồi trước khi tham gia giải phải tập luyện, sàng lọc, tuyển chọn học sinh… nên giáo viên rất vất vả. Ngay từ khi khai giảng đã lo triển khai tập luyện cho Hội khỏe Phù Đổng, để tháng 10 đi thi đấu. Điều bất cập ở chỗ học sinh tham gia giải chủ yếu là các em lớp 12, vì các em có quá trình tập luyện lâu dài. Trong khi chính các em lại là lớp cuối cấp, phải lo cho kỳ thi quan trọng – THPT quốc gia, xét tuyển ĐH, CĐ. Vì thế, việc tham gia Hội khỏe Phù Đổng sẽ ảnh hưởng đến thời gian học và tâm lý của các em. Thực tế là nhiều trường không có sân bãi, thiết bị để phục vụ luyện tập các môn thi của Hội khỏe Phù Đổng, dẫn tới việc nhà trường bị động trong công tác tổ chức. Không chỉ vậy, nguồn kinh phí để hỗ trợ học sinh đi thi đấu cũng rất khó khăn, hạn hẹp, bởi chỉ dựa vào khoản chi tiêu nội bộ của trường. Nhiều giáo viên và ngay cả hiệu trưởng phải bỏ tiền túi ra để hỗ trợ học sinh đi thi hội khỏe. Theo tôi, nên bố trí các môn thi của Hội khỏe Phù Đổng thuận lợi cho tất cả các trường như bóng đá, bóng rổ… Đối với các trường có điều kiện về sân bãi, trang thiết bị, nên để các trường được tự chọn các môn thi phù hợp với điều kiện của trường mình. * Thầy Nguyễn Bá Hảo (hiệu trưởng Trường THPT Phạm Phú Thứ, Đà Nẵng): Tính toán lại để giảm tải cho các trường Thời gian qua, việc tổ chức Hội khỏe Phù Đổng kéo dài gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động của nhà trường và tâm lý giáo viên. Đặc thù của Trường THPT Phạm Phú Thứ là trường cấp III xa nhất của TP Đà Nẵng. Vì thế, mỗi khi tham gia Hội khỏe Phù Đổng, chi phí cho việc đi lại, bồi dưỡng… học sinh, giáo viên rất tốn kém. Nhà trường phải thuê xe cộ, lo chỗ ăn nghỉ cho các đối tượng tham gia hội khỏe, trong khi nguồn kinh phí của nhà trường lại không có bao nhiêu. Không chỉ vậy, muốn tham gia thi thì phải tập luyện, thời gian thi kéo dài, rất mất thời gian. Tôi nghĩ sắp xếp, tính toán lại việc tổ chức Hội khỏe Phù Đổng là cần thiết, để giảm tải cho các trường. |
* Thầy Phan Trần Duy Lam (Trường THCS Nguyễn Lương Bằng, Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng): Thi quá nhiều môn, thành ra thi nửa vời! Hiện nay, giáo viên gánh rất nhiều hội thi nên phải chịu áp lực không nhỏ. Trong đó có những hội thi mà việc giáo viên tham gia nhà trường đưa hẳn vào tiêu chí hoàn thành nhiệm vụ, tạo áp lực rất lớn cho chúng tôi. Nhiệm vụ chính của giáo viên là đảm bảo chất lượng dạy học, chứ không phải suốt ngày lo thi cử phong trào. Dành thời gian tham gia nhiều phong trào, kiểu như Hội khỏe Phù Đổng, thì sẽ ảnh hưởng đến việc dạy của giáo viên, làm chúng tôi rất mệt. Nhưng tham gia phong trào nhiều, kết quả cũng chẳng khấm khá là bao. Điển hình như Hội khỏe Phù Đổng, tổ chức thi quá nhiều môn, thành ra là thi nửa vời, không tập trung, chuyên nghiệp cho học sinh có thể chọn môn mình yêu thích để thể hiện. |
ĐOÀN CƯỜNG/TTO
Bình luận (0)