Israel, Jordan, Palestine vừa ký thỏa thuận chia sẻ nguồn nước – một sự kiện được Ngân hàng Thế giới đánh giá là “bước ngoặt” tại khu vực Trung Đông
Jordan ủng hộ mạnh mẽ dự án vì lượng nước tiêu thụ theo đầu người ở nước này thuộc loại thấp nhất thế giới.
Chia sẻ nguồn nước
Theo thỏa thuận, một nhà máy khử muối sẽ được xây dựng tại thành phố cảng Aqaba bên bờ biển Đỏ để sản xuất 80 triệu m3 nước ngọt mỗi năm phục vụ cho Israel và Jordan. Đổi lại, Israel có trách nhiệm tăng lưu lượng nước từ biển Galilee cho cư dân vùng hạ nguồn ở phía Bắc Jordan sử dụng. Nhờ đó, nhu cầu sử dụng nước ngày một tăng ở miền Nam Israel và miền Bắc Jordan đều được đáp ứng. Đối với Palestine, nhà máy nước Mekrot của Israel sẽ chuyển 20 – 30 triệu m3 nước đã khử mặn tới khu Bờ Tây mỗi năm.
Du khách ngắm hoàng hôn ở vịnh Aqaba trên biển Đỏ Ảnh: REUTERS
Các bên cũng thỏa thuận xây hệ thống đường ống ngầm dài 180 km để vận chuyển 2 tỉ m3 nước biển mỗi năm từ vịnh Aqaba ở biển Đỏ qua lãnh thổ Jordan vào biển Chết – khu vực thấp nhất trong đất liền trên thế giới.
Ngoài ra còn có những đề xuất xây dựng đường ống dẫn dòng nước trên chảy xuống một nhà máy thủy điện và nhà máy này sẽ cung cấp năng lượng cho một nhà máy lọc nước mặn khác, giúp cung cấp 850 triệu m3 nước ngọt hằng năm cho toàn khu vực. Nước mặn thải ra từ nhà máy sẽ được dẫn vào biển Chết để bù đắp lượng nước bốc hơi khiến biển này bị tụt xuống 1 m/năm.
Dự kiến chi phí dự án là 10 tỉ USD, trong đó 2 tỉ USD dành cho các trang thiết bị bơm nước được lọc mặn từ biển Chết tới Amman – Jordan. Khoảng cách giữa hai nơi này là 200 km, với chênh lệch độ cao vào khoảng 1.000 m.
Lo về tác động môi trường
Kế hoạch xây đường ống dẫn nước từ biển Đỏ về cứu biển Chết đang dần khô kiệt được cân nhắc từ đầu năm ngoái. Thế nhưng, các nhà hoạt động môi trường cho rằng vẫn có cách cứu biển Chết với chi phí rẻ hơn và ít tác động tới hệ sinh thái khu vực hơn.
Ông Alex McPhail, trưởng nhóm nghiên cứu chương trình biển Đỏ – biển Chết của Ngân hàng Thế giới, đã trình bày các đề xuất trên tại hội thảo ở Jerusalem giữa tháng 2-2013 và bất đồng lập tức nổ ra. Ông McPhail cam kết các đánh giá môi trường và xã hội do tổ chức Quản lý Tài nguyên Môi trường thực hiện đã chứng minh “mọi tác động môi trường và xã hội có thể được giảm tới mức độ chấp nhận được”. Dù vậy, nhiều nghiên cứu cho thấy nếu đổ hơn 400 triệu m3 nước mặn vào biển Chết thì nơi này sẽ bị lây nhiễm tảo, dẫn đến hậu quả khôn lường. Oái oăm thay, đó lại là lượng nước cần thiết để ổn định mực nước của biển Chết.
Tác động môi trường của việc pha trộn nước biển Đỏ vào biển Chết là một trong những vấn đề gây nhiều trở ngại nhất cho dự án. Theo Friends of the Earth Middle East (FoEME) – tổ chức phản đối dự án mạnh mẽ nhất – nên tìm kiếm những giải pháp khác cho mục tiêu lấy nước ngọt và cứu biển Chết như gia tăng tái chế và bảo tồn nước ở Israel và Jordan; nhập khẩu nước từ Thổ Nhĩ Kỳ, lọc nước biển từ các vùng ven biển Địa Trung Hải và Aqaba, sau đó đổ nước mặn vào biển Chết và bơm nước ngọt về Amman. Theo chuyên gia David Meehan, bơm nước ngọt được lọc từ nước biển Địa Trung Hải qua Israel tới Amman “gần như chắc chắn rẻ hơn” so với bơm nước biển qua lãnh thổ Jordan.
Theo NLĐ
Bình luận (0)