Trong thời gian ngắn hoặc trung hạn, Trung Quốc không thể duy trì liên tục việc kiểm soát đánh bắt trên một vùng biển rộng lớn như biển Đông
Chính phủ Mỹ hôm 9-1 đã gọi việc Trung Quốc ban hành quy định hạn chế đánh bắt cá ở biển Đông là “hành động khiêu khích và tiềm ẩn nguy hiểm” giữa lúc sự chỉ trích về bước đi này đang gia tăng.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nhấn mạnh: “Việc thông qua những biện pháp hạn chế các nước khác đánh cá tại những vùng tranh chấp ở biển Đông là hành động khiêu khích và tiềm ẩn nguy hiểm. Trung Quốc đã không đưa ra lời giải thích hay cơ sở nào của luật pháp quốc tế cho những tuyên bố hàng hải trên phạm vi rộng lớn như vậy”.
Bà Jen Psaki cũng nhắc lại lập trường của Mỹ là tất cả các bên liên quan nên tránh có những hành động đơn phương khiến căng thẳng gia tăng, gây hại đến triển vọng tìm kiếm giải pháp ngoại giao ở biển Đông.
Tàu cá Philippines ở biển Đông Ảnh: CNN
Chính phủ Philippines hôm 10-1 cũng lên án quy định nêu trên, đồng thời yêu cầu Trung Quốc giải thích. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines nêu rõ: “Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc làm rõ tức thì những quy định đánh cá mới mà tỉnh Hải Nam vừa ban hành. Đây là sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, làm leo thang căng thẳng và khiến tình hình biển Đông thêm phức tạp”.
Phản ứng lại, Bắc Kinh bao biện rằng việc quy định sử dụng các nguồn tài nguyên biển của Trung Quốc là bình thường. Theo quy định vừa được tỉnh Hải Nam ban hành và có hiệu lực từ ngày 1-1, tất cả tàu cá nước ngoài phải xin phép khi đi vào cái gọi là “khu vực mới thành lập” của tỉnh này trên biển Đông.
Viết trên Tạp chí The Diplomat hôm 10-1, ông Taylor Fravel – phó giáo sư về khoa học chính trị, thành viên chương trình nghiên cứu an ninh của Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) – cho rằng những quy định trên phản ánh tham vọng không ngơi nghỉ của Trung Quốc nhằm áp đặt chủ quyền trên biển Đông, bất chấp Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Tuy nhiên, tác giả nhận định trong thời gian ngắn hoặc trung hạn, Trung Quốc không thể duy trì liên tục việc kiểm soát đánh bắt trên một vùng biển rộng lớn đến như vậy. Theo ông, việc áp dụng những quy định mới phải được cân nhắc với mối quan hệ giữa Trung Quốc và các quốc gia giáp biển Đông.
Lộ rõ ý đồ hợp thức hóa, mở rộng xâm lược
Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam vừa có văn bản phản đối phía Trung Quốc gây cản trở ngư dân và vi phạm chủ quyển biển đảo của Việt Nam.
Trong văn bản, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, khẳng định việc Trung Quốc yêu cầu tất cả tàu cá nước ngoài phải xin giấy phép thăm dò hoặc đánh bắt trên một diện tích chiếm đến 2/3 biển Đông – trong đó có vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam – sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, gây tâm lý lo lắng cho ngư dân. Điều này còn vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, không phù hợp với tinh thần tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), vi phạm Luật Biển và chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
“Trung Quốc đã dùng vũ lực xâm lược quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào tháng 1-1974. Sự việc lần này thể hiện rõ ý đồ hợp lý hóa việc xâm lược trước đây cũng như mở rộng xâm lược vùng biển của Việt Nam” – ông Thắng nhận định.
Ông Thắng nhấn mạnh: “Hội Nghề cá Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng lên tiếng phản đối mạnh mẽ và có biện pháp quyết liệt ngăn chặn ngay những hành động vi phạm của Trung Quốc nhằm bảo vệ ngư dân trên vùng biển Việt Nam, giữ vững an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo Tổ quốc”.
Theo NLĐ
Bình luận (0)