Việc lựa chọn ngành học của thí sinh trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1 cho thấy sự chuyển dịch theo hướng thị trường tốt hơn. Thí sinh chọn ngành đang cần rất nhiều nhân lực trong thời gian sắp tới.
Số lượt thí sinh đăng ký nguyện vọng 1. ĐỒ HỌA: ĐĂNG NGUYÊN
Công nghệ thông tin áp đảo
Khoảng 2 – 3 năm trở lại đây, nhóm ngành công nghệ thông tin (CNTT) bắt đầu được thí sinh (TS) lựa chọn nhiều. Đặc biệt năm nay, đây là một trong những ngành có số lượng đăng ký nguyện vọng 1 nhiều nhất trong khối kỹ thuật, dẫn đến điểm chuẩn tăng vọt ở hầu hết các trường.
Lần đầu tiên ngành khoa học máy tính và kỹ thuật máy tính tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM lên đến 28 điểm, đứng đầu các ngành của trường. Ngành CNTT tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng tương tự khi có điểm chuẩn lên đến 28,25 điểm. Nhóm ngành máy tính và CNTT tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM lấy đến 600 chỉ tiêu nhưng điểm chuẩn cũng đến 26, tăng 3 điểm so với năm 2016. Điểm chuẩn ngành này ở Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM là 25, cao nhất trường. Hầu hết ở các trường ĐH ngoài công lập, ngành này có điểm chuẩn cao hơn sàn 3 – 4 điểm.
Công nghệ kỹ thuật ô tô cũng tăng rất ngoạn mục. Các trường ĐH công lập ở TP.HCM như: Bách khoa, Sư phạm kỹ thuật, Công nghiệp… ngành này đều nằm trong nhóm có điểm chuẩn cao nhất. Điều này cũng diễn ra ở các trường ngoài công lập. Chẳng hạn, điểm chuẩn ngành này tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM là 18 điểm (tăng 3 điểm so với năm 2016), ĐH Nguyễn Tất Thành 17,5 điểm (tăng 2,5 điểm so với năm 2016).
Mùa tuyển sinh năm nay cũng chứng kiến sự “lên ngôi” bất ngờ của nhiều ngành học khác. Bên cạnh báo chí, lần đầu tiên quản trị du lịch và lữ hành có điểm chuẩn cao nhất tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM (27,25 điểm – khối C). Đây cũng là ngành có điểm chuẩn cao nhất tại một số trường ĐH khác.
Mừng và lo
Theo PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, sự lên ngôi của ngành CNTT và một số ngành khác trong năm nay là điều đáng mừng. Sau khi các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa ra các dự báo về ngành nghề trong tương lai, TS đã có sự lựa chọn dựa theo nhu cầu của xã hội.
Tuy nhiên, theo ông Quân, số lượng hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực. Theo thống kê công bố trong Sách trắng về thông tin và số liệu thống kê CNTT và truyền thông năm 2014 do Bộ Thông tin – Truyền thông ấn hành, cả nước hiện có khoảng 177.000 sinh viên CNTT, điện tử, viễn thông hệ chính quy đang theo học tại khoảng 400 trường. Theo ước tính, chỉ khoảng 1/4 số sinh viên đang được đào tạo tại 8 cơ sở đào tạo trọng điểm về CNTT. Cả hệ thống đào tạo này cũng chỉ có thể cung cấp khoảng 600.000 lao động trong ngành này vào năm 2020. Trong khi đó, theo kế hoạch tổng thể về phát triển nguồn lực ngành này thì VN cần đến 1 triệu lao động vào năm 2020.
Ở một khía cạnh khác, theo thống kê của Viện Chiến lược CNTT, Bộ Thông tin – Truyền thông mới được công bố gần đây, hiện 72% sinh viên ngành CNTT không có kinh nghiệm, thực hành; 42% thiếu kỹ năng làm việc nhóm và thiếu kỹ năng mềm. Chỉ khoảng 15% sinh viên mới tốt nghiệp đáp ứng được yêu cầu.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhân lực và thị trường lao động TP.HCM, cho rằng xu thế nhìn nhận ngành nghề của TS như vậy là hợp lý và rất đáng hoan nghênh. Việc lựa chọn học công nghệ và dịch vụ là rất phù hợp xu hướng, chủ trương của nhà nước. Đặc biệt, TS chọn CNTT vì điều này phù hợp cho sự phát triển của quốc gia và các địa phương, nhất là khi chúng ta đang tiến tới cách mạng công nghiệp 4.0. Quản trị du lịch, công nghiệp cơ khí cũng cũng đang cần rất nhiều nhân lực.
“Tuy nhiên, có một điều đáng băn khoăn là từng địa phương chưa tính toán được tính cân đối của nhu cầu nhân lực các ngành nghề. Nhiều trường đào tạo một số ngành cùng một lúc, sản phẩm ra sẽ có tính cạnh tranh rất lớn. Việc phát triển nhu cầu nhân lực cũng cần lưu ý bậc giáo dục nghề nghiệp. Vì xu hướng TS vẫn nghiêng về lựa chọn bậc hàn lâm, lý luận nhiều, trong khi thị trường cũng cần rất nhiều lao động nghề”, ông Tuấn nói.
Nguồn cung chỉ đáp ứng 50% nhân lực ngành CNTT
Theo khảo sát của VietnamWorks, trong 6 tháng đầu năm 2017, nhu cầu tuyển dụng và cung nguồn lực đã tăng thêm so với cùng kỳ năm ngoái lần lượt là 20% và 14%. Các ngành có nhu cầu tuyển dụng cao nhất trong thời gian qua lần lượt là: CNTT, hành chính/thư ký, kế toán, dịch vụ khách hàng, quảng cáo/truyền thông… Trong đó, dù ngành CNTT đứng đầu về nhu cầu tuyển dụng nhưng nguồn cung hiện tại chỉ đáp ứng được 50%. Do đó, các công ty hiện nay phải cạnh tranh rất nhiều để có được ứng viên. Nhưng các doanh nghiệp lại phải đối mặt với tình trạng các nhân viên có xu hướng thích thay đổi công việc. Có 74% nhân sự CNTT cho biết có ý định chuyển việc trong 6 tháng tới.
|
Đăng Nguyên/TNO
Bình luận (0)