Sữa xách tay được giới thiệu trên Kids plaza – hệ thống shop online chuyên cung cấp các sản phẩm dành cho trẻ em
|
Thị trường sữa xách tay ngày càng bát nháo bởi mang tính đơn lẻ, khó kiểm soát. Giá cả và cả chất lượng chỉ thông qua thỏa thuận giữa người bán với người mua, hoàn toàn không có sự kiểm định về mẫu mã cũng như chất lượng của Bộ Y tế như đối với hàng “chính ngạch”.
Thả nổi về chất lượng
Cùng với máy ảnh, mặt hàng xách tay từ Nhật được nhiều người săn đón là sữa bột. Bên cạnh các đại lý, các shop bán sữa online mọc lên như nấm sau mưa và cam đoan rằng sữa xách tay là hàng do tiếp viên trực tiếp mang về nên không bao giờ có hàng giả.
Khác với các mặt hàng công nghệ, giá sữa xách tay luôn cao hơn giá sữa được nhập khẩu. Cùng nhãn hiệu nhưng sữa xách tay Meiji, XO, Morigana có giá cao hơn hàng chính ngạch. Chẳng hạn 1 hộp XO nhập khẩu có giá từ 465.000-480.000 đồng thì hàng xách tay có giá 600.000-655.000 đồng. Một chủ cửa hàng bán sữa tại góc đường Bàu Cát 4 – Nguyễn Hồng Đào, Q.Tân Bình, TP.HCM giải thích: “Do nguyên liệu, quy trình sản xuất của sữa dành cho trẻ em nước ngoài nên giá phải cao hơn”. Mỗi tháng chị Nguyễn Trường An (Q.Bình Thạnh) đều phải cất công tìm đến siêu thị mẹ và bé Tuticare trên đường Cộng Hòa, Q.Tân Bình để mua sữa Meiji số 0 có giá 650.000 đồng/hộp, một sản phẩm chỉ tiêu thụ ở nội địa Nhật Bản. Thấy sản phẩm không có nguồn gốc, không thấy địa chỉ nhà phân phối chị bắt đầu nghi ngại. Song, khi được chủ cửa hàng tư vấn là sữa nhập khẩu phải sản xuất theo tiêu chuẩn Việt Nam, chất lượng không bằng sữa xách tay nên chị An lại tiếp tục cho con sử dụng sữa bột Meiji số 9 có giá 485.000 đồng/hộp khi bé hơn 3 tuổi.
“Phố sữa” Nguyễn Thông, Q.3 bày bán xen kẽ hàng nhập khẩu và hàng xách tay các loại sữa mang nhãn hiệu Similac Advance, Similac Go&Grow, Enfagrow, Enfamil… để khách hàng thoải mái lựa chọn. Cũng tại đây, mặt hàng sữa nước Ensure dành cho người già cũng được bày bán tràn lan nhưng chất lượng giảm theo thời gian, có khi bị đóng váng dù chưa hết hạn sử dụng. Nguyên nhân chất lượng sữa kém vì đây là sữa xách tay sản xuất theo công thức cũ chứ không phải Ensure Gold Vigor – loại có công thức tiên tiến nhất của Abbott, hiện được công ty 3A phân phối tại Việt Nam. Tương tự, các trang bán sữa online bày bán đa dạng sữa xách tay hiệu U tout petits 900g của Pháp dành cho bé từ 10 tháng đến 3 tuổi, sữa Aptamil 600g của Anh, sữa dê Vitacare 1 của Nga… Bên dưới hình ảnh sản phẩm là giá cả và dòng giới thiệu sản phẩm do chính chủ trang online tự… nghĩ ra. Khi mục sở thị một cửa hàng bán sữa online có tên Kids plaza (số 162L/18 Trường Chinh), thì toàn bộ sản phẩm này không có nhãn phụ bằng tiếng Việt để người mua có thể nắm thông tin về hàm lượng chất dinh dưỡng trong sữa mà chỉ nghe qua những thông tin từ nhân viên cung cấp. Dưới đáy hộp sữa còn có những dòng chữ nguệch ngoạc ghi hạn sử dụng bằng bút lông dầu!
Ngộ độc thì… ráng chịu!
Theo điều 15, nghị định 45 năm 2005 của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế thì những mặt hàng mà chưa được Nhà nước kiểm định và công bố về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ không được lưu thông trên thị trường và càng không được quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Và sữa xách tay là một trong những sản phẩm như vậy. |
Trao đổi với chị Cao Phương Linh, tiếp viên của hãng hàng không Vietnam Airlines tại Sân bay Tân Sơn Nhất, chị cho biết thỉnh thoảng hơn 2 tháng bạn bè tiếp viên như chị mới mua 2 đến 3 hộp về biếu cho người thân, bạn bè. Sữa mang về đợt nào là hết đợt đó chứ không có ý định bán lại cho các cửa hàng sữa để kiếm lời. “Mỗi người chúng tôi mua nhiều nhất cũng từ 20-30 hộp sữa thôi, nhưng do đặc thù công việc nên sau khi xuống máy bay chúng tôi muốn hành lý gọn nhẹ nên hạn chế mang vác đồ cồng kềnh lắm”, chị Phương Linh thẳng thắn. Điều này cho thấy, sữa xách tay không thể nhiều tới mức các cửa hàng bày bán công khai tại đại lý hay trên mạng như hiện nay.
Đầu năm 2013, các bà mẹ từng có tâm lý hoang mang khi thông tin ghi trên hộp sữa dê Danlait (hàng xách tay) dành cho trẻ 6 tháng tuổi (được cho là sản xuất từ Pháp) bị cho là giả, sữa uống nhiều nhưng trẻ không phát triển. Khi truy cập vào tên công ty sản xuất của sữa Danlait có tên FIT thì hệ thống nhập nhằng các thông tin và có cả thông tin tiếng Việt(?). Thế nhưng, với tâm lý sính ngoại của các bà mẹ nhằm con mình phát triển cao lớn như… trẻ em nước ngoài đã chấp nhận dùng hàng xách tay dù biết thông tin và chất lượng sản phẩm còn mập mờ. Ngoài ra, chính việc giá sữa trong nước cứ liên tục tăng mà chất lượng không thay đổi nên các bà mẹ chấp nhận chọn sữa ngoại xách tay vì thấy an tâm hơn, dù giá cả chênh lệch khá cao.
BS.CK1 Yến Thủy cho biết, sữa ngoại xách tay không đảm bảo các điều kiện của quá trình vận chuyển, thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng nên hàm lượng vitamin B1, B2 bị giảm mạnh. Các bà mẹ nên chọn mua các loại sữa có thông tin nhà sản xuất, thông tin nhà phân phối, có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Nếu không, một khi xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm từ sữa thì không thể khiếu nại bất kỳ ai vì không có hóa đơn mua sữa và nhà phân phối sữa xách tay thì ở… nước ngoài.
Bài, ảnh: Lộc Sâm
BS.CK1 Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM đưa ra lời khuyên: “Các bà mẹ đừng so sánh giữa chất lượng sữa nội địa hay ngoại nhập một khi các cơ quan thẩm định chất lượng chưa đưa ra kết luận. Không nên nghe theo lời tư vấn của các chủ cửa hàng mà quá tin tưởng vào sữa ngoại, nếu mua nhầm hàng giả thì tai hại vô cùng. Bởi khi một nhà sản xuất sữa cho ra thành phẩm phải nghiên cứu thị trường, môi trường sống, thể trạng trẻ em tại quốc gia đó. Vì thế, không điều gì chắc chắn sữa sản xuất từ Nhật hay một quốc gia tiên tiến sẽ phù hợp cho trẻ em Việt Nam”.
|
Bình luận (0)