Tòa soạnThư đi – tin lại

Kết nối với phụ huynh

Tạp Chí Giáo Dục

Con trai tôi đang học lớp 5, vừa rồi tôi đưa cháu đi khám thử mắt thì phát hiện bị cận. Mắt trái cận 1,25 độ, mắt phải cận 1,75 độ. Bác sĩ tại cửa hàng có khuyên cắt kính cận cho cháu đeo, thế nhưng tôi nghe nói rằng khi mới bị cận, nếu đeo kính thì mắt càng cận hơn. Vậy, tôi có nên cho cháu đeo kính cận không?
Nguyễn Ngọc Thảo (tỉnh Long An)
TS.BS Trần Hải Yến Trưởng khoa Khúc xạ Bệnh viện Mắt TP.HCM: Nếu con trai chị bị cận với mức độ như trên, cháu cần đeo kính. Tuy nhiên, với những trẻ cận nhẹ như con chị, cháu không cần đeo kính toàn thời gian, mà chỉ cần đeo kính lúc nhìn xa: nhìn lên bảng khi trên lớp học, xem ti vi, đi xe đạp, chơi những môn thể thao cần có thị lực xa tốt như ném bóng… Còn lại, khi cháu học bài, đọc sách, hoặc sinh hoạt các hoạt động thường ngày ở nhà, cháu có thể bỏ kính.
Việc đeo hay không đeo kính không ảnh hưởng đến tốc độ tiến triển của cận thị. Nhưng không đeo kính làm thị lực nhìn xa của cháu kém, có thể dẫn đến giảm sút kết quả học tập do chép sai đề bài, đọc sai chữ trên bảng… Nếu cháu cho rằng cháu vẫn nhìn bình thường, có thể có hai lý do: 1/ Thực sự mắt cháu không có vấn đề mà do tiệm kính đo sai. 2/ Cháu có cận thị nhưng do độ xuất hiện từ từ, nên cháu thích nghi và không cảm thấy mờ. Để biết cháu nhìn có kém hơn so với người khác, chị chỉ cần hỏi cháu những chữ trên tờ lịch, bảng hiệu trên đường ở khoảng cách mà người bình thường khác có thể đọc, nếu cháu đọc được, có thể cháu chưa có vấn đề gì, còn nếu kém hơn tức là mắt cháu có giảm sút thị lực. Nhưng chính xác nhất là chị nên cho cháu đi khám các cơ sở chuyên khoa mắt.
 
Con tôi vừa nhập học lớp 1 tại Trường Tiểu học (TH) Nguyễn Đình Chiểu, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Đầu năm, gia đình có đăng ký cho cháu vào học lớp 1 theo chương trình Cambridge nhưng nghe nói trường không mở được vì chưa đủ sĩ số. Tôi được biết năm nay trong quận Bình Thạnh có Trường TH Hồng Hà mở được lớp 1 theo chương trình này. Xin hỏi chương trình này tổ chức dạy như thế nào và nếu chuyển con tôi sang đó học có được không?
Trần Thị Thùy Dung
(đường Lê Quang Định – P. 14, Q.Bình Thạnh)
Cô Nguyễn Thị Lệ – Hiệu trưởng Trường TH Hồng Hà: Đúng như chị nói, năm nay có nhiều phụ huynh đăng ký cho con vào học lớp 1 theo chương trình Cambridge nên Trường TH Hồng Hà mở được một lớp. Theo quy định của Phòng GD-ĐT, trường chúng tôi chỉ nhận HS đúng tuyến nên chị không chuyển cho con sang học Trường TH Hồng Hà được vì trái tuyến. Hơn nữa, hiện nay lớp đã đủ sĩ số nên nhà trường không nhận thêm HS nữa. Để phụ huynh hiểu rõ hơn về chương trình học, vừa qua nhà trường đã tổ chức một hội thảo về mô hình lớp học này. Nếu chị muốn biết thì có thể đến trường để hỏi thêm, chúng tôi sẽ trả lời cho cụ thể.
 
Con gái tôi năm nay vào lớp 1, gần một năm qua, thỉnh thoảng cháu cứ bị lột da bàn tay, bàn chân, độ gần một tháng thì hết, nhưng cứ tái đi tái lại hoài. không biết con tôi bị mắc bệnh gì và xin hướng dẫn cách điều trị? Ngoài ra, tôi còn có một đứa cháu trai đang học năm thứ 3 đại học, gần đây vùng đùi thường nổi lên những vết nám, sau đó mất đi. Khi nhìn lại thì giống như da đã lột và để lại các vết trắng. Xin cho biết có phải cháu tôi bị bệnh bạch tạng không?
Nguyễn Hoài Thu (TP. Biên Hòa – Đồng Nai)
BS. Hà Huy Hoàng – Bệnh viện Da liễu TP.HCM: Tróc da lòng bàn tay và lòng bàn chân thường gặp ở những trẻ nhỏ hay tiếp xúc với nhiều xà bông, hóa chất hoặc hay bị khô tróc không rõ nguyên nhân. Bệnh không ảnh hưởng đến sức khỏe, tuy nhiên hơi gây khó chịu. Để tránh triệu chứng này, chị phải giúp cháu tránh tiếp xúc thường xuyên với xà bông thơm, hóa chất. Bôi kem Skin Care U, Hydracuta, uống vitamin tổng hợp. Còn trường hợp cháu của chị có thể do bị bệnh bạch biến (vitiligo), không phải là bệnh bạch tạng. Bệnh này thường xảy ra ở những chỗ kín, không gây tác hại. Tuy nhiên, anh cần đến khám ở các bác sĩ chuyên khoa da liễu để có sự chẩn đoán và điều trị cho tốt hơn.
P.N.Q – Đ.T.Hiền – N.TRINH (thực hiện)

Bình luận (0)