Tòa soạnThư đi – tin lại

Trường chuẩn quốc gia không có lối vào!

Tạp Chí Giáo Dục

Con hẻm khoảng 3m là nơi ra vào của 400 phụ huynh Trường MN Tuổi Ngọc và hàng trăm sinh viên của một trường CĐ

Gần 6 giờ sáng 16-12, tôi nhận được một cuộc điện thoại. Người gọi giới thiệu là phụ huynh của Trường MN Tuổi Ngọc (P.An Hòa, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ). Với giọng bức xúc, chị cho biết: “Cổng chính của trường đã bị người chủ đất trước cổng xây tường rào chắn lối vào. Mong nhà báo đến và phản ánh với cấp trên giúp chúng tôi”.
Chúng tôi hối hả phóng xe tới trường và chứng kiến cảnh tượng bi hài tại khu vực trước cổng chính của Trường MN Tuổi Ngọc, trên đường Vành đai phi trường: Hàng trăm phụ huynh nhốn nháo trước bức tường mới xây, dưới đất là tấm bảng giấy với dòng chữ nguệch ngoạc: “Phụ huynh đưa trẻ qua hẻm 66”. Rất nhiều người không biết hẻm 66 ở đâu. Sau đó mọi người nhờ trông xe giúp nhau để từng người lách qua phần khe hở của tường rào (mức giới hạn phần đất của người chủ đất), đưa con vào trường… Hàng trăm xe gắn máy của phụ huynh trải dài trước cổng trường, một số xe tràn xuống lòng đường, nhiều xe tải lớn đi qua, bác tài bấm còi xin đường inh ỏi…
Thật ra, phụ huynh Trường MN Tuổi Ngọc đã quen với tình trạng “ngăn sông cấm chợ” không cho vào trường như thế này bởi đây là lần thứ tư chủ đất cho xây tường rào, nhưng lần này xem ra cách làm có vẻ rất cương quyết vì tường xây cao và chắc chắn hơn những lần trước. Trước tình hình trên, cô Phan Thị Ngọc Lan, Hiệu trưởng nhà trường, bình tĩnh động viên phụ huynh và cùng tập thể sư phạm mau chóng ổn định hoạt động, đưa các cháu vào lớp. Đến 8 giờ, bà Phạm Thị Thiện, Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.Ninh Kiều và một số cán bộ của phòng tới trường làm việc với Ban giám hiệu và Ban đại diện cha mẹ HS, tìm biện pháp khắc phục .
Xây trường chuẩn nhưng “quên” làm lối vào

Tường rào của một hộ dân mới xây dựng, chắn lối vào cổng trường MN Tuổi Ngọc – một ngôi trường đạt chuẩn quốc gia ở TP.Cần Thơ (ảnh lớn)
Tọa lạc trên đường Nguyễn Văn Cừ, P.An Hòa, Q.Ninh Kiều, công trình Trường MN Tuổi Ngọc đưa vào sử dụng từ tháng 12-2010. Đến tháng 11-2011 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Trường xây dựng trên nền của trường mầm non cũ, trường cũ này diện tích nhỏ hẹp và cơ sở vật chất xuống cấp nặng nên hàng năm qui mô HS không bao giờ vượt qua con số 160 cháu. Dù khu đất xây trường nằm lọt thỏm giữa khu dân cư nên trường có hai cổng: Cổng chính trông ra đường Vành đai phi trường và cổng phụ nằm trong hẻm 66, đường Nguyễn Văn Cừ, nhưng Ban quản lý dự án Q.Ninh Kiều cho rằng số HS huy động thấp nên con hẻm dẫn vào cổng phụ của trường (cổng hẻm 66, đường Nguyễn Văn Cừ) đủ để phụ huynh HS đi lại, do vậy khi làm dự án xây dựng chỉ bó hẹp trong phạm vi trường, không qui hoạch phần đất làm đường ra cho khu vực cổng chính. Khi trường xây xong, khang trang và được bổ sung vào Ban giám hiệu là những nhà giáo tài năng, tâm huyết, góp phần để chất lượng nuôi dạy cháu ngày càng khẳng định, vậy là phụ huynh gần xa ùn ùn kéo đến gửi gắm con em! Từ dạo đó, Trường MN Tuổi Ngọc trở thành một trong số trường điểm của quận. Năm học 2013-2014 này, qui mô  HS là 350 cháu. Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên là 42…
Trong khi qui mô HS ngày càng tăng thì ở khu vực cổng chính, đường Vành đai phi trường chưa nâng cấp, hai bên đường là lau sậy, cỏ và rác, mặt đường rất hẹp và luôn ngập nước. Và nghịch lý là phụ huynh đưa đón con muốn vào trường phải đi ngang qua mảnh đất có diện tích 59,2m2 của một hộ dân. Cuối năm 2011, khi đường Vành đai phi trường được TP mở rộng, nâng cấp, trở thành con lộ đẹp, sầm uất, tấp nập người mua kẻ bán, nhiều công ty đến mở trụ sở, thì chủ mảnh đất trước cổng trường – ông Nguyễn Hữu Hào – lại xây tường, không cho phụ huynh sử dụng. Mỗi khi ông Hào xây tường, lãnh đạo UBND P.An Hòa, Phòng Tài nguyên môi trường Q.Ninh Kiều, đại diện Ban quản lý dự án quận, đại diện Đội quản lý trật tự đô thị quận, và lãnh đạo Trường MN Tuổi Ngọc lại tổ chức buổi họp với ông Hào để thương lượng, tìm hướng khắc phục, đề nghị chủ đất tạm thời ngưng xây dựng, gỡ hàng rào, chờ cấp trên giải quyết việc bồi hoàn phần đất của ông… Ông Hào chấp thuận, gỡ hàng rào, chờ đợi, rồi lại xây tường rào, rồi lại họp… Cứ như vậy, tình trạng này kéo dài gần ba năm nay.
Tiềm ẩn những mối nguy hiểm

Ông Nguyễn Văn Kết, Phó chủ tịch UBND Q.Ninh Kiều (thứ hai từ trái sang) thừa nhận thiếu sót trong việc quy hoạch làm đường vào trường (ảnh nhỏ) 

Mặc dù trên giấy tờ, hẻm 66 có bề ngang 6m nhưng thực tế chỉ còn khoảng 3m. Do thấp hơn mặt đường Nguyễn Văn Cừ nên chỉ một cơn mưa nhỏ là hẻm biến thành con sông nhỏ. Sát cạnh cổng trường MN Tuổi Ngọc là cổng sau của Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Cần Thơ. Khu vực cổng phụ lại không thiết kế phần đất làm chỗ đậu xe cho phụ huynh do vậy nếu chỉ sử dụng cổng này để phụ huynh đưa đón con em, chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng ách tắc khi vào giờ cao điểm với gần 400 phụ huynh đến, cùng hàng trăm sinh viên trường CĐ đổ ra. Nguy hiểm hơn, mặt đường quá nhỏ nên nếu trường xảy ra sự cố hoặc cháy nổ thì xe cứu hỏa không thể vào để chữa cháy. Bà Tăng Ngọc Vân, thành viên Ban đại diện cha mẹ HS trường, bộc bạch: “Trước đây Ban đại diện đã đóng góp kinh phí mua đất tôn nền và lát ciment khúc sân tại khu vực cổng chính để phụ huynh thoải mái đưa đón con. Chúng tôi cũng muốn gặp chủ đất để thương lượng, trao đổi, nếu giá bồi hoàn trong khả năng thì hội sẵn sàng đứng ra quyên góp, nhưng gọi điện thoại nhiều lần mà ông ấy không chịu liên lạc với chúng tôi”.
Đâu là hướng giải quyết?
Ông Nguyễn Văn Kết, Phó chủ tịch UBND Q.Ninh Kiều, thừa nhận: Quận đã rút kinh nghiệm vì không qui hoạch đường ra cho khu vực cổng chính của trường. Thông cảm nỗi bức xúc của  phụ huynh HS Trường MN Tuổi Ngọc cũng như vẻ mỹ quan và an toàn của ngôi trường, đồng thời xác định cổng chính của trường thuộc đường Vành đai phi trường, quận đã nhiều lần thương lượng với ông Nguyễn Hữu Hào để thực hiện giải pháp đổi đất. Theo đó quận sẽ cấp cho ông ta một nền tái định cư với diện tích hơn 90m2 trong khu dân cư Thới Nhựt. “Quận cũng động viên ông Hào nghĩ đến lợi ích chung, vì tương lai của con em. Tuy nhiên ông Hào không chịu mà đòi bồi thường với giá 20 triệu đồng/m2 , như vậy số tiền bồi hoàn cho mảnh đất đó hơn 1 tỷ đồng, trong khi dự án đã kết thúc, chúng tôi không có nguồn kinh phí để thực hiện yêu cầu này” – ông Kết cho biết thêm. Cũng theo ông Kết, để giải quyết tình trạng này, UBND Q.Ninh Kiều sẽ làm đề án bổ sung qui hoạch mở rộng khu vực cổng chính của Trường MN Tuổi Ngọc để trình UBND TP.Cần Thơ. Khi đề án được phê duyệt, quận sẽ trích ngân sách bồi hoàn cho chủ đất theo giá qui định của Nhà nước. “Quận sẽ tập trung đẩy nhanh việc thực hiện đề án để trình TP nhằm nhanh chóng bồi hoàn, giải tỏa, góp phần giúp trường có một môi trường an toàn, mỹ quan để tổ chức những hoạt động chăm sóc – giáo dục các cháu”, Phó chủ tịch UBND Q.Ninh Kiều nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Đan Phượng

Bình luận (0)