Học cách phát âm chuẩn xác là rất cần thiết (ảnh minh họa). Ảnh: P.C.L |
Tôi là một giáo viên đồng thời cũng là một phụ huynh nên hơn ai hết, tôi rất hiểu nỗi lòng của các em học sinh về việc học tập. Con tôi đang học lớp 12 và đã rất nhiều lần cháu than phiền với rôi rằng cách viết tên riêng của tiếng nước ngoài trên sách rất chệch choạc, làm cháu và các bạn trong lớp đôi khi phải “đau đầu”. Cháu tâm sự, có lần cô giáo dạy bộ môn sử bắt cháu phải đứng đọc từ Phiđen Cátxtơrô (Fidel Castro) nhiều lần vì cô cho rằng cháu đọc không đúng như trong sách viết, nhưng thực tế trong sách viết phiên âm chưa chuẩn xác. Rồi con tôi còn nói, nhiều lần quá bức xúc vì cách phiên âm lung tung trên nên cháu đã “mạnh dạn” viết đúng tên danh từ riêng Xan Phranxixcô thành San Francisco, kết quả cháu bị cô giáo nhắc nhở.
Các danh từ riêng như Đan Mạch, Phần Lan, Ấn Độ, Lào… đã thuần Việt từ rất lâu nên ta không bàn cãi và nó đã được thống nhất một cách triệt để. Tuy nhiên, cũng có một số danh từ riêng nước ngoài phiên âm theo tiếng Việt không được thống nhất nên cứ sửa tới sửa lui cách viết làm cho mọi người không biết phải viết sao cho “đặng lòng người”. Cách phiên âm “lộn tùng phèo” như vậy khiến học sinh càng rối rắm hơn trong việc học tập, vì các cháu sẽ hoang mang không biết viết sao cho đúng, viết như trong sách hay viết theo chuẩn tiếng Anh? Viết trong sách thì rất khó nhớ vì mỗi thầy, mỗi cô đều có một “biến tấu” khác nhau làm cho danh từ riêng nước ngoài trở nên “phong phú” hơn ở dạng phiên âm tiếng Việt. Còn viết theo đúng tiếng Anh thì chỉ có giáo viên bộ môn tiếng Anh và một số thầy cô “tân thời” mới chấp thuận.
Bản thân tôi là một giáo viên dạy môn sinh nên tôi rất hoan nghênh cách viết sách hay trong sách giáo khoa Sinh học lớp 12, đa số danh từ riêng của nước ngoài đều được sách chú thích từ gốc rất rõ ràng, như: Menđen (G.J.Menden), Coren (Correns), Hacđi (Hardy), Vanbec (Weinberg)… Sự linh động trong việc viết sách kiểu này làm cho học sinh dễ đọc và đặc biệt là các em sẽ biết rõ tên gốc của nhà sinh vật học đó chính xác là ai. Trong khi đó, môn địa, môn sử lớp 12 không làm được việc này.
Hiện nay, có một số người ủng hộ việc viết sách kiểu cũ và “Việt hóa” tất cả mọi danh từ riêng trên khắp thế giới. Điều đó chẳng hay ho tí nào khi chúng ta không tôn trọng tên gốc của một người hay một địa danh nào đó mang quốc tịch nước ngoài. Vả lại chúng ta đang hội nhập với quốc tế, mà tiếng Anh lại được liệt vào ngôn ngữ chính.
Theo tôi nghĩ, việc sách giáo khoa viết chuẩn tiếng Anh là hợp tình hợp lý trong thời buổi hiện nay. Tuy nhiên, viết theo phiên âm tiếng Việt cũng tạm chấp nhận nhưng cần phải chính xác (theo như cách đọc của tiếng Anh) và phải có chú thích từ gốc rõ ràng để các em nắm rõ. Chứ không nên viết phiên âm các danh từ riêng nước ngoài tràn lan trên sách mà không có chú thích sẽ trở nên lỗi thời, giậm chân sự tiến bộ của học sinh. Có một số học sinh sau khi đọc báo đã thảng thốt lên rằng: “Ủa, tổng thống G. Busơ (cha) là G. Bush (cha) sao”? Đó là do sách Lịch sử 12 viết như thế.
Huỳnh Đắc Nhất (TP.HCM)
Bình luận (0)