Uy tín của đảng Dân chủ (Pd) cầm quyền đã giảm sút 2% trong vòng 10 ngày qua, từ 31% xuống còn 28,7%, sau khi những mâu thuẫn trong nội bộ đảng này khiến Thủ tướng Enrico Letta, một lãnh đạo của Pd, buộc phải từ chức để nhường chỗ cho Matteo Renzi, một thủ lĩnh khác của đảng này lên thay.
Thăm dò dư luận của bản tin truyền hình TgCom24 mới công bố cũng cho thấy, uy tín của đảng đối lập Forza Italy do cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi đứng đầu chỉ giảm sút nhẹ, trong khi Phong trào 5 sao (M5S), một phong trào quy tụ các cử tri trung dung nhưng hiện đang ở phe đối lập, đã tăng tới 3% và chỉ còn kém đảng Forza Italia một tỷ lệ không đáng kể.
Tân Thủ tướng Italy Matteo Renzi trong cuộc họp báo tại Rome ngày 19/2. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Hiện có 25,3% cử tri ủng hộ đảng Forza Italy, trong khi có 24,6% ủng hộ M5S. Trong cuộc thăm dò công bố hôm 11/2, Forza Italy đạt 25,4% và M5S chỉ 21,6%.
M5S là lực lượng duy nhất giành được thêm điểm từ các cử tri trong thời gian này, khi Italy chưa có chính phủ kể từ ngày 14/2, sau khi Thủ tướng Letta đệ đơn xin từ chức.
Theo bình luận của báo chí Italy, sự sụt giảm tỷ lệ ủng hộ đối với Pd chủ yếu là do những hoài nghi của các cử tri vào khả năng của ông Renzi, được cho là không có nhiều kinh nghiệm chính trường.
Trong khi đó, ông Renzi, được Tổng thống Italy chỉ định thành lập một chính phủ mới ở Italy, đang chạy đua với thời gian để tạo ra nội các của mình.
Tuyên bố với báo chí ở Rome hôm 20/2, Renzi nói rằng ông rất tự tin vào khả năng hoàn tất bộ khung chính phủ mới vào ngày 21/2 để đệ trình lên Tổng thống Napolitano vào ngày 22/2, trước khi ông và chính phủ trải qua hai phiên bỏ phiếu tín nhiệm ở Thượng viện và Hạ viện lần lượt vào các ngày 24-25/2 tới.
Nếu chính phủ vượt qua các cuộc bỏ phiếu đó, ông Renzi, vừa rời chức thị trưởng Florence, sẽ trở thành Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Italy ở tuổi 39.
Ông cũng sẽ là thủ tướng thứ tư của Italy trong vòng hai năm qua, và là thủ tướng thứ ba liên tiếp nắm quyền mà không qua bầu cử trực tiếp.
Theo báo chí Italy, quá trình tham vấn với các đảng phái chính trị kéo dài hơn dự kiến là lý do khiến Renzi chưa thành lập được chính phủ.
Đảng Trung hữu mới (NCD), gồm một nhóm các nghị sỹ ly khai khỏi lực lượng đối lập của Berlusconi, đã cảnh cáo Renzi, rằng một chính phủ mới sẽ không thể thành lập được nếu như không có sự ủng hộ của họ.
NCD đã đưa ra một loạt các điều kiện để buộc Renzi phải đáp ứng để có được sự ủng hộ của họ nhằm tạo ra một đa số tối thiểu trong Quốc hội.
Trong khi đó, phong trào M5S, đảng mới nổi lên trong cuộc Tổng tuyển cử tháng 2/2013, khẳng định rằng họ không muốn đối thoại với Pd và không muốn đảng này tiếp tục cầm quyền.
Trong khi đó, người ba lần làm Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi tuyên bố rằng đảng Forza Italy sẽ ủng hộ chính phủ trong các cải cách, nhưng khẳng định ông không tán thành với một số quan điểm của Renzi và kêu gọi tiến hành tổng tuyển cử sớm.
Áp lực và sự kỳ vọng với ông Renzi cũng đến từ giới doanh nghiệp, vốn bị tác động nặng nề bởi cuộc suy thoái dài nhất kể từ sau Thế chiến II.
Giorgio Squinzi, chủ tịch của Nghiệp đoàn giới chủ Italy (Confindustria), tổ chức đại diện cho quyền lợi của các chủ doanh nghiệp nước này, kêu gọi chính phủ của Thủ tướng Renzi phải đem đến những "câu trả lời" cho một đất nước đã kiệt quệ vì cuộc khủng hoảng đã kéo dài sáu năm qua."
Theo báo cáo của Cơ quan thống kê nhà nước Italy (ISTAT), thì nước này đã ngừng quá trình suy thoái từ nửa cuối năm 2013, nhưng những dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế còn quá mong manh và không thể khẳng định được Italy có thoát khỏi khủng hoảng trong năm 2014 hay không.
ISTAT cho biết, tăng trưởng GDP trong quý 4/2013 chỉ đạt 0,1%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức kỷ lục 12,7% và số người rơi vào tình trạng đói nghèo ở Italy đã tăng gấp đôi kể từ khi nước này rơi vào khủng hoảng vào năm 2007.
Cũng theo một báo cáo của ISTAT, lợi nhuận từ sản xuất công nghiệp của Italy trong năm 2013 đã giảm 3,8% so với năm trước đó, trong khi đơn đặt hàng giảm 1,8%./.
Trương Anh Ngọc/Rome
(Vietnam+)
Bình luận (0)